Duyên Dáng Việt Nam

Hồn vía Đà Lạt sẽ mất?

Sky • 18-03-2019 • Lượt xem: 939
Hồn vía Đà Lạt sẽ mất?

Nhiều chuyên gia về đô thị cho rằng việc dỡ bỏ khu vực Hòa Bình không chỉ làm mất đi sự nhận diện Đà Lạt quen thuộc hơn trăm năm qua, mà còn mất đi cảnh quan tiêu biểu của Đà Lạt trong ký ức của người dân và du khách. 

Khu Hòa Bình nằm trong một thung lũng của những ngọn đồi nhỏ bao quanh. Tại đây có chợ Đà Lạt, rạp Hòa Bình, chợ đêm... và những con đường tỏa ra nhiều hướng.

Chợ Đà Lạt được xây dựng xong vào năm 1960, là một trong những ngôi chợ đầu tiên có nhiều tầng. Nơi đây trưng bày những sản vật của TP và vùng phụ cận, gồm nhiều loại hoa, trái cây, rau tươi, cà phê, trà, các loại thực phẩm chế biến như trái cây khô, mứt, bánh kẹo, rượu... cùng lâm thổ sản của vùng cao nguyên, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của cộng đồng dân tộc ít người...

Rạp Hòa Bình vốn là chợ cũ đã chuyển đổi chức năng thành rạp chiếu phim và những kiốt bán đồ lưu niệm, trang phục mùa lạnh phục vụ du khách. Chợ đêm Đà Lạt là một thương hiệu thu hút du khách, tạo nên ấn tượng khó quên về TP này.

Quanh chợ Đà Lạt là những tiệm ăn và quán cà phê nổi tiếng từ lâu đã trở nên quen thuộc với người Đà Lạt và du khách. Theo cảnh quan tự nhiên, những đường phố ở đây nhỏ và dốc, có thể thả bộ, đi xe đạp hay xe máy, nhìn ngắm dãy nhà phố kết hợp sinh sống và thương mại dịch vụ quy mô vừa và nhỏ... Có thể coi khu Hòa Bình như một bảo tàng sống động về văn hóa và con người Đà Lạt.

Với bản đồ án “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng” sẽ biến khu Hòa Bình trở thành khu cao tầng thương mại phức hợp, phá bỏ rạp Hòa Bình thay bằng cụm trung tâm thương mại, mở rộng các con đường và thêm nhiều tuyến đường mới vào khu trung tâm cho các phương tiện giao thông tiếp cận, di dời tòa biệt thự cổ dinh tỉnh trưởng để xây cụm khách sạn mái tròn cao tầng... Bằng sự thay đổi cảnh quan “hiện đại” như vậy, giá trị văn hóa, lịch sử của trung tâm Đà Lạt cũng không còn nữa.