Duyên Dáng Việt Nam

Hạnh phúc là thứ di truyền qua thế hệ

Cẩm Tú • 13-04-2020 • Lượt xem: 1214
Hạnh phúc là thứ di truyền qua thế hệ

Không phải vàng bạc châu báu, đất đai hay nhà cửa, hạnh phúc chính là thứ gia bảo vô giá được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Hạnh phúc của con bắt đầu từ hạnh phúc của cha mẹ

Nhà văn Mỹ Helen Keller viết: “Không ai có quyền hưởng thụ hạnh phúc mà không tạo ra nó”. Cha mẹ muốn con hạnh phúc phải tự tạo ra hạnh phúc cho chính mình.

Có một sự thật là hạnh phúc của những đứa trẻ bắt nguồn từ việc cha mẹ chúng có một mối quan hệ tốt đẹp. Mặc dù trẻ em thường sinh ra với một tiềm năng bẩm sinh, nhưng nó chỉ có thể phát triển tốt khi có sự kích thích đúng mực. Khi còn nhỏ, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích sự phát triển toàn diện của con.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra được mối quan hệ giữa một cặp vợ chồng có tốt đẹp hay không, chỉ qua xét nghiệm nước tiểu của con cái họ? Và sức khỏe tinh thần 25 năm sau của một đứa trẻ cũng có thể được dự đoán, dựa trên cách cha mẹ ứng xử với trẻ trong những năm đầu đời.

 

Những bậc cha mẹ thực sự cần có trách nhiệm với hạnh phúc của con cái. Mặc dù không thể kiểm soát phần còn lại của môi trường xung quanh trẻ, nhưng có một thứ cha mẹ có thể quyết định, đó là hạnh phúc cá nhân của mình.

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao trong trường hợp xảy ra sự cố trên máy bay, trước tiên phải tự đeo mặt nạ oxy trước khi giúp đỡ người khác? Bởi vì nếu chúng ta không thực sự vững vàng, chúng ta không thể giúp đỡ bất kỳ ai, kể cả là đứa trẻ chúng ta yêu thương.

Tương tự như vậy, mỗi bậc cha mẹ cần dừng lại và nhận ra rằng, trước khi giúp đỡ ai khác, họ cần giúp đỡ chính mình. Đây không phải là ích kỷ, mà chính là một nhận thức từ thực tiễn.

Đứa trẻ hạnh phúc được nuôi dưỡng bởi một người mẹ hạnh phúc

Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, con đã cảm nhận được cảm xúc của mẹ. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Khoa học Tâm lý Hoa Kỳ, cảm xúc của người mẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi. Khi tâm trạng của người mẹ vui vẻ, thoải mái thì thai nhi cũng có cảm xúc như vậy và ngược lại.

Mối liên hệ này càng rõ ràng và chặt chẽ hơn theo thời gian. Người mẹ vui vẻ, hòa nhã, tích cực sẽ nuôi dạy đứa con vui vẻ, thân thiện, lạc quan; người mẹ ích kỷ, cay nghiệt sẽ nuôi dạy những đứa trẻ ích kỷ, cô độc. “Không ai thương con bằng mẹ, không ai yêu bằng con”.  Mẹ là bến đỗ bình yên nhất của con.

Alfred Adlercha, cha đẻ của trường phái tâm lý học cá nhân từng nói: “Người phụ nữ cống hiến cho cuộc sống của nhân loại bằng cách thực hiện trách nhiệm của người mẹ cũng quan trọng trong sự phân công lao động của nhân loại như bất cứ ai khác. Nếu người mẹ quan tâm tới cuộc đời của con cái mình, và trải đường cho chúng trở thành người tốt, nếu người mẹ mở rộng những mối quan tâm của con cái và rèn luyện cho chúng biết hợp tác, công việc của người mẹ đáng giá tới mức không sự tưởng thưởng nào là đủ”.

Cha càng dành nhiều thời gian cho con, con càng hạnh phúc

Cựu tổng thống Barack Obama từng nói: “ Làm cha chúng ta cần tham gia vào cuộc sống của con cái, không chỉ khi cuộc sống đó dễ dàng, thuận lợi hay khi bọn trẻ làm tốt, làm hay mà ngay cả khi cuộc sống đó trở nên khó khăn và bạc bẽo, khi con cái chúng ta phải vật lộn, đấu tranh. Đó chính là lúc con cần chúng ta nhất”.

Trong cuốn sách “Bàn tay của bố” (tác giả Hoài Anh, Đốm Đốm) có chia sẻ, nhà tâm lí học và phân tâm học nổi tiếng người Áo, Sigmund Schlomo Freud, có một câu nói rất hay rằng: “Nhu cầu mạnh mẽ nhất của mọi đứa trẻ trong suốt thời kì thơ ấu của chúng là được che chở và bảo vệ bởi người cha.” 

Người cha có ảnh hưởng mạnh mẽ đến trí thông minh và sự phát triển toàn diện của trẻ. Sự sát cánh của cha là sự đảm bảo hạnh phúc trọn vẹn trong suốt cuộc đời của trẻ. Chỉ cần cha đứng đó, cả đời này con luôn cảm thấy yên tâm.

Làm sao để biết cha mẹ đang hạnh phúc

Để đánh giá mức độ hạnh phúc của một người, Vasco Gaspar - nhà huấn luyện phát triển bản thân người Bồ Đào Nha, tác giả cuốn “Aqui e Agora: mindfulness” (ở đây và bây giờ: Chánh niệm) đã xây dựng bảng câu hỏi để chấm điểm bản thân dựa vào các yếu tố: Cơ thể; Tinh thần; Xúc cảm xã hội và Tâm hồn.

Đối với cơ thể: Chế độ ăn uống của bạn có cân bằng và lành mạnh không? Cuộc sống của bạn có năng động không? Bạn có những giấc ngủ ngon không? Bạn có dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để thư giãn?

Đối với tinh thần: Bạn có thường xuyên suy nghĩ tiêu cực không? Liệu bạn có đang dành hầu hết quỹ thời gian “hiện tại” để lo lắng về những thứ ở “tương lai” và/ hoặc quay lại trăn trở về những điều đã xảy ra ở “quá khứ”? Bạn có đặt mục tiêu cho những gì bạn muốn đạt được? Bạn có học được điều gì mới mẻ không?

Đối với xúc cảm xã hội: Mối quan hệ của bạn với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp như thế nào? Bạn có đang làm những thứ khiến bạn vui vẻ? Bạn có đang tận hưởng cuộc sống không? Lần cuối bạn cười thật to là khi nào?

Đối với tâm hồn: Bạn có kiên định với hệ giá trị tư tưởng của mình? Bạn đã mang đến cho cuộc đời những gì?  Bạn có dành thời gian để chìm đắm trong thiên nhiên?

Đối chiếu với bảng câu hỏi, bạn sẽ nhận ra mình cần chú ý hơn đến khía cạnh nào của cuộc sống? Nếu được thực hiện ngay một khía cạnh chưa làm tốt thì bạn sẽ làm gì? Bắt đầu với yếu tố đó ngay lúc này thì sao? Nếu câu trả lời là bạn không có thời gian, hãy nhớ rằng thời gian cũng không hề đợi bạn.

Những quyết định này không chỉ ảnh hưởng chính bạn, mà còn tác động tới tất cả những người xung quanh, bao gồm cả con cái của bạn. Khi nhận thức rõ ràng rằng hạnh phúc là thứ di truyền qua thế hệ, bạn sẽ chọn điều gì? Chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của chính mình (và cả những đứa trẻ của bạn). Hay cố nhìn nhận sang một hướng khác, rằng hạnh phúc con cái không phải là thứ thuộc về trách nhiệm của mình?