VĂN HÓA

Giáo dục trẻ bảo vệ môi trường qua 'Khu rừng trong chai'

Quốc Hiển • 25-06-2023 • Lượt xem: 1239
Giáo dục trẻ bảo vệ môi trường qua 'Khu rừng trong chai'

'Khu rừng trong chai' – tác phẩm thiếu nhi mới nhất của nhà văn Huỳnh Trọng Khang truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa hướng đến trẻ em về việc bảo vệ môi trường.

Xem thêm: 

Nhà văn Lý Lan ra mắt truyện dài dành cho thiếu nhi 

Xin chào ngày nắng đẹp - Món quà tươi tắn giữa nhịp đời hối hả

"Khu rừng trong chai" kể về hành trình phiêu lưu của cậu nhóc An An, bắt đầu từ khi cậu được trao cho một hạt giống lạ. Mang theo giấc mơ về cây đậu thần khổng lồ, An An gieo hạt vào một cái chai thủy tinh. Trong thế giới bao bọc khép kín, hạt giống lặng lẽ nảy mầm, lớn lên, sinh sôi nảy nở tạo nên cả một khu rừng.

Thế rồi gần cả thế kỷ trôi qua, khu rừng trong chai dần rơi vào quên lãng, màu xanh của cây cỏ cũng dần mất đi, giờ đây chỉ còn trơ trọi những tòa nhà chọc trời, khói bụi độc hại, Trái đất chìm trong biển nước ngập mặn, liệu con người sẽ tiếp tục tồn tại như thế nào? Và liệu khu rừng năm xưa trong chiếc chai nhỏ bé sẽ xảy ra điều gì kỳ diệu?

Dạo bước đến "Khu rừng trong chai" cùng An An, độc giả không chỉ có thể khám phá vẻ đẹp muôn màu, mà còn là sức sống mãnh liệt của tự nhiên, dù bị giam hãm, lãng quên hay hủy hoại đến thế nào vẫn kiên cường gieo mầm hy vọng cho hành tinh xanh mãi.


Qua "Khu rừng trong chai", có thể nhận thấy tác giả rất có ý thức trong việc xây dựng tính điện ảnh cho truyện. 

Tác phẩm mở đầu bằng một cảnh toàn, góc máy từ trên cao cho thấy nắng gắt, mây thưa, trời trong xanh. Sau đó, người đọc như cảm giác được chiều di chuyển chậm xuống phía dưới của máy quay để thấy cảnh lũ trẻ đang chơi bóng. Tiếp đến là âm thanh “tiếng leng keng của xe kẹo kéo” xuất hiện. Một cảnh mở đầu đơn giản nhưng bài bản và trọn vẹn như một thước phim với đầy đủ hình ảnh, góc máy, âm thanh."Khu rừng trong chai" được viết với kết cấu vòng tròn, thể hiện sự quay ngược thời gian về mặt ý niệm mang lại nhiều cảm xúc: trẻ thơ trở thành người lớn; và rồi, người lớn quay về thời thơ trẻ, như được sống lại lần nữa với hạt giống trong tay, quên đi bộn bề, hòa vào thiên nhiên.


Thế giới của "Khu rừng trong chai" là thế giới được nhìn qua cặp mắt đong đầy cảm xúc, sự hiếu kì và cả những lí giải ngộ nghĩnh của trẻ thơ. 


Trong cách dựng hình ảnh của tác giả cũng có sự hài hước ở một số phân đoạn. 

Khu rừng trong chai không chỉ là một câu chuyện thiếu nhi đơn thuần, mà còn là một tác phẩm có nhiều thông điệp ý nghĩa về việc bảo vệ môi trường và sức sống mãnh liệt của thiên nhiên. Tác giả đã khéo léo sử dụng khu rừng trong chai làm biểu tượng cho sự sống của trái đất, cho thấy sự tương đồng và tương phản giữa hai thế giới: thế giới bên trong chai và thế giới bên ngoài chai.

Trong khi thế giới bên trong chai được miêu tả là một khu rừng xanh tươi, đầy sắc màu, âm thanh và sinh vật; thì thế giới bên ngoài chai lại là một không gian ảm đạm, u ám, ngập trong biển nước mặn và khói bụi. Sự tương phản này nhấn mạnh sự khác biệt giữa thiên nhiên và con người, giữa sự sống và sự chết.


Huỳnh Trọng Khang mang đến cuộc phiêu lưu đầy thú vị trong "Khu rừng trong chai".

Về tác giả

Huỳnh Trọng Khang sinh năm 1994, là một trong những cây bút trẻ được kỳ vọng sẽ tạo “nội lực” cho thể loại tiểu thuyết. Năm 2016, anh cho ra mắt "Mộ phần tuổi trẻ" và một năm sau đó, đã được vinh danh tại giải Sách hay, hạng mục Phát hiện mới vào năm 2017.

Kể từ thành tích đã đạt được đó, mỗi năm anh đều cho ra những tác phẩm ấn tượng, có thể kể đến như "Những vọng âm nằm ngủ" (2018), "Phật trong hẻm nhỏ" (2020) và "Bể trăng côi" (2023). Ngoài tiểu thuyết, anh cũng chắp bút cho nhiều tác phẩm hướng đến thiếu nhi, như tập thơ "Mephy! Mephy!" hay truyện dài "Bơ không phải để ăn", mới đây nhất là "Khu rừng trong chai".