Duyên Dáng Việt Nam

Xóm 'Việt kiều' nghèo mùa Covid-19

Phạm Lữ • 23-04-2020 • Lượt xem: 2257
Xóm 'Việt kiều' nghèo mùa Covid-19

Trước đây tôi từng 2 lần đến Tà Dơ (Dầu Tiếng, Tây Ninh) để thăm bà con "Việt kiều" Campuchia, những con người có số phận lênh đênh, không giấy tờ, không tương lai. Có gia đình trải qua 4 thế hệ mà tương lai vẫn còn mù mịt. Một chiều cuối tháng 4, tôi lại có dịp ghé thăm "làng Việt kiều” ở Bình Chánh, chỉ cách trung tâm Sài Gòn chưa đầy 30 cây số.

Tin, bài liên quan:

Tìm... người nghèo trong tâm dịch Covid-19

Đạo diễn làm gì trong những ngày chống dịch?

Nghệ sĩ hài ‘méo mặt’ vì cúm Corona

Cô em dẫn đường sau gần 1 tiếng vòng vèo, đã đưa tôi đến khung cảnh mênh mông của vùng sông nước, dường như những gì "bê bết, mục nát" của những món đồ ve chai đều hiện ra trước mắt, tưởng như một gia tài “vĩ đại”, nhưng nhìn kỹ lại đó chỉ là một đống đổ nát, cho cũng không ai thèm lấy! 

Chiếc cầu gỗ tạm bợ dẫn vào "làng Việt kiều" biệt lập trên sông

Tài sản là những đống đồ ve chai cũ nát

Cô gái dẫn đường bảo: "Em đã đến đây một lần, "làng" này chỉ có 7 hộ sống trên bảy chiếc ghe, nghe đâu họ là dân làm ăn từ Campuchia về An Giang, sống với nghề buôn bán trái cây. Cuộc sống thương hồ trên chiếc ghe cứ rày đây mai đó, lên Sài Gòn đã gần 10 năm mà xem ra cuộc sống vẫn chưa thay đổi được nhiều.

Trước đây cũng có nhiều hộ lắm, nhưng cứ trôi dạt, đi xa riết rồi chỉ còn lại bảy chiếc ghe này cũng vốn là bà con dòng họ trải qua ba đời rồi, may mắn là chính quyền ở đây cũng thương tình, cho đăng ký tạm trú, nhưng chưa có được hộ khẩu đàng hoàng. Hiện giờ, phần đông sống bằng nghề... vớt ve chai.

Hổm rày bị dịch, đi làm không xong, giờ thêm 2 đứa nhỏ bệnh nặng quá mà chỉ biết khóc chứ hổng biết làm sao. Hôm trước có lên bệnh viện nhi Đồng 3, nhưng tất cả phải quy ra tiền, nên ba mẹ nó chỉ biết gửi cho bà nội nuôi giùm, rồi tự bươn chải kiếm sống tạm chờ ngày qua cơn dịch”.

Mà từ ngày có đại dịch Corona, bà con ở đây không còn đi làm tất bật như trước nữa, bởi các cửa hàng lớn không buôn bán gì, nên không còn ve chai mà lượm. Thôi thì, mỗi ngày chỉ chèo xuồng dạo quanh dòng sông này, đi vớt như có lệ, mỗi ký bán được 5 ngàn đồng, nếu cật lực lắm thì cũng chỉ được vài ba chục ngàn”, cô cho biết thêm.

Cụ bà 90 tuổi, người lớn tuổi nhất của 7 "căn hộ" nơi đây

Bà cụ đang ở ghe "hàng xóm”, nghe có khách đến cũng vội bước vào, bà chắp tay "xá" tôi một cái, như một cách chào lịch sự. Bà bảo: "Khổ lắm con ơi, giờ hình như ai làm ăn cũng khó, nên mình cũng khổ theo. Bà năm nay đã 90 tuổi rồi, bình thường cũng đi ra đi vào phụ giúp con cháu, nhưng hổm rày dịch đến thì chịu trận thôi. Hôm trước đang ngủ bị con chuột nó cắn một phát, tưởng cụt ngón tay rồi, nửa tháng ngồi chịu đau, chịu nhức, đâu có đi chích ngừa gì được, tiền bạc không có nên bà cứ cắn răng mà chịu, chắc vài bữa sẽ qua thôi!”.

Ngón tay bà cụ bị chuột cắn nhưng không có tiền để đi chích ngừa

Nói xong bà chỉ qua hai thằng bé, nhóc bị quai hàm sưng to tên là An Nhiên, được 10 tháng tuổi. Bác sĩ nói, đợi bé lớn một chút mới mổ được, vì sợ trong qúa trình gây mê, bé không tỉnh được là nguy hiểm lắm. Tiền thuốc của nhóc đến nay đã lên tới cả triệu đồng rồi mà xem ra không có hướng ổn thoả. “Có tháng phải chích một mũi thuốc cả triệu bạc, đau lòng gì đâu nhưng cũng phải ráng mà chịu, chứ không cái bướu nó to lên thì càng nguy hiểm”, bà nói thêm. 

Cậu bé (áo đỏ) vừa mổ cổ, có tháng phải tốn cả triệu đồng 1 mũi thuốc

Riêng cậu bé kế bên tên Quân, chưa biết nói chuyện, mới nhìn đã thấy 2 con mắt sưng phù, cái cổ thì vừa mới mổ xong, phải có máy hút đàm ra liên tục thì mới thở được. Giờ, cậu bé phải làm bạn với cái máy hút đàm, không thể xa rời được. Mỗi lần đau quá, cậu bé chỉ biết khóc thay cho thuốc giảm đau. “Ba mẹ nó cũng đi làm tùm lum, kiếm đồng nào "cứu đói" đồng đó, giờ đâu buôn bán được như ngày trước, cũng đâu có tiền bạc mà dám nghĩ đến chuyện đi chữa bệnh. Cứ ráng chờ, xem vài bữa hết dịch tình hình thế nào rồi tính tiếp”, bà buồn rầu.

Đang nói chuyện có một chị "Việt kiều" chèo xuống tới chào khách. Hỏi chị có cách nào chở tụi tôi đi một vòng thăm bà con không, chị lắc đầu cười nhẹ: "Xuồng yếu lắm, 2 người lên là nó chìm ngay, nguy hiểm lắm...".
Chị cho biết, ở căn kế bên, có bà chị hôm trước té cái rầm, sưng giò nằm cả tuần lễ nay, không biết có bong gân hay nứt xương gì không, vì chưa có điều kiện đi khám, giờ nghe có "khách quý" đến thăm, nhưng chị ấy không ngồi dậy nổi, nên cũng không biết làm sao. Cứ nằm mê man chờ qua ngày tháng, hổng dám nghĩ đến chuyện xa xôi.

Giữa thành phố Sài Gòn, thú thật tôi không dám nghĩ là vẫn còn những căn hộ tạm bợ thế này. Cứ nhìn dáng anh chồng khắc khổ, da đen sạm vì nắng gió, suốt buổi chỉ nhìn tôi với vẻ cam chịu. Hỏi chị kế bên mới biết: “Anh ấy mới bị tai biến, người yếu lắm, là lao động chính của gia đình đó, nhưng giờ vừa bị bệnh vừa bị nạn dịch như thế này, nên ảnh buồn lắm…”. Nhìn anh, nhìn cảnh vật tiêu điều bên dòng sông, tôi hiểu anh đang vất vả chống chọi với phần số khắc khổ của đời mình.

Niềm vui của bà cụ khi nhận lì  xì từ cá c mạnh thường quân

Tôi lì xì vội mỗi người một tờ 200 ngàn đồng, riêng 2 đứa nhỏ mỗi đứa được tặng thêm một tờ gọi là mua thuốc giảm đau. Tôi nói rõ đây là tiền của những mạnh thường quân giấu tên, muốn gửi đến bà con chút ít gọi là chia sẻ khó khăn. Chỉ vậy thôi, mà bà cụ cứ cám ơn rối rít, cả "căn hộ" cứ bập bềnh trên sông như lắc theo từng nhịp sóng, ai cũng tươi cười rộn rã như ngày hội.

Những thành phẩm sau nhiều ngày đi nhặt trên sông

Những mảnh ván vụn được lắp ghép tạm bợ thành nơi tá túc "lý tưởng"

Tôi và cô em dẫn đường ra về, đi trên những tấm ván "cầu tre lắt lẻo" cứ thấp thỏm lo âu. Bởi ngay cả những bước chân còn không chắc nhịp, thì cuộc sống hằng ngày của những “căn hộ” này làm sao được ấm no? Suy nghĩ này khiến tôi thức cả đêm dài vì cứ trằn trọc suy tư, đời sao mà khổ thế!