Duyên Dáng Việt Nam

Hiểm họa từ đồ ăn vặt trước cổng trường

Moon • 30-11-2020 • Lượt xem: 6593
Hiểm họa từ đồ ăn vặt trước cổng trường

Tiếng trống báo hiệu giờ tan học vang lên cũng là lúc học sinh ùa ra cổng trường. Như một thói quen, nhanh như chớp, các em sà vào các hàng quán la liệt trước cổng. Nào nem chua, nào xúc xích, nào nước ngọt... Các em đâu biết rằng, đó là những món quà vặt chứa đầy những hiểm họa khôn lường cho sức khỏe của mình.

Thế giới đa dạng của đồ ăn vặt trước cổng trường

Hiện nay, xung quanh mỗi trường học đều có các hàng quán ăn vặt phục vụ nhu cầu của các khách nhí. Từ các cửa hàng lớn do người dân sống ở đó kinh doanh, đến các xe đẩy tiện lợi chỉ gồm dăm ba món đơn sơ. Dạo một vòng trước cổng trường, chúng ta không khó để bắt gặp các loại hàng quán như thế này. Phần lớn những hàng quán này rất sơ sài, sử dụng dăm ba cái tủ đựng nhỏ, thậm chí đồ ăn vặt dành cho học sinh còn được bày la liệt trước cổng trường, không che đậy, bụi bặm, ruồi muỗi.

Nếu nhìn vào, chúng ta sẽ thấy những món ăn này không đảm bảo vệ sinh ngay từ khâu bảo quản thực phẩm. Thế nhưng, trẻ vẫn rất thích thú với chúng. Thậm chí, nhiều học sinh đã được bố mẹ, thầy cô nhắc nhở và biết rằng đây là những thực phẩm độc hại, nhưng trẻ không thể chống lại được các cám dỗ từ những thứ đó. Đồ ăn cổng trường, từ năm này qua năm khác, từ thế hệ học sinh này qua thế hệ học sinh khác, vẫn có đất sống và được tiêu thụ mạnh. Phần lớn chúng, đều có những đặc tính sau:

1. Ngon, rẻ, bắt mắt, tiện lợi

Một trong những điểm chung của các loại quà vặt này là giá rẻ, phù hợp với túi tiền của trẻ; chúng lại được nhà sản xuất thiết kế rất bắt mắt với những bao bì sắc màu, vui nhộn, hình thù ngộ nghĩnh, quen thuộc với trẻ nhỏ (doremon, pokemon...).

 Những món đồ ăn vặt này cũng rất tiện lợi với học sinh. Ra chơi, tan học hoặc chuyển ca, chỉ cần một ít tiền là chúng đã được thưởng thức những món khoái khẩu và không lo bị đói cho những tiết học hoặc những ca tiếp theo.

Trong các cuộc khảo sát, khi được hỏi đến, phần lớn các học sinh đều trả lời rằng đồ ăn vặt trước cổng trường rất ngon. Chúng có vị cay cay, ngọt ngọt; vừa ăn vừa tám chuyện với bạn bè quả rất thú vị.

Không chỉ học sinh thấy đồ ăn vặt cổng trường tiện lợi, đáng sợ thay, một số phụ huynh cũng nhận thấy điều đó. Vì bận hoặc do bất kỳ một lí do nào đó, họ không thể chuẩn bị đồ ăn sáng trước khi con đến lớp, nên họ cho tiền trẻ để con có thể tự ăn sáng ở trường.

2. Không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng các phụ gia hóa học rẻ tiền

Điều mà trẻ quan tâm là món ăn ấy có ngon đối với chúng hay không. Hầu như không một đứa trẻ nào có thể nhận thức hoặc quan tâm rằng những món mà chúng ăn có nguồn gốc xuất xứ từ đâu, và có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.

Dạo qua các quán hàng, chúng ta có thể thấy thế giới đồ ăn vặt cho học sinh trước cổng trường rất đa dạng và thường không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Nếu là các đồ bán sẵn như nem chua, xúc xích, cá viên chiên, chả mực chiên... thì người bán đựng trong túi bóng, các loại hộp xốp và không rõ chúng được sản xuất từ đâu, khi nào, hạn sử dụng còn bao lâu. Chúng còn được chiên rán trong những chảo dầu được người bán tận dụng rán đi rán lại cho nhiều mẻ.

Còn nếu là các loại bánh kẹo, nước ngọt, bim bim, snack đóng gói sẵn thì phần lớn chúng có chữ Trung Quốc, một số ít chữ Thái, hoặc xuất xứ Việt Nam nhưng từ các cửa hàng gia công không có giấy phép và chưa qua kiểm định.

Bạn nghĩ sao khi một gói bò khô, hổ khô chỉ có giá vài nghìn đồng? Liệu người bán có tự “nuôi được bò” hay “chăn được hổ” để tự sản xuất ra những món rẻ tiền như thế. Câu trả lời là không. Trẻ chỉ đang ăn một thứ gì đó được làm giả thịt bò, thịt hổ mà thôi. Và thứ đó là gì thì không một học sinh nào biết. Hơn nữa, với giá thành rẻ, những thức ăn đó chỉ có thể là sử dụng các loại màu thực phẩm công nghiệp hay phụ gia rẻ tiền, độc hại.

Hiểm họa khôn lường từ đồ ăn vặt trước cổng trường

Thời gian qua, đã có nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến thực phẩm trường học mà hậu quả phải gánh chịu là những em học sinh. Có thể bạn còn nhớ cách đây không lâu, một học sinh lớp 7 ở Đồng Hới – Quảng Bình đã tử vong do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn tại quán đồ ăn nhanh và uống 2 lon nước tại vỉa hè cổng trường. Câu chuyện đã trở thành hồi chuông cảnh báo, nhắc nhở người lớn về tác hại khôn lường của thực phẩm đường phố đối với trẻ.

Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng quốc gia), tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng cho biết rằng việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính, như: đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm... Đặc biệt, nếu ăn trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ mắc các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì. Việc sử dụng các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng còn tồn dư trong các loại thực phẩm đó sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư.

Những  đồ ăn được bày bán trước cổng trường phần lớn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bạn nghĩ sao khi bắt gặp một người bán hàng dùng bàn tay của mình để bốc thức ăn, và bàn tay ấy cũng để lấy tiền của khách, để dọn dẹp. Đặc biệt, bàn tay ấy lại có thể vừa được lau qua một cái khăn lau bàn, lau bát đũa. Trẻ con và ngay cả một số người lớn thường không cảm thấy như thế là “quá bẩn”. Và chính những hành động mất vệ sinh đó truyền một lượng vi khẩn lớn vào thức ăn mà bọn trẻ nạp vào cơ thể hàng ngày, nguy hiểm hơn có thể gây ngộ độc thực phẩm.

Đặc biệt, việc người bán hàng tái sử dụng dầu ăn nhiều lần gây ra những hiểm họa vô cùng nghiêm trọng. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, cho biết: Ở những khách sạn, nhà hàng lớn, người ta chỉ dùng dầu ăn một lần nhưng sử dụng rất nhiều, giống như “luộc” trong dầu. Lượng dầu cặn còn lại được lọc rồi chuyển cho tiểu thương ở chợ hay người bán hàng rong. Lượng dầu này có acolein rất cao. Chất acrolein gây hại cho gan, gây kích ứng niêm mạc dạ dày và là một trong những nguyên nhân gây ung thư.

“Hơi acrolein có thể kích ứng mắt, mũi và đường hô hấp. Nếu tiếp xúc kéo dài có thể gây viêm, hoại tử, loạn sản nhẹ biểu mô mũi, tế bào đáy. Acrolein gây viêm loét, xuất huyết, tăng sản biểu mô đường tiêu hóa”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh giải thích.

Giải pháp

Để trẻ tránh được đồ ăn không an toàn nơi cổng trường cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh. Thầy cô phải tuyên truyền, giáo dục học sinh, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp hoặc tuyên truyền trên loa truyền thanh về vấn đề ngộ độc thực phẩm, về tác hại của các chất hóa học, nhận biết thức ăn an toàn... để học sinh có thể biết cách lựa chọn những đồ ăn, thức uống tốt cho sức khỏe của bản thân.

Nhà trường cũng nên có căng tin bán hàng trong trường, kiểm soát nguồn thức ăn đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho học sinh. Đồ ăn bán ở trong trường ngoài đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng cần phải đa dạng để phục vụ nhu cầu của học sinh.

Về phía các bậc phụ huynh, cha mẹ cần dạy con nói không với quà vặt trước cổng trường. Muốn làm được điều đó, họ phải là người làm gương cho trẻ bằng cách không mua những món ăn ấy nữa mà tự chuẩn bị bữa ăn ở nhà cho con.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần phải quản lý con mình trong việc chi tiêu, không nên cho trẻ tiền tiêu vặt tùy tiện để con có thể tự ý mua những thứ chúng thích. Thường xuyên giải thích với con về tác hại của các món ăn vặt nơi trường học để con hiểu và từ bỏ thói quen ăn quà vặt trước cổng trường hoặc nơi công cộng.

Về phía xã hội, cần tăng cường quản lý và có những chế tài nghiêm minh để xử phạt những người vi phạm trong kinh doanh buôn bán. Công an địa phương cũng như ban chỉ đạo an toàn thực phẩm cần phải thường xuyên kiểm tra, giám sát cũng như xử phạt những hành vi vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Những cửa hàng được phép bán phải đăng ký kinh doanh và làm cam kết đảm bảo vệ vệ sinh an toàn thực phẩm và không gây cản trở giao thông trước cổng trường.