Duyên Dáng Việt Nam

Giải pháp nào ứng phó ngập mặn ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long (Kỳ 1)

Nguyệt Quế • 18-03-2020 • Lượt xem: 2001
Giải pháp nào ứng phó ngập mặn ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long (Kỳ 1)

Suốt 3 tháng đầu năm 2020, tình trạng ngập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khiến người dân nơi đây như ngồi trên đống lửa, vừa chờ trời mưa vừa trữ nước tưới tiêu cứu ruộng vườn, cây trồng. Không thể phó mặc số phận cho trời, nhiều người nông dân hiền lành chất phác miền Tây đã tìm ra những giải pháp cứu nguy đồng ruộng...

“Bóp bụng” trữ nước tưới tiêu

Năm 2020, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chịu  đợt xâm nhập mặn cao kỷ lục trong 100 năm trở lại đây. Việt Nam cũng nằm trong top 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Người nông dân miền Tây Nam bộ sống chủ yếu dựa vào các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, vú sữa hay bưởi da xanh. Để một cây sầu riêng ra trái phải cần 4 năm, vú sữa hay bưởi da xanh sau 3 năm chăm bón mới có trái lần đầu. Ấy vậy mà, khi hạn hán, ngập mặn ùa đến, cây suy, lá cháy. 3 tháng đầu năm nay, các chỉ số ngập mặn luôn dao động từ 5 ‰ - tới 18  ‰, trong khi mức chịu mặn của các cây này đều dưới 1,5 ‰.

Tình cảnh này khiến hàng ngàn hộ dân xem như mất trắng từ vài trăm triệu đến vài chục tỷ đồng đầu tư, đa phần từ vốn vay của các ngân hàng chính sách. Để cứu nguy đồng ruộng, người dân phải “bóp bụng” mua nước ngọt từ các tỉnh khác về tưới tiêu. Đi qua những tuyến đường ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang những ngày này, cứ vài trăm mét lại thấy những chiếc xe bồn chở nước.

Việc chở nước ngọt từ các tỉnh xa như Đồng Tháp, đưa đến các máy bơm tập trung, bơm vào các hồ chứa nước lót bằng bạt chống thấm rồi chở đi phân phát đến từng hộ dân khiến giá nước ngọt dao động từ 100.000 - 150.000 đồng/m3, có khi lên đến 300.000 đồng/m3. Thậm chí, có hộ phải mất hàng triệu đồng/ngày để tưới tiêu.

Những chiếc xe bồn chở nước có mặt khắp các nẻo đường tại tỉnh Bến Tre

Tình người trong hạn mặn

Bên cạnh việc mua nước ngọt, có hộ còn trải bạt dưới mương trữ nước chống hạn mặn hay dùng máy bơm có bộ lọc nước khử mặn.

Giải pháp trang bị máy lọc nước ngay tại nhà cũng được nhiều gia đình có điều kiện, hoặc diện tích cây trồng lớn chọn dùng. Không chỉ cứu nguy cho ruộng vườn nhà mình, họ còn hỗ trợ cho ruộng vườn nhà hàng xóm, đúng như tinh thần tương thân tương ái của người miền Tây hiền lành chất phác...

Ông Hai Doãn ở ấp Tân Đông, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre bày tỏ thật thà: "Mua máy lọc nước chia sẻ cho bà con xài, hàng xóm lạ quen không biết. Cứ mỗi ngày, họ đem can tới hứng 40-50 lít nước, trong hết ngày đó, hôm sau lại qua lấy tiếp. Tôi cũng đi tới các quán hủ tiếu, cà phê quảng cáo việc nhà có máy lọc nước để bà con biết tới lấy miễn phí. Nhưng ai muốn mua thẳng một khối nước thì tôi chỉ lấy lại tiền điện".

Thiên tai hạn mặn ập đến không chỉ khiến hàng xóm thân tình, giúp đỡ nhau mà còn kết nối những tấm lòng vàng từ khắp mọi nơi hướng về. Đơn cử như trường hợp ca sĩ Thủy Tiên khởi xướng gây quỹ mua máy lọc nước hỗ trợ đồng bào miền Tây đã nhận được sự ủng hộ của hàng trăm ngàn người quan tâm, chia sẻ. Chỉ sau 3 ngày kêu gọi, số tiền ủng hộ đã lên gần 10 tỷ đồng.

Nhiều kỹ sư nông nghiệp, môi trường cũng đổ về cùng tìm giải pháp khắc phục, đồng thời hỗ trợ bà con ứng phó nhanh với hạn mặn. Trong đó, phải kể đến anh Phạm Ngọc Tĩnh, Giám đốc công ty môi trường Hana, đồng thời là thành viên trong một hội đồng khoa học về giải pháp môi trường.

Anh Phạm Ngọc Tĩnh - Giám đốc công ty môi trường Hana hướng dẫn ông Hai Doãn sử dụng máy lọc nước.

Vốn làm công ty xử lý nước thải, từng thực hiện nhiều công trình quy mô lớn, từ cuối năm ngoái đến nay, anh Tĩnh đã giúp bạn bè ứng dụng các máy lọc nước cứu nguy cho ruộng vườn. Từ từ, anh mở rộng ra, đều đặn hằng ngày đi chuyển hàng trăm cây số giữa TP.HCM và các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang để tư vấn, hướng dẫn, lắp ráp các máy lọc nước có hệ thống RO khử mặn. Anh chia sẻ cách chọn máy lọc nước hiệu quả và cũng lưu ý thời gian bảo hành để giúp bà con yên tâm hơn.

Cần những giải pháp dài hạn

Trong điều kiện hạn chế về thông tin, nhiều người dân do nhu cầu cấp bách nên không tránh khỏi phải chi tiêu vội vàng mà không tìm hiểu những biện pháp ứng phó mang hiệu quả lâu dài. Do đó, cần lắm những thông tin thiết thực, phối hợp đồng bộ.

Biến đổi khí hậu là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Từ cháy rừng ở Úc, California (Mỹ), lũ lụt ở Nhật, sóng nhiệt gây chết người ở châu Âu, và đầu năm nay là hạn mặn cao kỷ lục ảnh hưởng nặng nề đến nông nghiệp ở nước ta. Do đó, việc triển khai các giải pháp luôn đòi hỏi những người có lòng, có trí và sự kiên trì cùng góp sức san sẻ. Và cần lắm sự quan tâm, phối hợp của các cấp quản lý, các đơn vị kinh doanh trong chuỗi giá trị nông nghiệp, những người dân, người tiêu dùng trong mọi tầng lớp xã hội.

Cách đây vài năm, có những giống cây trồng chịu mặn đã được nghiên cứu ra đời, tiêu biểu như giống lúa ST. Sau hơn 25 năm nghiên cứu phát triển, giống lúa ST đã có nhiều ưu điểm vượt trội như: phòng bệnh tốt, kháng mặn và đặc biệt là có thể sản xuất được nhiều vụ trong năm, mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện, ST25 là loại gạo ngon nhất thế giới, mang thương hiệu Việt Nam đi xa.

Ngoài ra, 4 năm trước, Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan đã phát minh một số ứng dụng phao quan trắc tự động, đo được độ nhiễm mặn trong ngày của các dòng sông và áp dụng thành công, đo độ nhiễm mặn của nước trên sông Cổ Chiên, giúp nông dân nhiều vùng tại Trà Vinh biết thời điểm bơm nước ngọt tưới tiêu đúng lúc trong ngày và chủ động bơm nước về trữ tưới.

Và gần đây, từ giữa tháng 2, Bến Tre đã đắp đập "dã chiến" ngăn mặn. Nếu gộp nhiều giải pháp lại phối hợp đúng lúc, đúng nơi chắc hẳn sẽ tạo ra được một giá trị có sức mạnh to lớn.

Hiện, nguồn tài nguyên nước đang biến động và khan hiếm dần. Tại tỉnh miền núi Gia Lai, Kontum, phải khoan giếng xuống sâu hơn 150 mét mới có nước ngọt cho đồng bào miền núi sử dụng. Do đó, mỗi người dân ở các thành thị, cần tiết kiệm nước tại nhà nhằm tiết giảm sự thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên và góp phần giảm biến đổi khí hậu.

Đây là những việc làm nhỏ nhưng thiết thực mà ai cũng có thể thực hiện để hỗ trợ cho những người nông dân đang đối mặt trực tiếp với hậu quả của biến đổi khí hậu. Đó cũng là cách góp phần giúp ổn định vựa lương thực lớn nhất cả nước.

(Còn tiếp)