Duyên Dáng Việt Nam

Hiểu thêm về một phương pháp nuôi dạy trẻ được nhiều phụ huynh tin tưởng

Hoa Hà • 25-09-2020 • Lượt xem: 700
Hiểu thêm về một phương pháp nuôi dạy trẻ được nhiều phụ huynh tin tưởng

Hàng trăm năm qua trên thế giới đã có rất nhiều nước áp dụng phương pháp giáo dục Montessori. Tất cả  trường học ở các nước Tây Âu đều đã tiếp cận tinh thần của phương pháp Montessori, đặc biệt ở Mỹ và Canada có khoảng hơn 5.000 trường học dạy theo phương pháp này. Năm 2003, Montessori gia nhập vào Việt Nam và  trở thành phương pháp giáo dục tuyệt vời, toàn diện dành cho trẻ em, đặc biệt là trẻ độ tuổi từ 0 – 6 tuổi.

Montessori là gì?

Phương pháp giáo dục Montessori hay còn gọi là phương pháp Montessori là phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên cơ sở thực nghiệm, quan sát và nghiên cứu của bác sĩ, nhà giáo dục Ý Maria Montessori (1870-1952).

Montessori cho rằng từ khi sinh ra trẻ em đã có một “sức sống nội tại” rất tích cực và không ngừng phát triển. Vì vậy, nhiệm vụ của giáo dục là phải giúp trẻ em phát huy được “sức sống nội tại” đó để có thể phát triển một cách tự nhiên và tự do theo quy luật riêng. Bà cho rằng không nên nhồi nhét, nhào nặn, tiện khắc,.. mà hãy quan sát, nghiên cứu, tìm hiểu chúng; phải yêu thương, tôn trọng tính cách của chúng; phải giúp trí não, tinh thần, thân thể và tính cách của trẻ phát triển tự nhiên.

Phương pháp Montessori ra đời đã tạo nên sự thay đổi mang tính cách mạng cho nền giáo dục thế giới. Nhiều nhà giáo dục tại các nước Anh, Mỹ và Đức đã dành nhiều lời ca ngợi về bà và phương pháp của bà như: “Montessori là một trong những nhà giáo dục vĩ đại nhất mang đến sự tiến bộ cho khoa học và được thế giới công nhận của thế kỷ XX”.

Phương pháp Montessori mang lại cho trẻ điều gì?

1. Trẻ được tôn trọng, tự do phát triển

Trong môi trường Montessori, mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt, độc lập về nhận thức và tính cách. Trẻ được tự do lựa chọn hoạt động yêu thích, phù hợp với trẻ theo từng nhịp độ phát triển.

Ở đây, trẻ là trung tâm, cha mẹ, thầy cô chỉ là người quan sát trẻ, tôn trọng sự tự do của trẻ, chỉ tham gia khi trẻ có những hành động không theo chuẩn mực đạo đức. Trẻ được tự do khám phá, tự chơi, tự học, phát huy được tính độc lập – sáng tạo.

2. Trở thành những đứa trẻ tự lập

Phương pháp Montessori khuyến khích trẻ thực hiện các nhiệm vụ, chơi mà học. Trẻ được chơi các trò chơi mang tính thực tế như tự cất đồ, tưới cây, chăm sóc cây, quét bụi... Trẻ được khuyến khích làm việc có trình tự, hoàn thành công việc được giao. Qua đây, trẻ được nâng cao khả năng thực hành, khả năng giải quyết vấn đề độc tập, khả năng giao tiếp, thuyết phục...Từ các trải nghiệm có thể rút ra bài học, kinh nghiệm cho bản thân, phát huy tối đa khả năng của mình, trở thành những cá thể tự lập.

3. Phát huy sự tập trung cao độ

Một trong những điểm đặc trưng ở môi trường Montessori chuẩn đó chính là trẻ được và có khả năng làm việc liên tục không gián đoạn trong một khoảng thời gian dài, mà cụ thể là 3 tiếng đồng hồ – “chu kỳ làm việc 3 giờ”. Trong 3 tiếng này, trẻ được tự do lựa chọn công việc phù hợp, thực hiện theo cách trẻ muốn và trong bao lâu tùy thích, đảm bảo không có sự xen ngang nếu không cần thiết. Chính như vậy thì trẻ mới dễ dàng chú tâm và đi theo sự chỉ dẫn từ bên trong mà ko bị phân tâm với những tác động bên ngoài, điều này hình thành một thói quen tập trung cao độ cho trẻ.

4. Biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

Lớp học Montessori được trộn độ tuổi từ 3 đến 6, đó là một mô hình thu nhỏ. Các bé ít tuổi hơn có thể học hỏi nhanh, được giúp đỡ, truyền cảm hứng, sau này mình cũng có thể trở thành hình mẫu cho các bé khác noi theo. Ngược lại các bé lớn hơn có cơ hội được giúp đỡ, hướng dẫn các em; củng cố kiến thức đã được học, có cơ hội rèn luyện khả năng lãnh đạo.

Qua đây có thể hình thành cho trẻ hành vi, tích cách tốt; biết quan tâm, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

5. Phát triển toàn diện

Thông qua các bài tập, trò chơi, sự vận động, sự khám phá, sự tương tác... trẻ có cơ hội sử dụng tối đa các giác quan. Đặc biệt, chương trình Montessori hướng đến tất cả các loại năng khiếu và phong cách học tập – động học, âm nhạc, không gian, giao tiếp, ngôn ngữ và toán học, từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện cả về đức -trí - thể - mỹ, giúp trẻ thở thành những đứa trẻ khỏe khoắn, thông minh, năng động, giàu lòng nhân ái, biết yêu thương và sẻ chia.

Giảng dạy như thế nào theo phương pháp Montessori cho độ tuổi từ 0-6 tuổi?

Theo bà Montessori mỗi giai đoạn ở trẻ có những đặc trưng sinh lý, tâm lý khác nhau nên phương pháp tiếp cận giáo dục phải khác nhau cho từng giai đoạn. Bà chia ra bốn giai đoạn phát triển ở trẻ, từ 0-6 tuổi, từ 12-18 tuổi và từ 18-24 tuổi, trong đó giái đoạn 0-6 tuổi được coi là giai đoạn “vàng” cho sự phát triển của trẻ. Montessori chia giai đoạn này thành 2 giai đoạn nhỏ.

1. Giai đoạn từ 0-3 tuổi:  Đây là giai đoạn phôi thai tâm lý, giai đoạn áp dụng nguyên tắc Montessori trong gia đình, là thời kỳ phát triển năng lực tiếp thu và năng lực sáng tạo thông qua các giác quan. Bố mẹ cần:

● Tôn trọng người thầy bên trong trẻ

● Tạo môi trường đơn giản và hấp dẫn tại nhà

● Tập trung vào phát triển khả năng nói

● Khuyến khích khả năng vận động

● Khuyến khích tính tính độc lập

● Cho trẻ thời gian tập trung, tránh ngắt quãng và lặp đi lặp lại

● Đi du lịch nhiều nơi, làm nhiều thứ, sưu tầm các đồ vật và chụp các bức ảnh

● Chấp nhận các lỗi sai

● Cung cấp các học liệu về toán và ngôn ngữ

● Khuyến khích sự hòa đồng

Một số hoạt động bố mẹ có thể làm cùng trẻ: cho trẻ nghe nhạc, các bài thơ theo giai điệu; xem sách tranh, ảnh phù hợp,... những việc này nên được lặp đi lặp lại từ 1 tuần trở lên.

Cha mẹ nên cho con học về màu sắc, nhận biết hình khối, đồ vật và tư duy logic đơn giản để não của con được phát triển tối đa khả năng nhận biết, tư duy sáng tạo khi 3 tuổi.

2. Giai đoạn từ 3-6 tuổi: Giai đoạn này trẻ đã đến lớp, đây là thời kì trẻ phát triển năng lực tư duy. Chương trình giảng dạy trên lớp cho trẻ từ 3 đến 6 tuổi cần được kết hợp hài hòa của bốn lĩnh vực: cuộc sống thực tế, cảm quan, ngôn ngữ, toán học. Giai đoạn này, thầy cô cần:

● Lấy trẻ làm trung tâm, tôn trọng trẻ, khuyến khích trẻ tự do khám phá, tự do sáng tạo để phát triển toàn diện bản thân.

● Tạo môi trường Montessori thân thiện, an toàn, phù hợp với độ tuổi của trẻ.

● Là người bạn, người đồng hành tin cậy cho trẻ

● Không áp dụng các hành vi xử phạt, khuyến khích ngợi khen trẻ

Gợi ý một vài hoạt động trẻ có thể làm: gấp khăn, lau bàn, đóng và mở cửa, làm vườn, tự cất đồ chơi,...

Các trò chơi kích thích trí não: chơi ghép hình, xếp khối đồ vật; hoặc cho trẻ học đàn piano, đàn violin, hay một số các nhạc cụ như sáo.

Những điều mẹ Việt nên cân nhắc khi chọn trường Montessori cho con:

● Trường mầm non cha mẹ cho con theo học đang áp dụng những ý tưởng và giáo cụ mà Montessori sáng tạo hay đã đạt những tiêu chuẩn thực sự của một chương trình giáo dục Montessori? Tức là cha mẹ cần quan tâm đến chất lượng của trường, tránh hiện tượng “treo đầu dê, bán thịt chó”.

● Môi trường Montessori ấy có đảm bảo cho bố mẹ sự tin tưởng, tín nhiệm hay không? Đội ngũ thầy cô giáo có được giáo dục theo phương pháp Montessori một cách bài bản và có tận tâm, tận tình với học trò hay không?

● Cơ sở vật chất và các giáo cụ của nhà trường liệu có được đáp ứng đúng theo chuẩn Montessori;  có đảm bảo được sự an toàn, cho trẻ được tự do khám phá, tự do phát triển?

● Mức học phí cha mẹ bỏ ra có phù hợp với cơ sở vật chất, nhân lực của nhà trường hay không?

Vì học phí ở các trường được giảng dạy theo phương pháp Montessori khá đắt đỏ, vì vậy, trước khi quyết định gửi gắm con em mình, cha mẹ cần tìm hiểu kĩ càng. Tham gia vào các group như Hội phụ huynh Montessori Việt Nam, Học Montessori để dạy trẻ theo phương pháp Montessori, Hội cha mẹ Montessori... cũng là một trong những cách  hay để cha mẹ có thể có thêm được nhiều nguồn thông tin bổ ích.