Duyên Dáng Việt Nam

Hà Nội, TP.HCM nới lỏng hoạt động kinh tế từ 0 giờ ngày 23.4

Theo Một Thế Giới • 23-04-2020 • Lượt xem: 525
Hà Nội, TP.HCM nới lỏng hoạt động kinh tế từ 0 giờ ngày 23.4

Chiều 22.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ đánh giá lại kết quả triển khai Kết luận của Thủ tướng về các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương theo 3 nhóm nguy cơ từ sau ngày 15.4 đến nay.

Thủ tướng cơ bản đồng ý với các biện pháp nới lỏng thận trọng mà Ban Chỉ đạo đề xuất. Theo đó, phân 3 nhóm nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp. Trong đó, Hà Nội là địa phương có nguy cơ, nhưng một số địa bàn của Hà Nội là có nguy cơ cao như Thường Tín, Mê Linh và một số nơi có nhiều ca nhiễm, thì vẫn áp dụng nghiêm chỉnh Chỉ thị 16. Với Hà Giang, thị trấn Đồng Văn là địa bàn nguy cơ cao, các địa bàn khác của Hà Giang là có nguy cơ.

Hà Nội sẽ dỡ bỏ 30 chốt cách ly

Ngay sau kết luận tại cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, UBND thành phố Hà Nội đã họp và đưa ra các biện pháp triển khai nới lỏng hoạt động kinh tế từ 0 giờ ngày 23.4, nhưng vẫn cấm một số dịch vụ như quán bar, karaoke, massage, trò chơi điện tử, tập trung đông người...

Chiều 22.4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, riêng 2 ổ dịch của huyện Mê Linh và Thường Tín là địa phương có nguy cơ cao, những địa phương khác của Hà Nội cũng có nguy cơ, vì thế Hà Nội sẽ nới lỏng các hoạt động kinh tế, sản xuất đối với các địa phương này và thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Riêng 2 huyện có nguy cơ cao thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài 2 huyện Mê Linh và Thường Tín, Chủ tịch UBND TP Hà Nội quyết định, kể từ 0 giờ ngày 23.4 sẽ nới dần các hoạt động kinh tế, nhưng cấm một số dịch vụ như quán bar, karaoke, massage, trò chơi điện tử, tập trung đông người; tất cả các lễ hội, hoạt động thể thao, sinh hoạt tôn giáo vẫn chưa được hoạt động... Vẫn phải xử phạt những người không đeo khẩu trang, tập trung đông người. Khi tham gia giao thông, những người đi xe máy phải giữ khoảng cách an toàn.

Về lĩnh vực y tế, bệnh viện được nhận bệnh nhân để điều trị và phải thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Các trường hợp những bệnh nhân nặng chỉ cho phép một người nhà vào chăm sóc.

Các chủ cửa hàng ăn uống phải sắp xếp các bàn ăn đảm bảo khoảng cách an toàn, có tấm chắn bằng nhựa hoặc giấy bóng để tránh lây nhiễm. Các trung tâm thương mại, siêu thị cũng thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách, đo thân nhiệt, có nước sát khuẩn. Ở các bếp ăn cơ quan phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chủ xí nghiệp, chủ công trình xây dựng phải chịu trách nhiệm về công tác phòng chống dịch, khuyến khích công nhân ghi nhật ký lịch trình để truy xuất nhanh lịch trình trong trường hợp cần thiết.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nghiêm cấm hoạt động quán nước chè và quán bán trà chanh vỉa hè, bởi những quán nước này có ghế ngồi thấp, nguy cơ lây nhiễm cao. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Chủ tịch UBND các phường, xã phải làm nghiêm trật tự đô thị, xử phạt các cơ sở lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Tại cuộc họp, theo đề xuất của Công an TP Hà Nội, từ 0 giờ ngày 23.4, Hà Nội sẽ dỡ bỏ 30 chốt cách ly. Hiện Hà Nội vẫn duy trì 30 chốt kiểm dịch ra vào thành phố, 25 chốt ở các đường nhánh. Riêng trong tuần qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra, rà soát 265.000 người ra vào thành phố. Qua đây cho thấy, lượng người ra vào thành phố đã tăng lên đáng kể mặc dù Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng vẫn có hiệu lực.

 

TP.HCM nới lỏng trong thận trọng

Trong cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của TP.HCM chiều 22.4, Phó chủ tịch thường trực Lê Thanh Liêm cho biết, Thủ tướng cho phép thành phố và một số địa phương thực hiện các nội dung như Chỉ thị 15. Thành phố được quyết định mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, kinh doanh đường phố, dịch vụ không thiết yếu... nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Theo ông Liêm, dù kết thúc giai đoạn cách ly xã hội nghiêm theo Chỉ thị 16, song tất cả người dân TP.HCM khi ra đường vẫn phải đeo khẩu trang để bảo đảm an toàn phòng dịch.

"Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch, chúng ta tiếp tục thực hiện Chỉ thị 15, nhưng thành phố sẽ nới lỏng một số điểm. Cụ thể thế nào thành phố sẽ sớm có hướng dẫn", ông Liêm nói.

Tối 22.4, Sở GTVT TP.HCM cho biết tiếp tục tạm ngưng vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng (bao gồm xe hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng công nghệ), xe du lịch hoạt động trên địa bàn TP.HCM kể từ 0 giờ ngày 23.4.2020 đến khi có thông báo mới. Thông báo này thay cho thông báo mà Sở GTVT TP.HCM ban hành trước đó vào chiều cùng ngày về việc cho taxi, Grab hoạt động trở lại.

Các chuyến xe thuộc đối tượng được phép hoạt động này phải đáp ứng các yêu cầu: khử trùng xe trước và sau khi đón khách; không vận chuyển quá 50% số ghế trên xe và không quá 20 người trên 1 chuyến xe; lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, hành khách phải đeo khẩu trang, được kiểm tra y tế trước khi lên xe và khai báo y tế theo quy định.