Duyên Dáng Việt Nam

Hành trình nỗ lực của bà mẹ giúp con trai tự kỷ vào đại học

Ngân Hà • 07-08-2018 • Lượt xem: 869
Hành trình nỗ lực của bà mẹ giúp con trai tự kỷ vào đại học

Bao Han là trường hợp tự kỷ đầu tiên của tỉnh Tứ Xuyên trở thành sinh viên. Chàng trai trẻ sẽ bước vào một hành trình mới vào tháng 9 tới tại Đại học Sư phạm đặc biệt Nam Kinh, chuyên ngành công nghệ thông tin. 

Hơn 10 năm qua, mẹ của Bao Han, chị Pang Zhihua, luôn cùng con đến lớp, ngồi cạnh con trong suốt các tiết học. Chị đã từ bỏ công việc giáo viên vật lý nhiều đam mê để dành toàn bộ thời gian bên con.

Chị Pang chia sẻ cậu con trai duy nhất bị chẩn đoán tự kỷ khi mới 3 tuổi. Bé lúc nào cũng lủi thủi, không chơi với bất cứ ai và không thể hòa nhập ở mẫu giáo. "Những đứa trẻ khác thích chạy nhảy, đùa vui với nhau, nhưng con trai tôi luôn luôn một mình gần bức tường. Một số em bé trêu chọc, đuổi con và gọi con là đồ ngốc", chị Pang nhớ lại.

Thời điểm đó, chị quyết định bỏ việc ở trường cấp hai, nộp đơn xin vào làm ở trường mẫu giáo của con. Vì không còn vị trí nào trống, chị đành nhận chân quét dọn để có thể chơi với con và các bạn của cậu bé vào giờ ra chơi. "Khoảnh khắc nhìn thấy con chơi cùng với bạn bè, tất cả đều cười rạng rỡ, tôi cảm thấy những nỗ lực của mình đã được đền đáp xứng đáng", chị Pang nói.

Bao Han bên bố mẹ

Khi Bao Han bước vào tiểu học, mọi thứ càng trở nên khó khăn, tưởng như không thể vượt qua. Thế nhưng chị Pang không bỏ rơi con. Chị ngỏ lời với giáo viên chủ nhiệm, xin được đến lớp ngồi cạnh con để ghi chép lại, cùng con học. Chị cũng giúp con kết nối với bạn bè, để con dần dần hòa nhập. Và rồi từ đó, hai mẹ con trở thành đôi bạn cùng tiến.

Chị Pang chỉ ước muốn con biết đọc, biết viết, hòa nhập với cộng đồng, chứ không dám mơ tới việc con vào đại học. Nhưng Bao Han đã biến điều đó thành sự thật. "Con trai tôi học hành rất chăm chỉ. Nó thức dậy lúc 6h30 sáng mỗi ngày. Thằng bé dành phần lớn thời gian để học từ vựng tiếng Anh, làm thử các bài kiểm tra", chị Pang tự hào nói về con mình.

Nỗ lực của Bao Han cuối cùng cũng thành công khi cậu vượt qua bài kiểm tra viết và phỏng vấn nghiêm ngặt của trường đại học. Cậu phải bắt cặp với một sinh viên năm nhất ở trường khoảng 2 tuần để xem có thích nghi được hay không. Rất may là sau quá trình thử thách, các giáo viên đều nhận xét tích cực về cậu.