Duyên Dáng Việt Nam

Giúp con giữ tâm trạng vui vẻ đến trường mỗi sáng

KP • 16-10-2020 • Lượt xem: 618
Giúp con giữ tâm trạng vui vẻ đến trường mỗi sáng

Đánh thức trẻ vào mỗi sáng là chuyện khó khăn nói chung của các ông bố, bà mẹ. Trẻ trong độ tuổi đến trường, nhất là trẻ mới vào lớp 1, thường câu giờ vào mỗi sáng để khỏi đến trường. Tình trạng này xuất hiện phổ biến vào thời điểm khai giảng năm học mới, khi trẻ hết dịp nghỉ hè và phải quay lại trường học.

Bố mẹ có thể áp dụng những gợi ý dưới đây để giúp trẻ hào hứng, vui vẻ đến trường vào mỗi sáng.

condentruong_1_151020
Trẻ thường có tâm lý sợ sệt khi bước vào môi trường mới - Ảnh: Internet

1. Điều chỉnh thời gian sinh hoạt hợp lý

Sau kỳ nghỉ hè, hầu hết mọi đứa trẻ đều háo hức đến trường. Tuy nhiên, thói quen sinh hoạt hàng ngày trong dịp hè có thể làm ảnh hưởng không ít đến chất lượng giấc ngủ của trẻ, khiến trẻ ngủ không đủ giấc nên dễ bị uể oải, lờ đờ khi phải thức dậy sớm hơn thường ngày. Điều này dẫn đến tình trạng trẻ câu giờ khi xuống giường, vệ sinh cá nhân, ăn sáng và đi học.

Vì vậy, bố mẹ nên điều chỉnh lại giờ giấc ăn uống, nghỉ ngơi của con sao cho hợp lý. Việc điều chỉnh này cần tiến hành trong khoảng ít nhất 2 tuần trước khi con đến trường. Thói quen sinh hoạt mới sẽ giúp trẻ ngủ đủ giấc, ăn đúng bữa và có một tinh thần đầy năng lượng vào mỗi sáng.

Nếu trẻ thường lên giường lúc 9h và thức dậy vào lúc 7h trong kỳ nghỉ, bố mẹ nên giúp con điều chỉnh dần thời gian sinh học của cơ thể, đi ngủ vào lúc 8h và dậy lúc 5h30.

2. Lên kế hoạch cho ngày mai

“Ngày mai, con có hoạt động gì ở trường không?”. Bố mẹ có thể tìm hiểu những hoạt động mà con tham gia vào sáng hôm sau, để gợi ý giúp con những đồ dùng cần chuẩn bị. Bên cạnh đó, bố mẹ nên tập cho con thói quen để đồ ngăn nắp, có nơi chốn. Điều này sẽ giúp con kiểm soát và tránh thất lạc đồ khi ở nhà và cả trên lớp.

Những dụng cụ học tập cần thiết (bút, vở, sách, thước, bảng…) nên để sẵn trong ba lô vào tối hôm trước. Đồng phục thì treo sẵn trên móc hoặc trong tủ đồ. Như thế, trẻ sẽ tiết kiệm được thời gian khi phải chuẩn bị đi học vào sáng hôm sau.

3. Bật nhạc vui tươi cho ngày mới

Nếu trẻ thích nhạc, bố mẹ hãy mở nhạc vào mỗi buổi sáng sớm để đánh thức trẻ dậy và tạo thêm không khí ngày mới tràn đầy năng lượng. Những bài nhạc thiếu nhi dễ thương, trong sáng sẽ giúp tâm trạng trẻ trở nên vui vẻ và tích cực hơn.

Bên cạnh đó, bố mẹ nên thay đổi thực đơn món ăn sáng cho trẻ mỗi ngày để kích thích cảm giác thèm ăn cho trẻ, giúp trẻ ăn uống đủ chất, bổ sung năng lượng cho ngày mới.

condentruong_2_151020
Chơi thể thao giúp trẻ vận động linh hoạt và giải tỏa cảm xúc tiêu cực - Ảnh: Internet

4. Giúp trẻ mạnh dạn tiếp xúc và kết bạn

Đối với trẻ lớp 1, bố mẹ nên thường xuyên tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với bạn bè cùng lứa để trẻ mạnh dạn hơn. Chơi với những đứa trẻ hàng xóm hay đi dã ngoại cùng bạn trong lớp có thể là những hoạt động giúp trẻ kết bạn và hòa nhập hơn.

5. Khuyến khích trẻ chơi thể thao

Chơi thể thao giúp trẻ giải phóng năng lượng, gắn bó và dễ dàng kết thân hơn với nhiều trẻ khác. Không những vậy, hoạt động nhiều cũng giúp trẻ ăn uống ngon miệng và tăng cường thể chất hơn, tránh bị ốm vặt. Bên cạnh đó, bố mẹ còn khám phá ra sở thích và sở trường của trẻ để hỗ trợ, bồi dưỡng cho con.

6. Tránh áp đặt thành tích

Việc bố mẹ đặt gánh nặng thành tích lên con trẻ cũng khiến con cái gặp áp lực, nhất là khi sức học của trẻ có hạn. Bên cạnh đó, khi trẻ đã nổ lực hết mình rồi nhưng không được công nhận khiến cho trẻ tự ti, mặc cảm và thất vọng nhiều hơn.

Nếu muốn trẻ đến lớp học thêm, bố mẹ nên đưa ra lời khuyên và tôn trọng ý muốn của con. Bên cạnh đó, bố mẹ nên tạo những khoảng trống trong lịch học tập để giúp trẻ có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi với bạn bè, thư giãn đầu óc.

condentruong_151020
Ăn uống đủ chất và đúng bữa giúp trẻ tăng cường sức đề kháng - Ảnh: Internet

7. Tìm hiểu tình trạng của con khi ở trường

Bố mẹ không nên bỏ mặc con với các vấn đề ở trường. Một đứa trẻ không thích trường học thường là vì trẻ đã gặp một chuyện nào đó gây cản trở tâm lý. Điều đó có thể là bị bạn bè trêu chọc, điểm kém hay bị cô giáo la rầy… Bố mẹ nên tìm hiểu tình trạng của con trên lớp thông qua giáo viên hoặc quan sát, chia sẻ với con hàng ngày để tìm ra vấn đề của con là gì.

8. Giúp trẻ hiểu rõ học tập là nhiệm vụ của bản thân

Việc bố mẹ giúp con hiểu rõ nhiệm vụ học tập của bản thân là rất quan trọng. Bố mẹ có thể tâm sự, chia sẻ với con về nhiệm vụ của chính mình, từ đó đặt vấn đề về nhiệm vụ của con. Hơn hết, tạo hứng thú học tập cho con từ việc biết sở trường, ý thích của con cũng là một cách hay. Điều này sẽ giúp con trở nên tự giác hơn khi đến trường, học tập.