Ở một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, kinh nguyệt từ lâu trở thành điều cấm kị, với rất nhiều thiếu nữ bị trục xuất khỏi cộng đồng của họ chỉ vì nét đặc trưng sinh học cố hữu.
Nữ nghệ sĩ Elizabeth Dalziel đến Congo để thực hiện series ảnh xúc động về ‘The Girls Club’, nhóm hoạt động xã hội đặc biệt đang nỗ lực thay đổi lề thói nguy hiểm này.
Tại Congo, rắc rối có thể đến từ đủ mọi ngóc ngách đời sống. Núi lửa phun trào xảy ra hằng thế kỉ, cơn khủng hoảng dịch Ebola liên tục tái diễn sau vài năm. Bên cạnh đó, chiến tranh, xung đột vũ trang căng thẳng đang ‘bào mòn’ một đất nước Trung Phi giàu tài nguyên nhưng lại hứng chịu không ít nỗi bấp bênh.
Thế nhưng, đối với phân nửa dân số nơi đây, khó khăn tìm tới thường trực mỗi tháng, khi hủ tục kỳ thị lạc hậu khiến hàng triệu phụ nữ, thiếu nữ bị buộc tội ‘không trong sạch’ trong những ngày ’đèn đỏ’.
Văn hóa Trung Phi từ lâu đã gắn mác ‘kinh nguyệt’ như một biểu hiện tội lỗi hay ‘vết nhơ’. Ở Goma, thuộc miền đông Congo, sự kỳ thị phụ nữ khi họ trải qua giai đoạn kinh nguyệt càng nặng nề hơn. Đến mức, một phụ nữ có thể bị xa lánh bởi toàn bộ cộng đồng. Họ không thể đi lấy nước tiêu dùng ở một địa điểm công cộng, không thể sử dụng nhà vệ sinh công cộng.
Một thiếu nữ thậm chí phải đối mặt với việc bị cả gia đình tránh né, không thể chuẩn bị bữa ăn, đến trường hay cầu nguyện cùng người thân.
Theo đức tin truyền thống, người phụ nữ vào những ngày nhạy cảm này bị xem là một ‘điềm gỡ’, biểu thị sự ‘ô uế’. Trong quá khứ, giẻ lau – đôi khi cả rơm khô – được tận dụng cho mục đích vệ sinh cá nhân. Nhiều bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu, vì thế, trở thành nỗi ám ảnh thường nhật của phụ nữ Congo.
Tuy nhiên hiện tại, bên trong một nhà gỗ nhỏ tại thành phố Goma, đang có một nhóm những cô gái trẻ tụ họp dưới hình thức câu lạc bộ hoạt động xã hội, nhằm nỗ lực thay đổi thứ tư duy kỳ thị về kinh nguyệt. Nhóm của họ mang tên ‘The Girls Club’.
“Trong rất nhiều gia đình quanh khu vực chúng tôi sống, chúng tôi không nói về ‘nó’ – nó vẫn là chủ đề cấm kị”, Chimene, 19 tuổi, chia sẻ. Cô trò chuyện cùng nữ nhiếp ảnh gia Elizabeth Dalziel khi đứng trước lối vào của ‘The Girls Club’, mặc chiếc áo thun hồng in nổi bật từ ‘LOVE’. “Tại nhà, mọi người không bao giờ trực tiếp nhắc đến đề tài ‘kinh nguyệt’. Và băng vệ sinh phụ nữ, ở những nơi có thể tìm mua, được gọi là ‘bánh quy’”.
Đến với The Girls Club, nhiều thiếu nữ như Chimene được giảng dạy những kiến thức cần thiết về sức khỏe phụ nữ, cũng như cách để làm ra những chiếc băng vệ sinh có thể tái sử dụng và mang bán.
Tổ chức bảo trợ nhân quyền quốc tế Mercy Corps (trụ sở chính tại bang Oregon, Mỹ), đơn vị đứng sau dự án, đến nay đã quy động xây dựng 10 xưởng thủ công tương tự nằm trong khu vực thành phố Goma, và 6 xưởng khác ở phía đông hồ Kivu thuộc miền đông Congo.
Băng vệ sinh phụ nữ được bày bán thương mại có thể tiêu tốn 2-3 USD mỗi tháng ở Congo, một quốc gia vốn thu nhập bình quân mỗi gia đình chưa đến 1.5 USD một ngày.
Loại băng vệ sinh có thể tái sử dụng sản xuất bởi The Girls Club, làm từ vải mềm kèm trang trí họa tiết đáng yêu, được bán với giá 2.4 USD cho mỗi gói, nhưng có thể giặt sạch và dùng tiếp trong nhiều tháng.
Trừ đi chi phí nguyên liệu, mỗi gói sản phẩm giúp nhóm phụ nữ trẻ sinh hoạt tại đây có thêm gần 1 USD lợi nhuận. Làm càng nhiều, họ càng có cơ hội kiếm thêm chi phí trang trải cuộc sống.
The Girls Club đã và đang đem lại không ít đổi thay tích cực cho đời sống những cô gái trẻ tại Goma. Chimene, chẳng hạn, giờ đây đã mạnh dạn thảo luận về chủ đề ‘ngày đèn đỏ’.
Cô làm nên sản phẩm vệ sinh vốn không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe bản thân, mà còn giúp ích cho mẹ và chị gái. Cô hy vọng, sự kỳ thị nhắm vào phụ nữ và kinh nguyệt có thể dần được xóa bỏ.
Dẫu vậy, khi đối diện ống kính máy ảnh, Chimene vẫn muốn giấu mặt. Một số tư tưởng thành kiến vẫn đang ‘cắm rễ’ rất sâu.