Duyên Dáng Việt Nam

Giây phút lịch sử trên bán đảo Triều Tiên

Bảo Duy • 27-04-2018 • Lượt xem: 823
Giây phút lịch sử trên bán đảo Triều Tiên

Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên - Hàn Quốc đã bắt tay nhau trong cuộc gặp thượng đỉnh tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Đồng hồ chỉ 7h30, giờ Việt Nam đó được xem là một thời khắc lịch sử.

Xem trực tiếp cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều

Lễ đón long trọng nhà lãnh đạo Kim Jong Un diễn ra ngay sau đó.

Bên ngoài tòa nhà, nơi diễn ra cuộc gặp, thảm đỏ và đội quân danh dự đã ngay hàng đúng lối.

Giây phút lịch sử trên bán đảo Triều Tiên - Ảnh 1.

Thời khắc lịch sử trong quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên - Ảnh: REUTERS

Con đường đi từ Seoul đến khu vực biên giới sáng nay đã được phong tỏa hoàn toàn. Quá trình di chuyển của đoàn xe tổng thống Hàn Quốc được trực tiếp trên trang web chính thức của thượng đỉnh liên Triều .

Giây phút lịch sử trên bán đảo Triều Tiên - Ảnh 3.

Bên ngoài nơi hội đàm của hai nhà lãnh đạo liên Triều - Ảnh: REUTERS

Một người dân Hàn Quốc ở Việt Nam nhắn với chúng tôi cầu mong hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 sẽ suôn sẻ như cách đoàn xe Hàn Quốc phóng như bay về phía bắc và thành công tốt đẹp.

Từ Bình Nhưỡng, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã rời thủ đô xuôi về phương nam. 

Giây phút lịch sử trên bán đảo Triều Tiên - Ảnh 4.

Hai nhà lãnh đạo duyệt đội danh dự - Ảnh: REUTERS

KCNA nhấn mạnh ông Kim sẽ thảo luận "một cách cởi mở tận tâm can các vấn đề liên quan tới việc cải thiện quan hệ liên Triều, tiến tới đạt được nền hòa bình vĩnh viễn, thịnh vượng và tái thống nhất trên bán đảo Triều Tiên".

Lễ đón sẽ được hai miền truyền hình trực tiếp. Việc lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên bước chân qua vạch sơn chia đôi giới tuyến để sang lãnh thổ Hàn Quốc sẽ là giây phút lịch sử.

Lễ đón có thể được giản tiện hóa. Có thể không có bắn đại bác và chào cờ. Chủ tịch Kim Jong Un của Triều Tiên sẽ duyệt đội danh dự của Hàn Quốc. Do Bàn Môn Điếm chật hẹp nên đội danh dự sẽ chỉ có 100 người thay vì 150 người như thông lệ. 

Giây phút lịch sử trên bán đảo Triều Tiên - Ảnh 5.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với nụ cười tươi khi bắt tay trong nhà Hòa Bình - Ảnh: REUTERS

Theo lịch trình dự kiến, ông Kim Jong Un sẽ đến đường ranh giới quân sự giữa hai miền vào lúc 9h30 giờ địa phương, tức khoảng 7h30 giờ VN. Ông Kim sau đó sẽ đi bộ qua lãnh thổ Hàn Quốc nằm trong khu phi quân sự.

Cuộc họp chính thức sẽ bắt đầu lúc 10h30 giờ địa phương tại nhà Hòa bình của Hàn Quốc trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm, tức khoảng 8h30 giờ VN.

Giây phút lịch sử trên bán đảo Triều Tiên - Ảnh 6.

Các nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên đối thoại trong nhà Hòa Bình - Ảnh: REUTERS

Thành phần dự mỗi bên là 1+6+6. Ghế 2 trưởng đoàn to hơn ghế đoàn viên, trên đỉnh lưng ghế có khắc hình bán đảo Triều Tiên. 

Bàn đàm phán có độ rộng 2018mm tượng trưng cho sự kiện được tổ chức trong năm 2018, chiếc bàn có hình chiếc cầu được nối từ 2 mố cầu, ý nói sự hàn gắn. 

Giây phút lịch sử trên bán đảo Triều Tiên - Ảnh 7.

Phần đầu ghế dành cho hai nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên - Ảnh: Thượng đỉnh liên Triều 2018

Mỹ - Hàn ngừng tập trận trong ngày thượng đỉnh liên Triều 

Hội đồng tham mưu liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 26-4 cho biết cuộc tập trận "Giải pháp then chốt" giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ tạm dừng trong ngày 27-4 để tạo không khí thuận lợi cho thượng đỉnh liên Triều. 

Cũng theo JCS, cuộc tập trận quy mô dự kiến kéo dài 4 tuần mang tên "Đại bàng non" đã chính thức kết thúc ngày 26-4, chỉ một ngày trước khi lãnh đạo hai miền Triều Tiên gặp nhau ở Bàn Môn Điếm.

* Báo chí nước ngoài lần đầu được phép tác nghiệp tại thượng đỉnh liên Triều 

Tin từ Nhà Xanh (Văn phòng tổng thống Hàn Quốc) cho biết lần đầu tiên trong lịch sử 3 kỳ thượng đỉnh liên Triều sẽ có mặt các phóng viên nước ngoài. 

 Tổng cộng có 5 hãng thông tấn như Hãng tin Reuters (Anh), Hãng tin Bloomberg (Mỹ), Hãng thông tấn Tân Hoa xã (Trung Quốc), Hãng thông tấn Kyodo và Hãng tin Jiji (Nhật Bản) được phép tham dự. 

Tính đến ngày 25-4 có 869 phóng viên thuộc 184 cơ quan báo chí của 36 quốc gia đăng ký tác nghiệp tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều 2018. "Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này được nhiều quan tâm không chỉ Hàn Quốc mà còn cả thế giới. 

Cả thế giới đang quan tâm chú ý tới hai lãnh đạo Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên giải quyết các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc thế nào. 

Vì thế, chúng tôi sẽ đưa tin nhanh và chính xác cho các độc giả trên thế giới", bà Kim Soyoung, trưởng văn phòng đại diện Reuters tại Hàn Quốc, cho biết. 

Báo chí nước ngoài được phép tác nghiệp tại các cuộc hội đàm cấp cao liên Triều nhưng chưa bao giờ được phép xuất hiện trong hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra tại Bình Nhưỡng vào các năm 2000 và 2007.