Duyên Dáng Việt Nam

Học ủ phân rác bếp sáng tạo từ các vlogger làm vườn

Quyên Hà • 01-10-2020 • Lượt xem: 10822
Học ủ phân rác bếp sáng tạo từ các vlogger làm vườn

Phong trào ủ rác nhà bếp cho vườn cây tại nhà gần đây đang nhận được nhiều sự chú ý của các chị em. Có hai lý do chính, thứ nhất, phân ủ từ rác nhà bếp là phân hữu cơ 100%, vừa tốt cho cây trồng, vừa tốt cho sức khỏe gia đình.

Thứ hai, cách làm này tận dụng được rất nhiều rác thải hữu cơ như vỏ trứng, vỏ chuối, cuống rau, vỏ trái cây.. những thứ vốn bị thải ra môi trường trong túi rác hay túi nilon. Cứu những rác thải nhà bếp này khỏi kết thúc tại bãi rác là một cách bảo vệ môi trường thiết thực và hữu hiệu.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết ủ rác nhà bếp thế nào cho đúng cách. Kết quả, rất nhiều chị em không thu được sản phẩm như ý muốn và sớm kết thúc nỗ lực vì môi trường của mình. Bài viết này chia sẻ kinh nghiệm ủ rác nhà bếp nhằm khắc phục những thất bại thường gặp.

Về cơ bản, chúng ta có ba cách ủ rác bếp chính: ủ trong thùng kín yếm khí (phương pháp này thường sẽ gây mùi khó chịu), ủ khô (không mùi) hoặc ủ trực tiếp trong đất trồng.

Phương pháp thứ nhất, ủ yếm khí tưới cây rất tốt, nhưng khuyết điểm lớn nhất chính là mùi hôi rất khó chịu.

Phương pháp thứ hai, ủ khô không có mùi hôi, ưu điểm lớn nhất là mỗi ngày đều có thể đổ thêm rác bếp vô. Ưu điểm thứ hai là không hôi.

Phương pháp thứ ba, ủ trực tiếp trong đất trồng. Nghĩa là, rải một lớp rác bếp xuống dưới và một lớp đất trộn bên trên. Với các gia đình ở thành phố, diện tích nhà nhỏ, đây có thể coi là phương pháp sạch sẽ và tiện lợi nhất. Tuy nhiên, mặt hạn chế lớn nhất của phương pháp này là chết cây. Vì khi phân ủ trực tiếp bên dưới, lượng phân quá lớn dễ làm cây bị xót và quá tải.

Với diện tích có hạn của nhà phố và chung cư, chúng ta có thể tham khảo những cách làm sáng tạo và tiện lợi sau đây, kết hợp nhiều phương pháp để tối đa hóa ưu điểm của các phương pháp. Cách làm này sẽ đảm bảo cho cây của chúng ta sống tốt, không bị chết bởi phân rác bếp.

Thùng xốp 2 ngăn

Cùng tham khảo cách làm thực tế ủ rác nhà bếp trong thùng xốp 2 ngăn của vlogger Minh Vy, sở hữu kênh youtube chuyên trồng rau sạch tại nhà với nhiều video hướng dẫn chi tiết và đầy kiến thức.

Trong một thùng xốp chữ nhật, to nhỏ tùy ý, chúng ta dùng nắp xốp cắt ra thành vách ngăn phù hợp. Vách ngăn này chia thùng thành tỉ lệ 7:3 hoặc 6:4. Vách này bên dưới gần đáy, cách đáy khoảng 1 2 phân là vừa, bên trên cách nắp thùng khoảng 5 phân là vừa.

Phần có diện tích lớn hơn sẽ dùng để đựng đất trồng cây. Phần nhỏ hơn sẽ dùng để ủ phân. Phần hở phía dưới của vách ngăn của chúng ta sẽ giúp nước tiết ra từ rác nhà bếp chảy qua bên đất trồng, nhưng rác không lọt được qua để làm nóng và xót cây.

Tiếp theo chúng ta cắt một phần nắp xốp còn lại để làm nắp đậy cho bên đựng phân của thùng xốp. Nắp đậy này sẽ giúp ngăn ánh nắng mặt trời chiếu vào rác, làm chết các vi sinh có lợi trong rác. Nắp đậy này còn thêm phần thẩm mỹ cho thùng phân nữa.

Bên trồng cây, chúng ta bỏ đất vô bình thường. Bên ủ phân, trước tiên chúng ta bỏ một ít trùn quế vô. Trùn quế rất tốt cho vi sinh. Lớp phân trùn này sẽ lấp đầy phần khe dưới của vách ngăn. Tiếp theo chúng ta bỏ rác bếp vào. Rác bếp này chúng ta nên dùng rác tại nhà mình thải ra, khoảng 1 – 2 ký. Nếu muốn rác nhanh hoai, chúng ta phủ nhẹ một lớp đất trồng lên trên, ngăn ánh sáng làm chết vi sinh và trùn.

Vi sinh sống tốt ở độ PH 3.6 – 6.8. Nhiều khi rau tốt nhưng vàng lá hay úa là do độ PH không phù hợp. Hãy tìm hiểu thêm về PH nếu cây của bạn có các dấu hiệu trên nhé.

Thùng phân tự tưới từ bình nhựa cũ

Cách làm thứ hai của vlogger Khoa Hien, youtuber sở hữu vườn rau trên sân thượng đáng mơ ước với đủ loại rau củ quả: bầu, mướp, rau muống, cải bẹ xanh, khổ qua, quế và những hướng dẫn, cách làm chi tiết.

Về cơ bản, đây là cách ủ ướt, chuyên ủ các loại rác nhà bếp ra nước nhiều như: vỏ cà rốt, vỏ dưa hấu, dau thơm, lá cải, vỏ bầu. Cách làm này sẽ phù hợp cho những khu vườn có diện tích lớn hơn, dạng vườn tầng hoặc trồng theo mảng lớn.

Đầu tiên, về thùng ủ. Bạn có thể tận dụng những bình nhựa 10l hoặc 5l, tùy theo diện tích đất trồng và độ sâu của lớp đất. Với những chậu cây cao hơn 20cm, chúng ta nên dùng bình 10l.

Ví dụ với bình 10l, cao khoảng 18cm, thì chúng ta khoan các lỗ nhỏ từ đáy bình lên đến khoảng 15cm. Những lỗ dưới đáy bình này sẽ vùi dưới lớp đất nên khí trong bình sẽ gần như không thoát ra ngoài gây mùi.

Khi bỏ rác vô bình này, rác sẽ ra nước. Nước trong bình sẽ chảy qua các lỗ nhỏ dưới đáy ra đất trồng xung quanh. Đặc điểm này khắc phục nhược điểm của ủ ướt thông thường.

Khi ủ ướt thường, chúng ta sẽ phải múc nước tiết ra từ rác để tưới, sẽ cảm thấy khá mất vệ sinh và có mùi.

Với các bình ủ rác đục lỗ này, chúng ta chỉ việc bỏ rác vô bình, và nước tự rỉ ra, tránh sự khó chịu từ mùi và không mất nhiều công sức, thời gian.

Bình này cũng có nắp đậy rất tiện lợi. Nắp đậy vừa tránh bay mùi ra xung quanh, vừa khiến bình giống như một chỗ chứa rác. Mỗi khi có thêm rác, chúng ta chỉ cần mở nắp ra và bỏ vô là xong, tiện lợi và sạch sẽ.

 Các bình này chúng ta chôn cách gốc cây khoảng 30cm đến 50cm là được, nước từ trong bình thấm ra sẽ cung cấp dinh dưỡng cho rễ cây ăn dần.

Ủ rác bếp trong bình nước có vòi

Dành cho những ai có diện tích vườn siêu nhỏ, hoặc trồng các loại cây, hoa trong nhiều chậu nhỏ, không tiện ứng dụng hai cách trên.

Cùng tham khảo cách làm của vlogger Nha Minh Vlog. Đầu tiên, chúng ta cần một bình nước cũ có vòi. Với dạng ủ này, trước tiên chúng ta cần một miếng nhựa đục lỗ ngăn bên dưới, để chặn rác chảy vào vòi gây tắc vòi.

Thứ hai, chúng ta sẽ sử dụng thêm nấm Chicco Đạt Ma hoặc EM, hai loại vi khuẩn kích thích phân hủy nhanh. Lần lượt, khi chúng ta bỏ một loạt rác vào, thì rải thêm một lớp nấm Chicco.

Những bình nước cũ có sẵn vòi và nắp đậy kín kẽ, sạch sẽ và không bay mùi. Nắp đậy tiện lợi khi mỗi ngày chúng ta có thể bỏ thêm rác vào, nước sẽ tiết ra liên tục xuống đáy và chúng ta chỉ việc mở vòi lấy nước tưới.

Khuyết điểm lớn nhất của ủ rác bằng bình nước, là bình nhựa trong suốt sẽ bị ánh sáng mặt trời xuyên qua. Vì vậy, hãy chuẩn bị thêm một bao dứa hay nilon lớn tối màu, và trùm lên trên bình nước. Trong mọi cách ủ, chúng ta đều cần lưu ý ngăn ánh sáng mặt trời chiếu vào giết chết các vi sinh có lợi.

Hi vọng rằng với những gợi ý trên đây, các bạn đã tìm cho mình được một hoặc nhiều phương pháp phù hợp với khu vườn của gia đình.

Thêm một lưu ý nhỏ, các bạn hãy tìm hiểu và ghi chú các loại rác nhà bếp thích hợp để ủ phân. Những loại rác phù hợp nhất bao gồm: vỏ chuối – chứa nhiều phốt pho và kali, vỏ trứng – khoáng chất, canxi, kali, sắt, tro bếp – kali, phốt pho, bã đậu nành và bã dừa, rau, vỏ trái cây khác, giấy, trà túi lọc, nước vo gạo.

Riêng đối với thức ăn thừa nhiều dầu mỡ, hãy chắt hết mỡ thừa rồi sau đó ủ ít nhất vài tuần.

Ngoài ra, bã chè và bã cà phê đều có thể dùng để dải lên trên chậu cây, vừa giữ ẩm vừa khiến cây tươi tốt hơn.

Chúc các bạn thành công.

Từ khóa: Rác nhà bếp, phân hữu cơ, trồng rau sạch, trồng rau tại nhà

Tag: