Khám phá

Hàng xóm ơi, cho tôi xin lỗi!

Lê Châu Anh • 16-01-2018 • Lượt xem: 3351
Hàng xóm ơi, cho tôi xin lỗi!

Con người hơn nhau đâu phải ở tiền tài, địa vị, nhan sắc, mà là ở cách sống!

Nhà tôi ở sát bên sân bay quân sự. Dân cư đa phần là cán bộ, bộ đội, công an hoặc dân văn phòng những lĩnh vực khác. Nhà nào cũng xây trên những lô đất được cắt sẵn vuông vức và diện tích đều nhau. Điều đặc biệt là, tất cả các nhà đều kín cổng cao tường. Họ đi làm hay ở nhà, hầu như cửa lúc nào cũng đóng im ỉm.

Hàng xóm kế bên nhà tôi cũng thế. Hai nhà chúng tôi sát nhau nhưng không bao giờ nói chuyện. Chỉ nghe chồng tôi kể lại, cô vợ là y sĩ, chồng là sỹ quan. Anh ấy đóng quân xa nhà, mỗi tuần về một lần. Cô vợ không bao giờ nói chuyện với chúng tôi, dù có giáp mặt. Chồng tôi đặc biệt không có cảm tình với cô ấy. Nếu có chuyện gì nói tới cô này, chồng tôi gạt phắt đi ngay.

Tôi không biết tên cô ấy, cũng không biết tuổi cô ấy. Chúng tôi chạm mặt nhau mỗi ngày và chẳng bao giờ nói chuyện. Có một lần cô ấy ném rác qua cửa nhà tôi. Chồng tôi im lặng không nói và quyết tâm không giao lưu với hàng xóm. Nhưng tôi vẫn biết, mỗi ngày cô ấy thường dậy sớm, 5 giờ sáng đã dậy và gọi hai đứa bé gái dậy để chuẩn bị ăn uống, vệ sinh rồi đi học. Còn cô ấy thì đi làm.

Chồng tôi nói, cuộc sống thành phố phức tạp lắm. Mới mấy hôm trước, nhà gần khu phố tôi sống, trộm đánh cả xe tải ngay trước cửa, bẻ khóa, vô nhà, cùng đồng bọn thản nhiên khuân sạch đồ nhà người ta cho lên xe. Hàng xóm nhìn thấy, chẳng ai nghi ngờ gì, tưởng chủ nhà chuyển đi nơi khác. Tối chủ nhà về, thấy nhà toang hoác, mới biết trộm đã tha đi bằng hết tài sản.

Chuyện này càng khiến chồng tôi không tin ai, càng cảnh giác với tất cả, kể cả hàng xóm.

Lâu dần, nhiễm thói cảnh giác thái quá của chồng, tôi cũng đâm ra e dè với xóm giềng. Tôi chỉ biết mặt họ, chẳng biết tên, chẳng mấy khi nói chuyện. Họ cũng chẳng biết tôi là ai. Câu hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau trở thành xa lạ với khu phố này rồi.

Cho tới một hôm, lúc tôi ở nhà trông con, chồng đi làm ca đêm không về. Chiều đó, nhập nhoạng, lúc tôi mở cửa đi đổ rác, thì một ông chừng bảy mươi đứng ngay cửa nhà, chào tôi. Ông ấy cười rất tươi:

- Chào cô. 

Tôi "dạ" vừa đủ nghe. Ông ấy vẫn vui vẻ:

- Bao ngày họ lấy rác một lần thế ạ?

- Hai ngày chú!

Tôi đóng vội cửa. Người lạ hoắc, tự nhiên làm quen, có động cơ gì đây. Tôi vào nhà, đóng kín các cửa và hình dung ra nhiều tình huống không may.

Tới sáng hôm sau, trong lúc tôi đi chợ, vừa vào nhà, đã thấy người đàn ông hôm qua. Ông đang vui vẻ uống trà với chồng tôi. Tôi còn chưa kịp chào, ông đã nói:

- Chào cô, cô đi chợ về!

Chồng tôi nhanh nhảu lắm:

- Đây là chú Hùng, bố của nhà anh Liên sát bên nhà mình. Chú ở Hà Tĩnh vào thăm anh chị ấy, lần nào vào cũng qua nhà mình chơi đấy, em mới về nên không biết.

Nghĩ lại thái độ cảnh giác của tôi hôm qua với chú ấy, tôi hơi ngượng. Hàng xóm mà tôi chẳng biết họ là ai, họ chào tôi cũng lảng đi, nghĩ đó là kẻ trộm. Lỗi tại tôi, hay tại cuộc sống phố thị đã khiến chúng ta luôn sống trong hoài nghi?