Duyên Dáng Việt Nam

Góc nhìn về công nghệ giáo dục "Hồ Ngọc Đại"

Nam • 10-09-2018 • Lượt xem: 669
Góc nhìn về công nghệ giáo dục "Hồ Ngọc Đại"

Một góc nhìn về chương trình "Thực nghiệm" trên trang cá nhân của Tiến sỹ Đàm Quang Minh, người từng là Hiệu trưởng Đại học FPT. Hiện ông Minh là Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Xuân và phụ trách hệ thống trường của Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ (IAE).

Suốt 40 năm triển khai "Thực nghiệm" là 40 năm tranh cãi và thăng trầm. Người ủng hộ, người phản đối đều rất đông nhưng bản chất của vấn đề thì nhiều người vẫn hiểu nhầm.

Nhầm lẫn 1: Thực nghiệm là thử nghiệm
Thực nghiệm gốc tiếng anh là experimental và hoàn toàn không có nghĩa chương trình này là thử nghiệm. Nhiều người cho rằng thử nghiệm đến 40 năm là không hiểu bản chất của từ thực nghiệm. Triết lý học thực nghiệm có nghĩa là người học phải học qua trải nghiệm thực tế để hiểu bài học.

Nhầm lẫn 2: Đánh vần là CNGD của Hồ Ngọc Đại. 
Thực ra tác giả của phần đánh vần gây tranh cãi vừa qua là nhà giáo Phạm Toàn. Hai nhà giáo này cùng nhau xây dựng được hết chương trình Tiếng Việt 1 - CNGD thì chia tay nhau. Nhà giáo Phạm Toàn sau này phát triển Cánh Buồm cũng dựa trên các lý thuyết về ngữ âm mà chính ông là tác giả trước đây.

Nhầm lẫn 3: Cách học của CNGD là cách học Xô viết. 
Thực tế trường thực nghiệm đầu tiên trên thế giới là do John Dewey cha đẻ của giáo dục hiện đại mở năm 1896 tại Chicago Hoa Kỳ. Nền tảng của phương pháp giáo dục này dựa trên tâm lý học và ngày nay được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Một số nhà tâm lý học giáo dục cấp tiến đã đưa về Liên Xô, trong đó có thầy giáo của GS. Hồ Ngọc Đại.

Nhầm lẫn 4: Trường Thực nghiệm Liễu Giai chỉ dạy chương trình CNGD. 
Thực tế là trường Thực nghiệm dạy cả chương trình phổ thông nhưng theo cách tiếp cận của giáo dục thực nghiệm lấy học sinh làm trung tâm.

Nhầm lẫn 5: Chương trình CNGD là quá cấp tiến, không phù hợp với giáo dục Việt Nam. 
Thực tế thì triết lý căn bản của CNGD đã có từ trên 100 năm và ngày nay đã trở thành thông dụng. Gốc rễ của phương pháp chính là Học tập Kiến tạo hay Constructivism. Học tập kiến tạo cho rằng người học sẽ tự hình thành kiến thức dựa trên các trải nghiệm và suy luận chứ không do thầy cô rót vào đầu. Chính vì vậy tăng cường xây dựng các trải nghiệm học tập sẽ giúp người học nhanh chóng có được kiến thức và kỹ năng. Do đó, phương pháp học tập này cổ vũ việc thảo luận, tranh biện. Các bài tập hướng tới việc viết luận, suy diễn và hoàn thành các nhiệm vụ hơn là việc giải các bài tập hay kiểm tra bằng các bài thi.

Nhầm lẫn 6: Học theo CNGD sẽ bị nghẹo cổ
Lớp học điển hình theo phương pháp Học tập kiến tạo là học sinh sẽ nhìn vào nhau theo nhóm. Phương pháp này lấy học sinh làm trung tâm nên việc giảng dạy của giáo viên được coi là việc phụ trợ. Người học sẽ phải tự nghiên cứu và thảo luận nhiều hơn là nghe thầy cô giảng bài. Thực tế thì nhiều trường trên thế giới đã áp dụng phương thức này. Theo thống kê không chính thức thì tỷ lệ nghẹo cổ ở các quốc gia áp dụng rộng rãi phương pháp này ví dụ như Phần Lan không cao hơn Việt Nam chủ yếu áp dụng phương pháp nghe giảng truyền thống.

Nhầm lẫn 7: Chỉ có các trường dạy theo CNGD mới áp dụng phương pháp này. Thực tế các trường quốc tế ở Việt Nam đã áp dụng từ lâu. Một số trường Việt Nam cũng thực hành phương pháp này cho dù không nói ra như Trường Đinh Thiện Lý, Việt Úc (Tp.HCM) Trường Gateway, Olympia (HN). Ngoài ra còn có nhiều trường chuyên ở các tỉnh như Lào Cai, Tây Ninh cũng khá thành công với CNGD.

Ông Đàm Quang Minh là Hiệu trưởng đại học trẻ tuổi nhất Việt Nam

Giáo dục giống như một con voi mà gia đình nào cũng liên quan. Do đó, không phải ai cũng có cái nhìn khách quan và toàn diện. Chưa kể, mọi việc đều có kỹ thuật của nó. Đó là vấn đề ai cũng biết nhưng không phải ai cũng hiểu. Vì vậy, lấy một góc, một trang sách hay một đoạn clip để đưa lên chế diễu không phản ánh đầy đủ về phương pháp luận giáo dục.