ĐỜI SỐNG

Học sinh liệu có đuối sức khi tiếp thu chương trình giảng dạy mới?

Đinh Ngô Bá Phúc • 30-09-2023 • Lượt xem: 1328
Học sinh liệu có đuối sức khi tiếp thu chương trình giảng dạy mới?

Định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang là mục tiêu chính mà Sở GD-ĐT TP.HCM muốn hướng đến trong năm 2023.

Theo đó, để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì Sở yêu cầu giáo viên cần đổi mới phương thức giảng dạy cũng như hình thức kiểm tra đánh giá. Ví dụ như, thay vì theo phương thức cũ là soạn bài, thực hiện các bài kiểm tra miệng, viết tại lớp thì giờ đây, học sinh sẽ làm bài tập về nhà, thực hiện các sản phẩm học tập hoặc chuẩn bị bài thuyết trình,… Nhưng hiện phương pháp triển khai này đang được nhiều học sinh cảm thấy quan ngại vì bị dồn nhiều nhiệm vụ cùng một thời điểm hoặc trong thời gian ngắn.

Một học sinh có tên S.T của trường THPT tại Q.3 (TP.HCM) cho biết, bình thường mỗi ngày trung bình mỗi môn học, em có đến 3 – 4 bài tập về nhà. Nhưng song song đó, định kỳ khoảng 2 tuần sẽ có một bài thuyết trình hoặc dự án cần phải thực hiện và phải giao vào hôm sau nên em phải dành nhiều thời gian để tầm trung và phân phối bài tập hợp lý, nhưng dần bản thân cảm thấy quá tải với mức độ dày đặc của bài vở. Tuy nhiên, theo S.T cho biết thêm, nếu dồn bài và mất quá nhiều thời gian cho một môn thì sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều môn khác.

Nhiều học sinh cho biết, bản thân cảm thấy áp lực khi thường xuyên phải thuyết trình 2 - 3 môn trong một ngày.

Theo quan điểm của S.T, việc quá tải và mất nhiều thời gian, công sức trong các bài dự án hoặc thuyết trình là có, nhất đối với một số môn phụ. Trong số đó, cộng tác làm việc nhóm dễ xảy ra tình trạng có người làm nhiều, người làm ít hoặc thậm chí là không làm. Do đó, theo bạn S.T thì làm việc nhóm, dự án, thuyết trình là các hình thức cần có nhưng không nên quá dày đặc.

Một em học sinh lớp 8 của một trường THCS tại Q.1 chia sẻ, nếu trong một tuần có một bài thuyết trình hoặc sản phẩm học tập thì không vấn đề gì nhưng nếu có đến 2, 3 giáo viên bộ môn yêu cầu thực hiện thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Bạn học sinh này cảm thấy áp lực do nguyên nhân, thay vì lấy điểm chính thức như bài kiểm tra miệng hoặc giấy, nhưng sẽ rất nặng khi một số bài thuyết trình chỉ được lấy điểm cộng.

Theo thạc sĩ Phan Thế Hoài - giáo viên dạy một trường THPT tại quận Bình Tân (TP.HCM) cho biết, việc thực hiện bài thuyết trình với thời lượng chỉ tối đa 5 phút sẽ khiến nhiều học sinh mất thời gian cho từng công đoạn như chuẩn bị nội dung, hình ảnh và âm thanh. Ngoài ra, nếu áp dụng phương pháp học mới và bắt buộc học sinh phải hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn thì sẽ không đạt hiệu quả.

Song song đó, việc giao nhiệm vụ không theo năng lực sẽ dẫn đến tình trạng học sinh sao chép hoặc làm thay phần việc của nhau,... Do đó, thầy Hoài đưa ra ý kiến, giáo viên nên giao nhiệm vụ đúng với năng lực của các em. Dù học sinh có làm ít, làm đúng thì còn có giá trị, hiệu quả hơn việc nhờ người khác.

Giáo viên THCS Lê Văn Tám (TP.HCM), cô Cát Tường đưa quan điểm, công tác thực hiện bài thuyết trình rất mất thời gian. Nhưng quan sát tình trạng học đường hiện này, nhiều giáo viên đang vận dụng, đổi mới chúng một cách quá máy móc khiến học sinh mệt mỏi. Theo cô Tường, giáo viên cần căn cứ vào tính đặc thù của môn học để lựa chọn hình thức kiểm tra và không nhất thiết nếu chỉ lấy điểm cộng mà giao cho học sinh thực hiện một bài thuyết trình.

Giáo viên trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), thạc sĩ Phạm Lê Thanh khẳng định, giáo viên cần linh hoạt vận dụng nhiều phương pháp và kỹ thuật dạy học kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin cho các môn học. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần cập nhật thêm thông tin, tổ chức nhiều hoạt động mang tính tương tác thầy – trò như thí nghiệm, đặt tình huống thực tiễn và hướng dẫn học sinh nêu vấn đề và đưa ra giải pháp.

Giáo viên cần linh hoạt, dựa vào đặc thù của từng môn học không nên cứng nhắc và liên tục thay đổi phương pháp giảng dạy.

Thầy Thanh nhấn mạnh, việc đổi mới phương pháp theo chương trình Giáo Dục Phổ Thông 2018 là đều hết sức cần thiết, nhưng giáo viên không nên quá cứng nhắc hoặc liên tục thay đổi phương pháp mà cần phải dựa vào tính đặc thù của từng môn học, học lực của học sinh để đưa ra các hoạt động giảng dạy phù hợp.