Lứa tuổi dậy thì là lúc con trẻ có những thay đổi nhất định về mặt tâm sinh lý. Trẻ dễ đối diện với những nguy cơ khủng hoảng về tâm lý, đặc biệt là gặp vấn đề áp lực đồng trang lứa.
Ở chiều hướng tích cực, áp lực này giúp con trẻ có động lực phấn đấu để tốt hơn, sao cho bằng bạn bằng bè. Song nó cũng trở thành gánh nặng khiến trẻ cảm thấy mình thua kém, thông qua việc so sánh bản thân với người khác. Và hơn ai hết, các bậc cha mẹ cần có những phương pháp đúng đắn để có thể đồng hành, giúp đỡ trẻ vượt qua những trở ngại tâm lý này?
Quan tâm và lắng nghe con trẻ
Cách cha mẹ quan tâm và giúp con trẻ giải quyết vấn đề có thể tạo ra sự khác biệt. Trước tiên, hãy cố gắng tạo ra một không gian an toàn để con bạn có thể chia sẻ hết những điều chúng nghĩ và đang trải qua. Cha mẹ chỉ nên lắng nghe và không vội đưa ra lời khuyên vào lúc này. Đôi khi thanh thiếu niên gặp khó khăn để nói rõ cảm xúc của mình nên cha mẹ hãy nói điều gì đó để động viên như: “Con trông có vẻ không ổn. Điều gì đang làm con buồn?”.
Hãy tạo cảm giác an toàn cho con của mình
Hãy cho con biết bạn luôn ở bên cạnh và hỏi xem cha mẹ có thể hỗ trợ con như thế nào. Cha mẹ tuyệt đối không được đưa cảm xúc của cá nhân của mình vào việc chăm sóc con. Sẽ phản tác dụng nếu cha mẹ nói với trẻ những câu như: “Căng thẳng gì? Con có biết cuộc sống của con tốt như thế nào không?”. Hay so sánh cuộc sống của con với cuộc sống của mình như: “Con không nghĩ rằng cha mẹ cũng đang căng thẳng?”, “Thử sống như cha mẹ xem?” chẳng hạn. Ở lứa tuổi dậy thì này, chúng vẫn đang tìm hiểu mọi thứ và có thể cần một người bạn đồng hành không phán xét hơn là một người thuyết giảng đạo lý về những gì chúng không nên làm, nên làm và phải làm.
Khuyến khích sự tự tin của con
Thay vì so sánh các bậc phụ huynh nên đánh thức sự tự tin trong con. Bằng cách nói cho trẻ biết rằng nếu cố gắng và nỗ lực hết sức mình thì không gì là không thể. Ví dụ như thành tích học tập tốt của bạn bè là kết quả sau nhiều giờ miệt mài ôn luyện và sự tự tin cùng lòng quyết tâm chính là chìa khóa giúp con mở ra cánh cửa đến với thế giới mới, bỏ lại sau lưng gánh nặng về áp lực đồng trang lứa.
Giúp con xác định mục tiêu sống rõ ràng
Khi không có mục đích sống, con dễ bị tác động bởi thế giới bên ngoài. Giúp con tìm ra mục tiêu rõ ràng để phấn đấu là cách nhanh chóng thoát khỏi áp lực đồng trang lứa. Mục tiêu sống của con trẻ không cần quá lớn lao, đôi khi chỉ đơn giản như học một bộ môn mới hay tập thể dục đều đặn mỗi ngày là đủ.
Hiểu rõ khả năng của con
Mỗi người trong số chúng ta đều có khả năng tiềm ẩn cũng như giới hạn riêng. Con chúng ta cũng vậy. Chính vì thế phụ huynh nên hạn chế so sánh con mình với “con nhà người ta”. Bởi bé có thể chưa tốt ở phương diện này nhưng lại đủ khả năng phát huy ở phương diện khác. Hãy đề cao tinh thần học hỏi, giúp con hướng tới những giá trị tích cực của bản thân.
Dạy con cách chọn bạn mà chơi
Áp lực đồng trang lứa đôi khi là con dao hai lưỡi. Áp lực có thể thúc đẩy con trẻ phấn đấu vì mục tiêu tốt đẹp, song cũng có thể đẩy con vào cám dỗ. Sẽ ra sao khi bạn bè xung quanh con tập hút thuốc, uống rượu, nghiện game hay đua đòi theo các hành vi xấu? Con chắc chắn sẽ làm điều tương tự để thỏa mãn cảm giác được giống như bạn bè. Vì thế, phụ huynh cần khuyên con chọn bạn mà chơi. Nếu không hậu quả để lại sẽ vô cùng nghiêm trọng.
Nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia
Các bậc cha mẹ hãy can đảm chấp nhận rằng có thể phải nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia tư vấn để giúp giải tỏa khó khăn tâm lý của con. Nếu cha mẹ cởi mở để con mình nói chuyện với một chuyên gia tư vấn, một người lớn đáng tin cậy khác hoặc một chuyên gia sức khỏe tâm thần, chính bản thân cha mẹ cũng có thể tự giảm bớt áp lực. Sức khỏe tinh thần, giống như sức khỏe thể chất, cần được chăm sóc và nuôi dưỡng hàng ngày. Nên chú ý các dấu hiệu và có biện pháp ngăn chặn trước khi vấn đề bùng phát nghiêm trọng hơn.
Tạm kết
Áp lực đồng trang lứa là câu chuyện không của riêng ai. Nghe thì rất trẻ con nhưng nó cũng khiến người lớn phải đau đầu. Đối với cả trẻ em và cha mẹ, việc đầu tiên phải thực hiện càng sớm càng tốt là thường xuyên trò chuyện với thái độ tôn trọng lẫn nhau. Khi đó, sức khỏe tinh thần của cả hai bên sẽ tốt hơn và thậm chí sẽ giải quyết được triệt để vấn đề. Đừng để con trẻ phải chịu đựng điều này một mình. Bởi phụ huynh có thể trở thành người bạn, người đồng hành cùng con vượt qua cảm giác tiêu cực trong giai đoạn tuổi ẩm ương.