ĐỜI SỐNG

Hơn 1,3 tỷ người trưởng thành sẽ mắc bệnh tiểu đường vào năm 2050

Anh Tuấn • 29-06-2023 • Lượt xem: 678
Hơn 1,3 tỷ người trưởng thành sẽ mắc bệnh tiểu đường vào năm 2050

Số lượng người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, theo nghiên cứu mới vừa được đăng tải trên các tạp chí The Lancet và The Lancet Diabetes & Endocrinology.

Hiện trạng đen tối

Theo đó các nhà khoa học đã ước tính rằng số người mắc bệnh sẽ tăng từ 529 triệu (năm 2021) lên hơn 1,3 tỷ vào năm 2050. Không có quốc gia nào được dự báo là sẽ giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường trong 30 năm tới. Các chuyên gia đã chia sẻ rằng đây là tình trạng rất đáng báo động, và cảnh báo rằng bệnh tiểu đường đang vượt xa hầu hết các bệnh trên toàn cầu, là mối đe dọa đáng kể đối với con người và hệ thống y tế.

Tiến sĩ Shivani Agarwal, thuộc Tổ chức Y tế thế giới cho biết: “Bệnh tiểu đường vẫn là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất trong mọi thời đại, và sẽ ngày càng gia tăng một cách mạnh mẽ trong ba thập kỷ tới ở mọi quốc gia, nhóm tuổi và giới tính. Từ đó đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới,”

Một cách riêng biệt, Liên Hợp Quốc cũng đã dự đoán một cách độc lập rằng vào năm 2050, dân số thế giới sẽ rơi vào khoảng 9,8 tỷ người. Điều đó có nghĩa là từ đây cho đến lúc đó, thì từ 1/7 đến 1/8 số người trên cả hành tinh sẽ phải sống chung với bệnh tiểu đường.

Các học giả cũng cảnh báo rằng: “Bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ chiếm phần lớn trường hợp mắc bệnh. Nó có thể được phòng ngừa và trong một số trường hợp, vẫn có khả năng hồi phục nếu được tầm soát và chữa trị sớm. Tuy nhiên, tất cả các bằng chứng đều đã chỉ ra rằng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường có sự gia tăng là bởi hiện trạng béo phì cũng đang có sự tăng trưởng “phi mã”.

Các tác giả trong hai bài báo cho biết, sự phân biệt mang tính cấu trúc của các nhóm thiểu số và “sự bất bình đẳng về mặt địa lý” cũng sẽ làm gia tăng thêm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường nói riêng và các căn bệnh khác nói chung trên khắp thế giới.

Sự bất bình đẳng trong tiếp cận y tế

Theo đó, những người từ các cộng đồng bị thiệt thòi thì sẽ ít có khả năng tiếp cận với các loại thuốc thiết yếu như insulin và thuốc kiểm soát lượng đường trong máu. Hiện trạng đó sẽ dẫn đến việc giảm chất lượng cuộc sống cũng như tuổi thọ của các bệnh nhân.

Đại dịch Covid-19 vừa qua cũng đã khuếch đại sự bất bình đẳng về bệnh tiểu đường trên toàn cầu. Các tác giả cho biết những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị nhiễm Covid-19 nặng và tử vong cao gấp đôi so với những người không mắc, đặc biệt là ở các nhóm thiểu số: người già, trẻ nhỏ, nhóm người khuyết tật, có bệnh nền cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận lợi ích y tế.

Những cảnh báo này đã cho thấy được tác động tiêu cực nếu chính sách và nhận thức cộng đồng, sự phát triển kinh tế, phương thức tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe… không được thiết lập một cách bình đẳng giữa người với người, giữa các quốc gia, cũng như hiện trạng của sự độc quyền có thể có của các phương án chữa bệnh.

Đồng tác giả Leonard Egede trong các nghiên cứu tại Đại học Y Wisconsin cho biết: “Các chính sách phân biệt đối tượng tiếp cận có khả năng khiến cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chính sách cung ứng thực phẩm đầy đủ và tốt cho sức khỏe… không được đảm bảo. Sự bất bình đẳng trong bệnh tiểu đường nói riêng và các căn bệnh khác nói chung ngày càng gia tăng, dẫn đến  lỗ hổng đáng kể trong việc chăm sóc sức khỏe”.

Tiến sĩ Alisha Wade, là đồng tác giả và phó giáo sư tại Đại học Witwatersrand ở Nam Phi, cho biết: “Điều quan trọng là tác động của các yếu tố kinh tế và xã hội đối với bệnh tiểu đường đang ngày càng được thừa nhận cũng như hiểu rõ, từ đó hình thành thêm các nỗ lực để hạn chế tình trạng tăng trưởng bệnh tiểu đường trên toàn cầu”.

Ông cũng nói thêm: “Chính sách phối hợp hành động giữa các chính phủ để giải quyết sự bất bình đẳng về bệnh tiểu đường cũng như các căn bệnh khác chưa bao giờ cấp bách và cần thiết hơn như ngay lúc này.”

Phương pháp phòng tránh tiểu đường

Tuy vậy có thể phòng tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy” bằng cách thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và trì hoãn việc mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 theo các nội dung sau đây. Điều này không chỉ giúp việc đảm bảo cuộc sống lành mạnh, mà qua thói quen duy trì những hành động tốt cho sức khỏe, ta cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh khác.

Đầu tiên đó là giảm cân và kiểm soát cân nặng. Theo đó, đây là điều quan trọng nhất trong việc phòng ngừa bệnh tiểu đường. Để làm được điều này, ta cần phải có kế hoạch ăn uống lành mạnh, quan trọng là giảm số lượng calo nạp vào mỗi ngày, để cân nặng và thể chất vẫn được duy trì một cách tối ưu.

Để cụ thể hóa điều này, trong chế độ ăn hàng ngày nên bao gồm các khẩu phần ăn nhỏ hơn, ít chất béo hơn và ít đường hơn. Thay vào lượng hụt thực phẩm, ta có thể ăn một cách phong phú nhiều loại thực phẩm từ mỗi nhóm thực phẩm khác nhau, bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây cũng như rau quả. Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn cũng cần được giảm đến mức tối đa

Tập thể dục thường xuyên cũng được coi là phương pháp vô cùng có ích cho sức khỏe, không chỉ giúp ta giảm cân mà còn giúp giảm lượng đường trong máu. Béo phì và lười vận động, cả hai điều này là nguyên nhân chính gây ra tiểu đường tuýp 2, do đó cố gắng vận động thể chất ít nhất 30 phút, 5 ngày một tuần sẽ giúp ta phòng tránh nó.

Ngoài ra những thứ cần tránh là bia, rượu, thuốc lá cũng như các chất kích thích. Trong đó thuốc lá có nhiều thành phần kháng insulin, từ đó có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2.

Và để có những kế hoạch thật rõ ràng hơn, cũng nên nói chuyện và nhận tư vấn với các bác sĩ, nhân viên chăm sóc sức khỏe để đánh giá, xác định… căn bệnh ta đang mắc phải, từ đó có các biện pháp phù hợp để chữa bệnh và ngăn ngừa nguy cơ không đáng có.