ĐỜI SỐNG

Hãy tin con của bạn

Thu Ngân • 13-05-2022 • Lượt xem: 762
Hãy tin con của bạn

Sau một năm học online, cô con gái của chị H được đến trường nhập học để vào học năm thứ 2 đại học. Và sợ con lạ nước lạ cái ở thủ đô, chị H tạm gác công việc vài ngày để đưa con đi.

Tin, bài liên quan:

Khủng hoảng tuổi dậy thì: Ba mẹ cần làm gì để giúp con vượt qua?

Cha mẹ có đang yêu thương con đúng cách?

Cùng với việc phải đến tận nơi xem chổ ăn học của con, chị H dặn con rất nhiều thứ như chăm chỉ học hành, ăn uống đầy đủ… Chị H không phải là phụ huynh hiếm hoi khi có hành động như vậy.

Với nhiều người, dù con đã quá 18 tuổi nhưng họ vẫn không thoát khỏi sự lo lắng cho con cái nên suốt ngày họ sống trong hồi hộp.

Vì thế, mới đây, khi một MV ca nhạc của một ca sĩ trẻ mới phát hành chưa quá 24h nhưng đã làm nhiều phụ huynh lên tiếng “phản đối” vì nội dung của MV ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý các bạn trẻ. Một cách nhanh chóng, MV này cũng bị cơ quan chức năng yêu cầu gỡ bỏ khỏi nền tảng chia sẻ youtube như một cách làm cho môi trường internet bớt tiêu cực hơn. Hành động này của cơ quan khiến cho nhiều bậc phụ huynh đồng tình và có không ít bậc cha mẹ thở phào nhẹ nhõm.

Sinh con và dạy dỗ con cái thành người tốt, người có ích, có lối sống tích cực là mong muốn của tất cả ai đã và sẽ làm cha, làm mẹ nhưng ở một khía cạnh nào đó đã có nhiều người đã bao bọc con cái đến tận răng, không cho con làm gì cả khiến đứa trẻ lớn lên trong một không gian “phòng kín” miễn nhiễm với mọi thứ. Thực ra, việc này chẳng có gì sai cả vì ở xã hội Á Đông như Việt Nam thì đó là điều quá bình thường.

Nhưng con của chúng ta là những đứa trẻ sinh ra bình thường, có trí tuệ, vậy tại sao các bậc phụ huynh không tạo điều kiện để con trẻ được phát triển bình thường. Nhớ là lúc còn trẻ, chúng ta học trường làng, vẫn có thể phát triển nhân cách và kiến thức bình thường. Do đó, tạo sao không để con cái chúng ta được trưởng thành nhờ những bài học “thất bại”?

Dạo gần đây, một người bạn của người viết bài thường xuyên cập nhật những hình ảnh anh ấy cùng vợ và hai con đang có những chuyện du lịch cuối tuần bằng việc đi hiking ở Tà Năng - Phan Dũng, cùng con đi bộ khám phá ở vườn quốc gia. Theo chia sẻ của anh S, việc đưa con đi “phượt” trong rừng là để đám nhỏ bước đầu làm quen với việc trải nghiệm một môn thể thao lành mạnh.

Ngoài ra, anh S cũng hy vọng hai con của mình cảm thấy lợi ích của việc vận động, và nếu con thấy thích, đam mê thì anh S có thêm những người bạn đồng hành trong những chuyến đi bộ xuyên rừng vào cuối tuần, qua đó, giúp các thành viên tống khứ sức ì, bớt đi năng lượng tiêu cực….

Dĩ nhiên, là một người cha, anh S cũng có những tính toán và chuẩn bị cho những tình huống “xấu nhất” như sốc nhiệt, trật cổ chân, đuối sức, sợ độ cao… khi cho con đang lội suối, băng rằng với vợ chồng mình. Theo anh S, đám trẻ ở nhà vẫn bị có thể bị những tai nạn có liên quan nên không có sự an toàn nào là tuyệt đối cả mà quan trọng là chuẩn bị những giải pháp cho các tình huống xấu có thể xảy ra.

Câu chuyện của anh S làm người viết nhớ trong một cuốn sách nào đó có câu nói như như thế này - trong kinh doanh rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn và bạn chỉ có thể thành công khi dám mạo hiểm một cách có tính toán và lúc đó hãy hành động can đảm với suy nghĩ cẩn trọng.

Dạy con nên người là một việc làm nặng nhọc, đòi hỏi nhiều năng lượng và cả những áp lực. Nhưng hãy chọn cách dạy con, tin tưởng vào năng lực của con cái như anh S khi có thể kiên nhẫn đứng nhìn con mình đang cố gắng leo lên một con dốc cao trong chuyến đi phượng thay vì xuống kéo con lên. Dĩ nhiên, chuyện xấu nhất có thể xảy ra khi cô bé học cấp 1 trượt chân xuống dưới dốc nhưng với anh S - tình huống ấy có thể xảy ra nhưng anh chấp nhận vì đã có chuẩn bị cho tình huống xấu ấy nên kiên nhẫn đứng chờ con leo lên hết dốc mà có thể trong lòng anh đang rất lo lắng. Anh S đã đặt niềm tin vào con và nhận lại sự tin tưởng ấy.

Để kết thúc bài viết này, xin hỏi lần gần đây nhất, chúng ta những bậc phụ huynh tin tưởng con mình làm một việc gì đó là khi nào? Chúng ta có dám tin tưởng vào con mình sẽ làm tốt một việc gì đó hay không?

Một khi chúng ta không đặt niềm tin vào con cái, đồng nghĩa với đó, trong mắt chúng ta đứa con ấy không có khả năng rồi, phải không? Vì thế, hãy tin tưởng vào con mình. Đám trẻ cũng cần được phạm sai lầm để trưởng thành như chúng ta ngày trước vậy.