Duyên Dáng Việt Nam

Hãy nghe con nói

Minh Nguyệt • 31-01-2018 • Lượt xem: 1223
Hãy nghe con nói

Khi trẻ muốn thu mình, ít giao tiếp là có những dấu hiệu và biểu hiện của sự trầm cảm. Hãy để ý kỹ con của bạn và thay đổi cách dạy con ngay lập tức.

Con tôi năm nay 12 tuổi. Từ lớp 2, con đã không có bạn. Lên cấp 2, tình hình cũng không khác gì.

"Vì thế, con bắt đầu ít giao tiếp, kể cả với người thân trong nhà, chỉ chào một tiếng rồi rời đi. Ở trường, giờ ra chơi, con chỉ cặm cụi viết truyện. Khi cô yêu cầu làm việc theo nhóm thì con về nhà tự làm, tự nộp cho cô mà không cần thảo luận với bạn. Ở nhà, con dành ra một tiếng lên mạng viết lách, hay quan tâm tới mấy tin tự tử, giết người trên truyền thông. Con cũng hay vẽ, làm những việc tỉ mẩn một mình chứ không đi chơi với bạn. Tôi từng đánh, chửi con vì ít giao tiếp nhưng con chỉ khóc chút rồi thôi.

Con ngủ không ngon, hay mất ngủ, ăn thì luôn để thừa. Có lần cho con đi chơi, con ngồi trên xe đọc sách chứ không nói với ai nửa lời nên tôi đã đốt truyện đi, thì con lại tự ý để dành tiền rồi lại mua quyển mới. Tôi cũng từng phải vứt bìa bọc vở của con đi vì hình thù vớ vẩn. Con còn tự ý đặt mua hàng ở bên Trung Quốc. Con cũng thường bị mắng vì làm việc nhà không sạch, không chú trọng học hành, không nói chuyện, bị so sánh con với anh. 

Con ít khi biểu lộ cảm xúc ra ngoài, trừ thỉnh thoảng khóc. Con thường muốn được ở một mình mà không có bất kỳ tiếng ồn nào. Thỉnh thoảng, con bị bạn bè trong lớp bắt nạt, tôi cũng chả quan tâm nhiều lắm, vì đó chỉ là mấy việc lặt vặt như lấy đồ hay bị cào...

Làm sao để con nói chuyện và chủ động đi chơi nhiều hơn?"

Đây là trích dẫn lá thư đầy lo lắng của một người mẹ có con gái 12 tuổi, được đăng tải trên báo vnexpress.

12 tuổi, tuổi mà bất kể bé gái hay bé trai nào cũng cần có bạn, nhưng cũng cần có khoảng riêng tư. Tuổi của việc bắt đầu dậy thì với những xúc cảm tâm lí, sinh lý thay đổi từng ngày. Kiểm soát được con mình, lắng nghe và hiểu được con là điều mà người mẹ nào cũng mong muốn và đó là một tâm trạng thật sự rất hồi hộp.

Bạn có biết, cuộc sống sẽ bất hạnh thế nào khi chính chúng ta không có lấy một vài người bạn để tâm tình?

Đừng để đứa trẻ đang lớn của bạn chỉ  thu mình trong cái vỏ ốc tâm tư của nó. Nghĩ một mình, làm một mình và đôi khi là học một mình. Nó sẽ biến thành chiếc bóng, lủi thủi và cảm thấy cô đơn. Mà cô đơn với trầm cảm thường hay song hành với nhau.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cha mẹ quá nghiêm khắc với con, cực đoan thái quá và chỉ biết chiếm quyền người lớn để áp đặt các bé, sẽ gây cho bé sự thương tổn âm thầm về tâm lý, không có cơ hội thanh minh. Suốt ngày trẻ chỉ nghe thấy mệnh lệnh từ cha mẹ, dần dà con sẽ trở nên lầm lỳ và ít nói hẳn, không còn hứng thú với việc sẻ chia tâm tư cùng cha mẹ nữa. Hãy vui vẻ và biết lắng nghe, chỉ cách ấy mới không đẩy con bạn vào ngõ cụt.

Khi trẻ muốn thu mình, ít giao tiếp là có những dấu hiệu và biểu hiện của sự trầm cảm. Hãy để ý kỹ con của bạn và thay đổi cách dạy con ngay lập tức. Đã là cha mẹ, hãy biết lắng nghe và sẵn sàng có liệu pháp kịp thời khi đứa trẻ 12 tuổi của mình đang muốn nổi loạn thì mọi ước mơ, cá tính tuổi thơ ấy đã bị sự vô tình hay cố ý dập tắt.