Duyên Dáng Việt Nam

Học được gì từ các nước trong cuộc đại chiến chống dịch COVID-19?

Phạm Trang • 24-08-2020 • Lượt xem: 540
Học được gì từ các nước trong cuộc đại chiến chống dịch COVID-19?

Hiện nay, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona gây ra đã lan rộng  toàn thế giới và trở thành nỗi bất an của tất cả các nước. Tuỳ vào tình hình và tốc độ lây lan dịch bệnh của từng quốc gia, chính phủ của mỗi nước sẽ đưa ra các biện pháp, cách thức phòng chống virus corona khác nhau nhằm kiểm soát và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (viết tắt là COVID-19) được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Với tốc độ lây lan nhanh, dịch bệnh đã lan ra nhiều tỉnh thành của Trung Quốc. Tính tới nay, COVID-19 đã lan ra 215 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Hãy cùng xem qua cách phòng chống dịch bệnh của một số quốc gia trên thế giới.

Anh

Tại Anh, chính phủ đã áp dụng từ rất sớm quy trình chống dịch theo 4 bước: Gói gọn mầm bệnh - Làm chậm lây nhiễm - Nghiên cứu miễn dịch, và Giảm nhẹ thiệt hại). 4 bước này được tiến hành cùng lúc, chuẩn bị và hỗ trợ cho nhau. Trên cơ sở chiến lược phòng chống này, chính phủ Anh tiếp tục đưa ra các điều chỉnh dựa trên tình hình của dịch bệnh trên thực tế. Chính phủ Anh luôn chú ý tới việc giảm nhẹ thiệt hại, không chỉ về con người mà còn đỡ tổn thất cho các mặt đời sống xã hội và tránh việc ngừng trệ các dịch vụ thiết yếu. Bên cạnh đó, Anh còn thực hiện các biện pháp như: Giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, chi trả tiền nghỉ ốm theo mức chuẩn quốc gia cho người lao động xin nghỉ tự nguyện để phòng dịch, không gọi trở lại hàng loạt y bác sỹ nghỉ hưu mà phân luồng bệnh nhân từ xa và phát huy triệt để khả năng tự kháng bệnh của cá nhân, không cấm nhập cảnh hoặc đóng cửa biên giới mà kiểm soát người nhiễm trên cơ sở triệu chứng bệnh, không đóng cửa trường học mà cho nghỉ các học sinh ốm và tăng cường khử khuẩn.

Ngoài ra, Chính phủ Anh đã mở một cuộc chiến truyền thông nhằm cung cấp một cách nhanh chóng và đầy đủ thông tin đến người dân. Họ đã thành lập nhiều trang mạng và cung cấp dịch vụ internet để phổ biến thông tin về virus corona được thiết lập và cặp nhật theo thời gian thực. Các nhà lãnh đạo thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để trực tiếp cặp nhật thông tin chính sách có liên quan đến virus corona cho người dân với tần suất dày đặc.

Thuỵ Điển

Khác với những nước trong khu vực, Chính phủ Thụy Điển không áp dụng nghiêm khắc các biện pháp phong tỏa vì luôn hi vọng và đặt niềm tin rằng, người dân sẽ luôn tự giác và ý thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội cũng như mức độ nguy hiểm của dịch COVID-19. Thụy Điển cấm tụ tập hơn 50 người vào chủ nhật nhưng các trường học dành cho học sinh dưới 16 tuổi vẫn mở. Các quán rượu, nhà hàng vẫn có thể mở cửa đón khách, và nhiều người vẫn có các hoạt động giao tiếp xã hội như ngày thường.

Ý

Tại Ý, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, lệnh phong tỏa toàn quốc đã được công bố vào giữa tháng 3, theo đó người dân chỉ được ra đường trong những trường hợp thật sự cần thiết như mua nhu yếu phẩm thiết yếu hay vì lí do y tế. Chính quyền Ý cũng công bố mức phạt cho những người không tuân thủ lệnh cấm đi lại, với mức phạt này lên tới 5.000 Euro tại Lombardy. Bên cạnh đó, còn dùng âm nhạc để duy trì tinh thần vui vẻ, lạc quan cho người dân trên khắp thế giới. Tại Ý, ban nhạc đường phố Fanfaroma đã đăng tải một sự kiện kêu gọi chơi nhạc tập thể “Flashmob Sonoro” trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của hàng nghìn người. Nhằm cổ vũ tinh thần cho người dân trong thời điểm lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt được áp dụng trên toàn quốc, ban nhạc khuyến khích mọi người cùng chơi nhạc tại ban công và nhảy theo điệu nhạc trong nhà thay vì cùng nhau biểu diễn ngoài đường.

Hàn Quốc

Ngay từ khi bùng phát dịch, Hàn Quốc đã cho đóng cửa các trường học nhằm ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Rất nhiều xét nghiệm đã được thực hiện ngay từ giai đoạn đầu chống dịch và dự đoán chính xác tỷ lệ lây nhiễm, phục hồi và tử vong. Hàn Quốc đã áp dụng công nghệ kỹ thuật số kết hợp với việc hạn chế bảo vệ thông tin cá nhân giúp xác định được cách thức lây lan của virus. Bất cứ ai nhập cảnh vào nước này đều phải tải một ứng dụng về điện thoại và liên tục cập nhật tình trạng sức khỏe của bản thân trong 14 ngày, mỗi ngày hai lần. Những người dương tính với virus và cách ly bắt buộc phải tải một ứng dụng để Chính phủ theo dõi dữ liệu GPS của họ. Đồng thời, tất cả mọi người đều phải đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội, tránh sử dụng thang máy. Mọi người đều được đo thân nhiệt, sản phẩm diệt khuẩn được đặt ở mọi nơi và được sử dụng liên tục.

Đài Loan

Ngay khi dịch bùng phát tại Vũ Hán, chính quyền Đài Loan đã lập tức tạm dừng mọi mối liên hệ với Trung Quốc. Đài Loan đóng cửa biên giới từ rất sớm vì họ hiểu rằng các dịch bệnh từ các quốc gia khác sẽ lan đến lãnh thổ của họ trước tiên. Do đó, từ cuối tháng 12.2019, khi những báo cáo đầu tiên về sự xuất hiện của một loại "virus corona" bí ẩn từ Vũ Hán xuất hiện, Đài Loan đã triển khai (từ ngày 5.1.2020) kiểm tra y tế bắt buộc cho toàn bộ khách du lịch đến từ Vũ Hán. Bất cứ ai có kết quả dương tính sẽ lập tức được đưa đi cách ly. Những người có tiếp xúc với bệnh nhân cũng được kiểm tra ngay lập tức.

Trên trang web của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Đài Loan, mọi người đều có thể dễ dàng theo dõi tình hình dịch bệnh, số lượng xét nghiệm được thực hiện, số lượng nhiễm bệnh và số người cách ly được trình bày một cách thông minh và khoa học.

Triều Tiên

Trước khi công bố ca nhiễm đầu tiên, Triều Tiên đã áp dụng lênh phong tỏa nghiêm ngặt đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng bệnh viện đa khoa ở thủ đô Bình Nhưỡng nhằm nâng cao khả năng chống chọi với dịch bệnh và đáp ứng nhu cầu điều trị khi cần. Triều Tiên đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tương đối khẩn trương, quyết liệt, đồng thời đóng cửa toàn bộ các đường biên giới và thắt chặt các biện pháp kiểm dịch từ cuối tháng 1-2020. Cũng theo hãng thông tấn Yonhap, cách đây chưa đầy một tuần, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên đã kêu gọi tăng cường giám sát nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thông qua hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, ông Kim Jong Un đã ra lệnh kiểm tra khu vực dọc biên giới để thực hiện các biện pháp cần thiết, đưa ra hình phạt nghiêm khắc với những người bị nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2 và vượt biên. Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng thông báo nước này đang tự nghiên cứu một loại vaccine phòng ngừa Covid-19, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Bài học cho Việt Nam

Việt Nam đã kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng rất tốt, do đã phát hiện kịp thời các ca nhiễm F0 từ nước ngoài về và F1 từ trong nước, cách ly triệt để tất cả các ca F0, F1, F2 nên cùng với các biện pháp khác như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, sát khuẩn. Trước ngày 20/7/2020, Việt Nam đã trải qua gần 100 ngày không có lây nhiễm trong cộng đồng, còn người từ nước ngoài về Việt Nam luôn được cách ly triệt để, an toàn dịch. Vì vậy, việc từ ngày 22/7/2020 xuất hiện hàng loạt ca lây nhiễm tại Ðà Nẵng và từ đó lan sang các địa phương khác có nghĩa là: F0 do đợt lây nhiễm ở Ðà Nẵng phải là từ nước ngoài vào, qua việc nhập cảnh trái phép đường bộ. Do đó Việt nam cần phải kiểm tra gắt gao biên giới đường bộ hơn nữa, cương quyết không để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải truyền thông rộng rãi, tích cực các phương tiện truyền thông báo đài, mạng xã hội để tuyên truyền cũng như cung cấp các thông tin về tình hình dịch bệnh. Cần cung cấp cho người dân những kiến thức phòng chống dịch bệnh và cho người dân có cơ hội phát biểu, đóng góp.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia cần đưa ra dự báo diễn biến lây lan dịch COVID-19 ở nước ta 3 ngày và mỗi tuần là một lần. Từ đó xác định các biện pháp cần triển khai trong cả nước, các ngành và các địa phương.

(Tổng hợp)