GIẢI TRÍ

Hà Linh tâm tình chuyện lưu diễn ở nước ngoài

Phạm Lữ • 05-05-2020 • Lượt xem: 681
Hà Linh tâm tình chuyện lưu diễn ở nước ngoài

Hà Linh là gương mặt không hề xa lạ với khán giả, được xem là con nhà nòi với mẹ là cố NSƯT Thanh Nga, cậu là NSƯT Bảo Quốc. Cả gia tộc anh có rất nhiều cái tên đình đám trong làng nghệ thuật như NSƯT Hữu Châu, Hồng Loan, Gia Bảo… và cũng không lấy gì làm lạ khi anh nối nghiệp gia đình, đi vào lĩnh vực hài được khán giả trong và ngoài nước yêu mến.

Tin, bài liên quan:

Nghệ sĩ hài ‘méo mặt’ vì cúm Corona

Bảo Chung tất bật làm MV hài cuối năm

Xóm 'Việt kiều' nghèo mùa Covid-19

Gặp anh trong những ngày đại dịch, cũng như bao nghệ sĩ khác, anh cũng mất show, phải ở nhà, xem phim, lướt mạng, chơi game cho qua những ngày buồn chán. Tâm sự cùng anh, những ngày này điều gì làm anh ấn tượng nhất? Anh vui vẻ trả lời: “Trong mùa dịch Corona như thế này, không chỉ riêng mình mà cả thế giới đều hướng vào diễn biến của tình hình dịch cúm, ngoài ra, tôi thấy nhớ phim trường, mơ tới ngày hết dịch để được làm nghề. Đặc biệt là những ký ức về khán giả, nhất là những khán giả ở hải ngoại mà tôi có dịp lưu diễn trong 2 năm qua”. 

Nghệ sĩ Hà Linh lúc nhỏ và mẹ, cố NSƯT Thanh Nga

Gian nan cùng nghiệp diễn
Ngoài đời Hà Linh có phong cách bình dị, dễ gần và sự tiếu lâm tỉnh… như ruồi. Nghe anh tâm tình những điều tưởng như rất bình thường, nhưng bên trong ẩn chứa khá nhiều tâm tư của một người nghệ sĩ đích thực. Anh bật mí: “Những ngày ế show như thế này tôi bỗng nhớ lại cái thời vàng son một ngày chạy 13 show là chuyện bình thường”. Từ cái thuở chập chững vào nghề cùng với cố nghệ sĩ Hữu Lộc, Hữu Tâm… nhóm của anh đi diễn hài suốt từ Nam ra Bắc.

 

Đến khi thị trường hài bão hoà, anh chuyển sang đóng phim với hàng loạt vai diễn trong các bộ phim như: Mẹ hổ dạy con dâu, Mật danh Rocker, Em là bà nội của anh, Tơ hồng vương vấn và mới nhất là bộ phim Vua bánh mì… Với anh, tất cả cũng chỉ là hoạt động nghệ thuật, nối nghiệp một gia tộc lừng lẫy, mà khi nhắc đến những cái cái tên như cố NSƯT Thanh Nga, NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Hữu Châu… bất kỳ ai cũng tôn trọng và kính nể. 

Hà Linh trong phim của đạo diễn Hồ Ngọc Xum

Những tưởng đây là lợi thế với một cậu bé đam mê nghệ thuật từ nhỏ như Hà Linh, nhưng chính anh cũng nhiều lần bộc lộ thẳng thắn: “Cái gì cũng có hai mặt lợi và hại, cái chính là khả năng của mình, phải biết học hỏi và phát huy ra sao thôi. Cũng có nhiều lúc tôi chạnh lòng với nghề, nhưng giờ nhìn lại mình cũng chẳng có gì phải hối tiếc, tất cả những gì có được ngày nay cũng là từ sức lực của chính mình, tất nhiên sự chiếu cố từ những người thân gia đình là những nghệ sĩ gạo cội luôn là động lực vô hình giúp tôi mạnh mẽ vươn lên trong mọi hoàn cảnh".

Đi nhiều, diễn nhiều với anh có quá nhiều kỷ niệm, nhất là với những khán giả thân yêu của riêng mình. Trong mỗi ký ức sau buổi diễn, phải kể đến những ngày đi diễn ở nước ngoài với cảm giác rất đặc biệt. Khán giả ở hải ngoại có những điều rất đặc trưng, nếu như không tinh ý, không quan tâm thì rất khó có được những phút giây xuất thần…

Ba lần rớt visa đi diễn ở Mỹ
Anh bật cười khi nhớ lại, dù từng có nhiều thâm niên trong nghề, nhưng lại là người bị rớt visa đi diễn ở Mỹ đến... 3 lần, khiến anh không ít lần hụt hẫng. Mãi đến khi chính thức đặt chân đến xứ cờ hoa, lần đầu đứng trên sấn khấu Mỹ đã để lại cho anh khá nhiều ký ức đáng nhớ.

Nghệ sĩ Hà Linh biểu diễn trên sân khấu ở Mỹ

Ở Mỹ, khán giả rất mê tuồng tích cải lương, kịch. Nếu ở Việt Nam có nhiều sân khấu để diễn thì ở Mỹ không hề dễ dàng. Muốn thực hiện một show diễn phải kỳ công ghê lắm, đầu tiên phải có người đầu tư sân khấu, mà chỉ ở mức từng show diễn chứ không phải được như chị Hồng Vân ở Việt Nam là có sẵn cả một sân khấu đàng hoàng. Nếu đúng một show nghệ thuật thì phải có một sân khấu đàng hoàng để tập luyện, chuyện quy tụ khoảng 10 nghệ sĩ thôi là bắt đầu thấy căng rồi, nội việc tiền vé máy bay, tiền ăn ở rồi hẹn hò lịch tập là cả một vấn đề.


Làm nghề ở xứ người… khó lắm
Ở Mỹ, chỉ có thứ bảy, Chủ nhật nghệ sĩ mình… mới rảnh. Riêng khán giả tạm chia ra hai thành phần. Ai đi làm công sở thì rảnh buổi chiều, người nào đi làm nail thì 8 giờ 30 họ mới có thể thoải mái đến xem văn nghệ… Cho nên, lúc nào bầu show cũng phải diễn 2 suất để đáp ứng nhu cầu của khán giả. Đa phần họ thích xem ngày thứ bảy để Chủ nhật còn được nghỉ ngơi, hoặc đi làm sớm từ 5 giờ sáng là chuyện bình thường.

Nghệ sĩ Hà Linh tại đại lộ danh vọng Hollywood

Ở Mỹ không phải lúc nào cũng có show, có khi phải mất vài tháng mới có show diễn, và nhiều khán giả phải nắm lịch cụ thể thì mới xin phép được nghỉ để đi xem. Cho nên mỗi buổi diễn “trường kịch” phải kéo dài 3 tiếng hơn thì xem mới đã. Đầu giờ luôn có phần ca múa nhạc để đáp ứng được nhu cầu “thèm muốn” giải trí văn nghệ của người Việt ở xứ người. 

Đa phần khán giả rất rất trân trọng nghệ sĩ, họ rất thích những “tuồng tích” về đề tài xã hội Việt Nam, cả xưa và nay. Riêng giới trẻ thích hiện đại hơn, cho nên quan niệm người trẻ hải ngoại bây giờ thích văn hoá nước ngoài là chưa đúng lắm, các bạn trẻ vẫn đón nhận thậm chí đến đông nữa là khác, nếu như “tuồng tích” đó có liên quan đến thời sự của người Việt là ăn khách lắm.

Hà Linh cùng người thân, đồng nghiệp trước giờ biểu diễn ở Mỹ


Một buổi diễn có từ 400 đến 500 khách. Giá vé từ 40 đến 100 đô. Riêng những trường hợp đặc biệt, có nhiều khán giả được quyền thương lượng giá vé với bầu show để đi xem theo ý thích của mình. Ví như: Nhiều người muốn xem vở kịch đó quá, nhưng tiền bạc không “rủng rỉnh” lắm thì cứ 5-7 người hùn lại, kêu bầu show bớt tiền xe vì họ phải đi rất xa, cái này gọi là nương nhau mà xem… văn nghệ. Có người xem quen riết thành mối, còn nhờ vả bầu show chọn ghế tốt, nhưng giá vé dễ chịu một chút, tự nhiên tâm lý đi xem rất là hưng phấn.

Hà Linh có một thói quen là trước khi tập hay đi dạo quanh một vòng chợ, siêu thị ở Mỹ để tìm hiểu phong tục, tính cách những con người ở đây. Ở Mỹ, phim Việt được khán giả xem rất nhiều nên khi Hà Linh đi dạo được nhiều người biết mặt hỏi thăm. Những cái tên như: Lương Thế Thành, Minh Luân, Kha Ly, Nhật Kim Anh… rất được yêu thích.

Hà Linh cùng các nghệ sĩ Minh Luân, Kha Ly, Thanh Duy

Riêng gia đình Hà Linh mỗi khi nhắc tới đều được khán giả dành một sự trân trọng nhất định, nên được diễn trước khán giả ngoại, mình cảm thấy rất hưng phấn và tự tin.Với anh, khán giả ở đâu cũng là khán giả, quan trọng là mình phải diễn như thế nào thôi. Có đi thực tế mới thấy bà con Việt kiều ở Mỹ coi vậy chứ không sướng nhiều lắm đâu, chuyện cơm áo gạo tiền cũng phải “cày” ngày đêm, riêng phần thưởng thức văn nghệ không phải lúc nào cũng có sẵn như ở Việt Nam.

Trong ngày cúng Tổ sân khấu

Anh Bật mí: "Riêng về nghề, nếu làm đạo diễn, diễn viên hay cái gì liên quan đến nghệ thuật thì ở Việt Nam vẫn sướng hơn vì thị trường luôn rộng mở, từ đài truyền hình đến sân khấu lúc nào cũng sẵn sàng. Ở Mỹ tốt nhất là chúng ta nên đi học nghề để về Việt Nam áp dụng là xem như số một. Diễn ở Việt Nam nếu như xin được tài trợ là xem như OK, còn ở Mỹ rất khó có quảng cáo, dù là quảng cáo nhỏ. Riêng quảng cáo lớn thì không đến tay người Việt rồi. Cho nên, nếu được diễn phục vụ là xem như đã thành công lớn. Ở Mỹ mà được mời tới dự một event nào đó là mừng lắm, vì điều đó chứng minh: Tôi vẫn còn sống, vẫn còn làm nghề trong làng nghệ thuật".

Kỷ niệm cuối cùng với cố nghệ sĩ Anh Vũ
Hà Linh nhớ lại kỷ niệm lần đầu sang Mỹ: Lần đó tôi với Anh Vũ có hẹn nhau sẽ sang Mỹ diễn chung. Tôi vào vai hoạ sĩ, Vũ vào vai Việt kiều. Trước đây Anh Vũ với tôi phải gọi là quá quen, ảnh từng lấy kịch bản Hát với dòng sông của tôi để diễn chung với Má NSND Ngọc Giàu, sau đó đoạt giải luôn nên hai anh em cũng ân oán dữ lắm.

Hà Linh trong lần cuối thu hình cùng cố nghệ sĩ Anh Vũ

Trước khi đi Mỹ, hai anh em có thu hình ở HTV, gương mặt ảnh lúc đó thất thần lắm, hỏi thăm thì ảnh nói có rất nhiều chuyện nghề, chuyện nhà để lo quá nên tinh thần dễ... bấn loạn.
Qua Mỹ anh em rủ nhau tập ở nhà cậu Bảo Quốc. Lần đó, ảnh tập tuồng mà quên liên tục, quên đến nỗi tôi quạu luôn. Ai đời đã tập lần thứ năm rồi, vậy mà vừa tính ăn sáng là ảnh kêu vô tập tiếp. Lát sau, tôi vừa chợp mắt, ảnh tới năn nỉ tập nữa cho chắc ăn. Đã vậy, thời gian này Anh Vũ rất háu ăn, ăn liên tục. Đặc biệt cứ rảnh là ảnh tranh thủ nằm chợp mắt, cái lạ là vai diễn của ai ảnh cũng nhớ từng chút một, chỉ có phần thoại của ảnh là cứ quên đầu lộn đuôi. Riêng cái điện thoại mà suốt ngày cứ bảo là có ai giấu làm ơn trả cho Vũ dùm. Đi diễn về tới nhà cũng điện thoại: “Linh ơi, anh bỏ quên thùng trang điểm ở cánh gà, rồi đôi dép đạo cụ hồi nãy anh bỏ chổ bàn thờ tổ, em tìm và giữ giùm anh nhe!”…

Hà Linh và gia đình cậu, NSƯT Bảo Quốc ở Mỹ

Thật ra đây là như “tín hiệu” báo điềm xấu, nhưng mấy ai để ý, chỉ quen miệng chọc ghẹo ảnh thôi, đến khi tin ảnh mất ngày 1/4 ai cũng bảo là ngày nói dóc… Vậy mà khi báo đăng tin Anh Vũ mất, anh em nghệ sĩ gần như… xám hồn. Lúc đó tôi đang giữ bao đồ của ảnh, cả đêm không ngủ được, vì cứ sợ ảnh… về đòi lại là nguy. Tôi phải chờ đến ngày về Việt Nam tận tay đem đến chùa “trả lại” cho ảnh thì mới thấy nhẹ lòng.
Đau nhất là vừa rồi đám giỗ Anh Vũ, ngay mùa dịch Corona nên tôi cũng chỉ khấn ở nhà rồi tự nhớ về ảnh chứ không đến thắp cho anh được nén nhang nào. Càng nhớ tới Anh Vũ tôi càng thấy thương và chạnh lòng quá. 

Tag: