ĐỜI SỐNG

Hãy ngừng đánh bắt cá vẹt nếu muốn bảo tồn hệ sinh thái biển

Đan Tâm • 12-09-2020 • Lượt xem: 3358
Hãy ngừng đánh bắt cá vẹt nếu muốn bảo tồn hệ sinh thái biển

Hệ sinh thái biển đang được nhắc đến trong bài chính là các rạn san hô. Chúng là hệ sinh thái vô cùng phức tạp, nhưng may mắn là việc bảo tồn thì lại khá đơn giản. Chỉ cần không đánh bắt cá nhanh hơn tốc độ chúng sinh sản, không làm hư hại san hô hoặc gây ô nhiễm nước, giảm CO2 trong khí quyển và bảo vệ các khu bảo tồn biển là đã thành công giữ rạn san hô phát triển bình thường.

Tin, bài liên quan:

Bãi biển - Nơi khắc ghi những giá trị văn hóa

5 phong cách sống đang trở thành trào lưu thế giới

 

Tất nhiên, nói thì dễ hơn làm và đó cũng không phải trọng tâm trong bài viết này. Điều đáng chú ý là một phân tích toàn diện trong toàn vùng Caribe cho thấy điều đầu tiên chúng ta có thể làm để đảm bảo sự tồn tại của các rạn san hô là bảo vệ cá vẹt.

Cá vẹt là loài động vật ăn cỏ có màu sắc sặc sỡ và đặc biệt rất phàm ăn. Chúng dành tới 90% thời gian trong ngày để ăn tảo trong các rạn san hô bằng hàm răng sắc nhọn, giống như mỏ chim vẹt của chúng. Và kì thú là chất thải của chúng lại là… cát, lên đến hơn 90 kg cát mỗi năm.

Một con cá vẹt trong lưới rê trên một rạn san hô đã tàn, bị tảo ”xâm chiếm”. (Ảnh: Ayana)

Tuy nhiên, cá vẹt đã bị đánh bắt quá mức và các rạn san hô ở Caribe gặp tình trạng “nước nở hoa” – tảo sinh sản với số lượng quá lớn khiến môi trường nước ô nhiễm trong thập kỷ qua, dẫn đến khung cảnh biển xấu đi và tệ hơn là một hệ sinh thái kém năng suất - gần như không có khả năng phục hồi.

Mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu của IUCN vừa công bố một báo cáo của 90 chuyên gia trong cuộc phân tích một lượng lớn dữ liệu - 35.000 cuộc khảo sát được thực hiện tại 90 địa điểm trên vùng Caribe kể từ năm 1970 – bao gồm nhiều điều chưa từng được phân tích và công bố trước đây. Bản báo cáo có thể được tóm lọc lại ở các điểm sau:

1. San hô Caribe đã suy giảm hơn 50% kể từ những năm 1970.

2. Hầu hết các rạn san hô ở Caribe đã bị tảo “thống trị” từ giữa những năm 1990. Sự chuyển dịch từ san hô sang tảo bắt đầu bởi hai nguyên nhân đáng buồn là việc chết hàng loạt của nhím biển (một loài động vật ăn cỏ chủ chốt khác của đại dương) và việc đánh bắt quá mức cá vẹt.

3. Các rạn san hô ở Caribe khỏe mạnh nhất là những rạn vẫn có quần thể cá vẹt khỏe mạnh, chẳng hạn như Bermuda và Bonaire – những vùng biển đã hạn chế hoặc cấm các hoạt động đánh bắt gây hại cho cá vẹt, chẳng hạn như đắt cá bằng bẫy và giáo.

4. Đánh bắt quá mức là yếu tố chính ảnh hưởng đến sức khỏe của san hô Caribe hiện tại, không phải do biến đổi khí hậu hay ô nhiễm.

Tất cả những điều này nghe có vẻ vô vọng, nhưng các “kịch bản” tồi tệ mà con người sợ hãi khó có thể xảy ra nếu thực hiện nghiêm chỉnh việc bảo vệ cá vẹt và nhím biển! Hành động này có thể giúp khôi phục các rạn san hô và không giống như giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, việc này có thể được thực hiện tại địa phương mà không đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu. Tảo cản trở rất nhiều đến sự phát triển của san hô, vì vậy, hãy đảm bảo có nhiều loài động vật ăn cỏ sinh trưởng ở các rạn san hô.

Một mẻ cá bị đánh bắt bằng hình thức dùng giáo ở Curaçao, chủ yếu là cá vẹt. (Ảnh: Ayana)

Đồng thời, báo cáo cũng khuyến nghị rằng:

1. Bảo vệ cá vẹt tối đa trong khả năng qua các luật và quy định về thủy sản.

2. Giám sát và thực thi những luật và quy định đó một cách chặt chẽ, đồng thời làm việc với cộng đồng địa phương để giảm thiểu tác động đến những ngư dân sống bằng nghề đánh bắt cá.

3. Đưa cá vẹt vào danh mục loài được bảo vệ đặc biệt theo nghị định SPAW.

4. Giáo dục về tầm quan trọng và lợi ích của các biện pháp này cho cộng đồng và các bên liên quan.

Những người đánh cá lớn tuổi ở Barbudan cũng chia sẻ những nỗi lo và nghi ngại của họ trước tình trạng đánh bắt quá mức cá vẹt:

• Larkin Webber: “Tôi lo lắng về việc đánh bắt cá vẹt vì chúng có khả năng làm sạch rạn san hô. Hiện tại, việc đánh bắt cá vẹt là một vấn đề cần sự quan tâm và chung tay hành động của mọi người. Cá vẹt cần được bảo vệ”.

• Josiah Deazle: “Cá vẹt là loài cá tôi thích ăn vì răng tôi đã quá yếu để nhai các thức ăn cứng và dai. Nhưng việc đánh bắt cá vẹt nên bị cấm. Đánh bắt chúng quá nhiều và các rạn san hô sẽ chết dần”.

Tóm lại, đánh bắt quá mức cá vẹt là nguyên nhân khiến các rạn san hô ở Caribe chết chứ không phải do biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc quản lý tại địa phương đối với việc đánh bắt và bảo vệ cá vẹt có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc cứu giúp các rạn san hô khỏi cái chết cận kề. Báo cáo toàn diện này cũng đề nghị thêm việc cấm đánh bắt cá vẹt hoàn toàn, hoặc ít nhất là hạn chế việc sử dụng bẫy cá, giáo và lưới rê như một số địa phương đã thực hiện.

Các rạn san hô ở Caribe tạo ra hơn 3 tỷ USD Mỹ hàng năm từ du lịch và thủy sản. Tuy nhiên, đây không phải là một vấn đề môi trường cần đến những giải pháp tiêu tốn hàng triệu USD. Đây là vấn đề mỗi chúng ta có thể tự giải quyết, vì lợi ích to lớn của hệ sinh thái và nền kinh tế. Đây cũng là hy vọng rằng 2020 tiếp tục là một năm hành động mạnh mẽ để bảo tồn đại dương, không chỉ để thiết lập các khu bảo tồn biển mà còn để cứu cá vẹt cũng như các rạn san hô ở Caribê.

Cá vẹt hoàng hậu ăn tảo ở một rạn san hô tương đối khỏe mạnh. Cái miệng giống cái mỏ vẹt của chúng rất thích hợp cho việc này. (Ảnh: Stanley Bysshe)