ĐỜI SỐNG

Hội chứng TIC - Hiểm họa từ việc thường xuyên cho trẻ dùng điện thoại

Thúy Vy • 10-02-2023 • Lượt xem: 2210
Hội chứng TIC - Hiểm họa từ việc thường xuyên cho trẻ dùng điện thoại

Sau một thời gian dài sử dụng điện thoại, máy tính nhiều, miệng trẻ đột nhiên bị giật, run chân tay, lắc cổ… một cách vô thức. Lo sợ con bị động kinh, bố mẹ hốt hoảng đưa con đi khám thì phát hiện nhiều trẻ cũng có biểu hiện tương tự và được chẩn đoán là mắc hội chứng TIC.

TIC là một loại bệnh lạ, ít người biết đến. Tuy nhiên vài năm gần đây, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19, số trẻ mắc căn bệnh này, thậm chí phải nhập viện điều trị tăng chóng mặt. 

Ngày nay, dù đi đến bất cứ đâu cũng có thể thấy được hình ảnh những đứa trẻ sử dụng và tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop,... ngay từ khi còn nhỏ. Với điều kiện sống khá đầy đủ như hiện nay, việc sở hữu 1 chiếc smartphone, thậm chí là 2, 3 chiếc là điều không khó đối với nhiều người. Và cũng từ tâm lý muốn được “rảnh tay”, để con “chơi ngoan”, nhiều phụ huynh đã dễ dàng cho con sử dụng điện thoại thông minh, trong đó có đa dạng các thể loại chương trình trò chơi, thậm chí có kết nối Internet để trẻ tha hồ mà chơi, chăm chú với chiếc máy hàng giờ không buông. 

Để trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử từ nhỏ là rất nguy hại, dành quá nhiều thời gian nhìn vào màn hình khiến trẻ dễ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần, kìm hãm giao tiếp xã hội, rối loạn giấc ngủ và không thể tập trung. Đặc biệt khi nhìn chằm chằm vào điện thoại, máy tính bảng trong thời gian dài, dưới tác hại của ánh sáng xanh do thiết bị này phát ra ảnh hưởng rất lớn đến mắt trẻ nhỏ, gây ra các bệnh như thoái hóa võng mạc, cận thị, lác,…

Theo các chuyên gia tâm lý, việc cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ như smartphone, máy tính bảng… quá sớm không chỉ ảnh hưởng đến thị lực, sức khỏe của trẻ nhỏ mà nó cũng có thể gây ra các hội chứng tâm lý hoặc hội chứng hành vi xấu ở trẻ. Một trong những hội chứng mà thời gian gần đây nhiều trẻ mắc phải và cần đến cơ sở y tế là hội chứng TIC. 

Trẻ nhìn vào màn hình quá nhiều có thể gây ra hội chứng TIC

Các biểu hiện của hội chứng TIC

Theo Bộ Y tế, hội chứng TIC (Tic Disoder) là rối loạn khiến trẻ lặp đi lặp lại các hành động trong vô thức, không thể kiểm soát được của các cơ trong cơ thể như: nháy mắt, lắc đầu, co giật mắt, khịt mũi, phàn nàn hoặc hắng giọng.

Rối loạn TIC thường xuất hiện từ thời thơ ấu, có những biểu hiện đầu tiên khi trẻ khoảng 5 tuổi, rối loạn này phổ biến ở bé trai hơn bé gái. Đa số trường hợp rối loạn TIC là tạm thời và sẽ tự hết trong vòng một năm. Mặt khác, một số người bị run giật kéo dài và phát triển thành chứng rối loạn mãn tính. Theo các chuyên gia y tế, hội chứng này thường xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi. Khoảng 20% ​​trẻ em trong độ tuổi đi học mắc hội chứng rối loạn này. Thường có diễn biến nặng khi trẻ 11-12 tuổi, sau đó các triệu chứng giảm dần khi trẻ bước vào tuổi dậy thì. Đối với một số trẻ, chứng rối loạn biến mất hoàn toàn sau tuổi trưởng thành, nhưng những trẻ khác vẫn đối mặt với căn bệnh kỳ lạ này cho đến khi trưởng thành.

Cường độ, tần suất và thời gian co cơ khác nhau ở mỗi trẻ. Có hai loại hội chứng TIC chính, đi kèm với các biểu hiện khác nhau: TIC đơn giản liên quan đến một nhóm cơ đơn lẻ hoặc âm thanh đơn giản và TIC phức tạp liên quan đến các nhóm cơ khác nhau. 
Các triệu chứng cụ thể:

  • TIC âm thanh đơn giản: Ho, thở dài, lầm bầm, các âm thanh bình thường  khác như hắng giọng, tặc lưỡi,  la hét...
  • TIC vận động đơn giản: Nhăn mũi, nháy mắt, lắc đầu, nhún vai, giật cơ hàm.
  • TIC có âm thanh phức tạp: Nói từ hoặc câu lặp đi lặp lại và nằm ngoài ngữ cảnh. 
  • TIC vận động phức tạp: Tự đánh vào người mình, cắn, nhảy, giậm chân, xoay người…

Có thể thấy, nếu không được điều trị và kiểm soát sớm, các triệu chứng của TIC có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn như rối loạn lo âu, hưng phấn quá độ, cáu giận và mệt mỏi,…

Rối loạn TIC thường xuất hiện từ thời thơ ấu, có những biểu hiện đầu tiên khi trẻ khoảng 5 tuổi

Căn bệnh ngày càng lan rộng từ sau đại dịch

Một nghiên cứu đăng trên tờ tạp chí phố Wall cũng cho thấy số lượng những cô gái tuổi teen ở Mỹ đi khám bác sĩ đều phàn nàn về các cơn động kinh như cử động giật, nói lặp lại nhiều hơn 10 lần so với trước đại dịch Covid-19.

Điển hình, từ giai đoạn tháng 3/2020, Bệnh viện nhi Texas (Mỹ) ghi nhận khoảng 60 ca, trong khi trước đó, mỗi năm chỉ khoảng 1-2 ca. Ở Trung tâm Tourette tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, 10-20% bệnh nhi mô tả các hành vi giống như TIC khởi phát cấp tính, tăng từ 2-3% so với giai đoạn một năm trước đại dịch. Điểm chung của hầu hết những trường hợp này là trẻ em thường xuyên sử dụng điện thoại và đam mê xem ứng dụng TikTok.

Medical News Today đã trích dẫn nhữnng nghiên cứu chỉ ra rằng cho đến nay, nguyên nhân chính xác của các rối loạn liên quan đến TIC vẫn còn là một ẩn số. Mặt khác, các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng một số đột biến gen có thể đóng vai trò trong việc khởi phát các rối loạn liên quan đến TIC. Các hóa chất trong não như serotonin, glutamate và dopamine cũng liên quan đến chứng rối loạn này.

Ngoài ra, một số yếu tố môi trường và sinh học có thể cũng là nguyên nhân gây ra hội chứng này. Ví dụ như những chất gây dị ứng, hóa chất trong các sản phẩm tẩy rửa. Thậm chí cũng có thể bị ảnh hưởng bởi phim ảnh hay trò chơi điện tử. 

Cũng có những nghiên cứu cho rằng rối loạn TIC có tính di truyền, do bất thường về não hoặc chất dẫn truyền thần kinh. Hội chứng TIC cũng có thể đến từ đột quỵ, chấn thương đầu, thoái hóa thần kinh, nhiễm trùng, tế bào gai và bại não.

Nguyên nhân dẫn đến căn bệnh vẫn chỉ là phỏng đoán

Hội chứng TIC có thể chữa trị?

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Vân - Khoa Nhiễm thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1), thông thường cha mẹ khi biết con bị rối loạn TIC đều rất bất ngờ vì chưa nghe đến bệnh này bao giờ. Bệnh này không nguy hiểm nhưng gây mất thẩm mỹ ở trẻ, khiến cha mẹ dễ bị căng thẳng. Trẻ bị rối loạn TIC thường do cha mẹ quá bận rộn, giao trẻ cho ông bà trông hoặc cho trẻ xem TV, Internet, chơi điện tử, chơi máy tính bảng,... vô độ.

Cũng theo bác sĩ Vân, trước đây khi công nghệ chưa phát triển thì bệnh này đã được ghi vào y sử. Tuy nhiên, hiện nay đối với trẻ mắc hội chứng TIC, khi được khuyên ngừng chơi game, xem tivi… thì bệnh cải thiện khá tích cực. Ngoài ra, trẻ bị bệnh nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc bổ và các liệu pháp về tâm lý. Còn đối với trẻ bệnh nặng phải sử dụng thuốc đặc trị thì cha mẹ cần có sự kiên trì, theo sát con cũng như phối hợp với bác sĩ trong quá trình điều trị.