VĂN HÓA

Huỳnh Phan Anh, từ 'kinh nghiệm hư vô' đến 'một mùa địa ngục' (1)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 01-09-2020 • Lượt xem: 3989
Huỳnh Phan Anh, từ 'kinh nghiệm hư vô' đến 'một mùa địa ngục' (1)

Nhà văn, dịch giả Huỳnh Phan Anh qua đời lúc 16h45 ngày 30-8 tại California - Hoa Kỳ (tức 6h45 sáng 31-8, giờ Việt Nam) hưởng thọ 81 tuổi. Ông là một nhà văn có bút pháp riêng và đặc biệt là một dịch giả nổi tiếng với rất nhiều tác phẩm được bạn đọc hâm mộ, tiêu biểu như Chuông gọi hồn ai (Ernest Hemingway), Tình yêu bên vực thẳm (Erich Maria Remarque), Sa mạc (Le Clézio), Lạc lối về (Heinrich Boll), Cỏ (Claude Simon)... Nhưng ít người biết, ông chính là người nặng nợ nhất với thi ca. DDVN giới thiệu bài viết về ông của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Tin và bài liên quan:
Phan Huy Đường, Người tư duy tự do
Nguyễn Huy Thiệp, thời đẹp nhất đã qua 
Trần Vũ - Phép lạ của văn chương 

Tôi biết tin nhà văn - dịch giả Huỳnh Phan Anh mất rất ngỡ ngàng và thật buồn vào buổi chiều đầu tuần ngày cuối tháng 8. Có tâm trạng đó vì đã lâu không biết, không nghe tin tức gì của ông. Tạm biệt Sài Gòn, ông đã chìm vào nước Mỹ không hoài vọng. Ông hoàn toàn im lặng không viết lách gì hết. Lần cuối tôi được gặp ông quay đi ngoảnh lại đã hơn 15 năm. Chính xác là trung tuần tháng 3.2005. Lần đó, biết tin ông nhập viện đột ngột vì chứng bệnh tim, tôi cùng một vài anh em văn nghệ buổi trưa đã vào thăm ông ở bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh viện chật, người đông nằm tràn ra hành lang. Nhận ra tôi, nhà văn rất vui. Ông mặt chiếc áo sơ mi cũ, chìa bàn tay ốm, lòi khuỷu cùi chỏ xương xương ra bắt.

Tôi nhớ kỹ việc này vì sau đó tôi có viết một bản tin lượt thuật ngắn về bệnh tình của ông trên chuyên mục "Shop văn nghệ" của báo Thanh Niên. Tôi đã nhắc đến ông qua hình tượng “trái tim Arthur Rimbaud” đang bị ốm.

Nhà văn, dịch giả Huỳnh Phan Anh (1940 - 2020). Ký họa của họa sĩ Đinh Trường Chinh. 

Huỳnh Phan Anh là một nhà văn phong cách, một dịch giả tên tuổi nhưng ẩn mình, khiêm tốn. Trong ký ức tôi khi nhớ về, không có một hình ảnh nào ông tỏ vẻ đạo mạo, ăn nói vung vít như những tay "nghệ sĩ" chữ nghĩa "nửa mùa" mà tôi từng thấy. Ông hiện thân như mẫu hình của  một trí thức nghiêm cẩn. Nhìn kỹ còn có vẻ khắc khổ. Lúc nào cũng trầm tư như đang bị bao vây bởi những băn khoăn về câu cú, chữ nghĩa. Thật lạ lùng khi biết ông sinh ra và lớn lên ở Bình Dương, một xứ trong lịch sử nổi tiếng về người đẹp và lục lâm thảo khấu hơn là triết lý khả kính. Vậy nhưng, qua trang viết, ông đã bộc lộ là kẻ có kinh nghiệm về “cái trống rỗng của sự có mặt” khá là sớm. Cuốn “Văn chương với kinh nghiệm hư vô” ông xuất bản lần đầu năm 28 tuổi. Hơn 40 năm sau tôi tìm đọc vẫn thấy nhiều suy tư triết lý mới mẻ.

Huỳnh Phan Anh tốt nghiệp Đại học ở Đà Lạt và sau này đi dạy học. Các học trò từng học ông đều kính nể và sợ thầy một phép. Từ lúc vào trường học thầy mới mười mấy tuổi cho đến sau này tóc hoa râm rồi cũng sợ, cũng kính thầy vậy! Có câu chuyện kể về tính cách dịch giả cũng như cách ông xử thế "thầy trò" tôi nghe kể lại như sau. Trong cuộc uống ở quán quen Sài Gòn, ông có tình cờ gặp lại một người học trò của mình. Anh này “võ vẽ viết văn” đã in vài cuốn nhưng ít người biết bởi không tạo được ấn tượng gì trên văn đàn. Tuy vậy, anh hay tự đề cao mình và cao giọng hàm hỗn, phách lối. Có một chuyện đáng ngạc nhiên, từ cổ chí kim chẳng ai dám làm đó là anh học trò này đã "đạo" nguyên một truyện ngắn của người khác viết để gắn tên mình vào. Khi việc này bị phát hiện, dư luận phản ứng thì thật kỳ quái anh nhà văn đã ngụy tín rằng, tại mình quên chứ hoàn toàn không cố tình! Đại loại là “Tôi có muốn đạo truyện của ai đâu! Nếu có thì nguyên do là vì truyện hay quá tôi đọc mà nhập tâm, nên nghĩ luôn là mình viết (!). Bây giờ hóa ra không phải tôi viết thì... tôi xin lỗi! Có gì làm to chuyện như vậy!” (?).

Ai nghe anh ta "thuyết" cũng đều tỏ vẻ khó chịu nhưng không làm gì được! Thật không may cho y lại là học trò của Huỳnh Phan Anh. Đúng cuộc rượu hôm ấy, sau vài tuần rượu vào lời ra, ông kêu y đứng dậy và tát luôn hai cái trời giáng, và đuổi thẳng ra bàn. “Anh hỗn láo! Anh đi đi đừng bao giờ gặp tôi nữa! Tôi không dạy thứ học trò nào vô đạo như vậy…”.

Anh nhà văn bất ngờ bị tát đau quá, ôm má, nước mắt ứa ra dàn dụa, nhưng vẫn không dám đi, đứng im, khóc thút thít, chấp hai tay vòng trước ngực, lí nhí xin lỗi thầy bỏ qua.

***

Nhà văn dịch giả Huỳnh Phan Anh (trái) và nhà thơ Phạm Chu Sa gặp nhau tại Mỹ. 

Huỳnh Phan Anh dịch nhiều nhưng tôi thấy hình như ông tâm đắc với thơ hơn cả. Và với thơ dịch những ai từng yêu nghệ thuật, viết lách thì đều biết sự khó của nó. Vậy mà ông lại chọn "đỉnh" của sự khó. Đó là ông dịch Arthur Rimbaud, thi sĩ sáng lập trường phái thơ tượng trưng - Symbolisme, là nhà thơ có ảnh hưởng lớn tới văn học và nghệ thuật hiện đại. Nói về cuộc đời của thi sĩ "Một mùa địa ngục' này chắc phải tóm tắc đôi dòng.

Theo nhiều tư liệu, năm 1869 thi đàn Pháp lần đầu tiên xuất hiện ba bài thơ viết bằng tiếng Latin là "Xuân đã về" (Ver erat), "Thiên thần và đứa bé" (L’Ange et l’enfant) và "Jugurtha" (Jugurtha). Bài thơ "Jugurtha" ngay lập tức được tặng giải nhất trong một cuộc thi thơ. Đánh dấu gương mặt thơ mới Rimbaud. 

Nhưng phải một năm sau đó, 1870, lên 16 tuổi Rimbaud mới liên tục cho in những bài thơ đầu tiên bằng tiếng Pháp, sau đó ông đi du lịch lên miền bắc nước Pháp và Bỉ. Tại kinh đô ánh sáng Paris, Arthur Rimbaud đã gặp, làm quen và trở thành người yêu của Paul Verlaine, làm xôn xao dư luận giới văn nghệ lúc bấy giờ. Theo nhiều nghiên cứu, Rimbaud giai đoạn này đã tham gia Công xã Paris.

Năm 1872, Verlaine bỏ gia đình cùng Rimbaud đi sang London. Khi trở về Bỉ, hai người cãi nhau, Verlaine dùng súng lục bắn Rimbaud bị thương phải vào tù 2 năm, còn Rimbaud trở về quê Charleville.

"Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine / Hai chàng thi sĩ choáng hơi men" - (Thơ Xuân Diệu) 

Kể từ đây cuộc đời của Rimbaud sang một trang mới, ông bỏ làm thơ hẳn và đi chu du hầu như khắp thế giới. Năm 1875 sang Đức, hết tiền phải đi bộ sang Milan (Ý), sau đó ốm nặng phải quay về Pháp. Năm 1876 sang Áo, bị trục xuất, ông quay sang Hà Lan tham gia đội quân lê dương đi sang Indonesia. Ba tuần sau theo tàu chiến Anh trở về quê, sau đó sang Đức, Đan Mạch, Thuỵ Sĩ… Từ năm 1880 ông sang các nước châu Phi (Ai Cập, Ethiopia, Yemen) buôn súng, buôn cà phê và da thú. Tháng 2 năm 1891 bị bệnh ung thư phải quay trở về Pháp, đến tháng 10 ông qua đời ở Marseille vào tuổi 37.

Cặp đôi đồng tính này đã nổi tiếng ở Việt Nam qua câu thơ thi sĩ Xuân Diệu: "Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine / Hai chàng thi sĩ choáng hơi men / Say thơ xa lạ, mê tình bạn / Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen" và câu kết "Thây kệ thiên đường và địa ngục / Không hề mặc cả, họ yêu nhau". 


Tác phẩm "Rimbaud toàn tập" do nhà văn dịch giả Huỳnh Phan Anh dịch. 

Huỳnh Phan Anh cho đến nay vẫn là người duy nhất dịch đầy đủ các tác phẩm của Rimbaud. Đó là tập "Một mùa địa ngục" (Nxb văn học 1997) và "Rimbaud Toàn tập" (Nxb Văn Nghệ 2006). Thật cảm động khi đọc lại những dòng tự sự của dịch giả "giữa chừng" công việc chuyển ngữ đau ốm, tưởng bỏ dở công việc, ông lo lắng:

"Rimbaud Toàn tập là ước mơ từ lâu, dầu biết công trình không đơn giản khi mà lẽ ra nó phải là công trình tập thể, càng không đơn giản khi bịnh ập đến giữa ngổn ngang những trang bản thảo, tưởng chừng là một kết thúc sớm, không riêng gì cho số phận cuốn sách...". 
Nhưng bài thơ hay nhất của ông dịch theo tôi là bài "Con tàu say" (Le bateau ivre) với những câu: "Nơi bất chợt nhuốm xanh, những mê cuồng / Và nhịp chậm dưới ánh sáng đỏ lựng / Mạnh hơn rượu, bát ngát hơn cung đàn / Sục sôi màu đỏ tình yêu cay đắng...". 

Chân dung nhà văn, dịch giả ngày còn ở Sài Gòn. 

Nhưng tại sao Huỳnh Phan Anh lại nặng lòng với một thi sĩ Pháp cổ điển  Arthur Rimbaud, người đã đến và giã từ cuộc đời này thấp thoáng hai thế kỷ? Như thế liệu ông có làm công việc quay ngược thời đại khá điên rồ - như "Một mùa địa ngục", và; ngay chính sự việc đó không là chỉ dấu cho thấy sự suy đồi về thơ hay sao?...

(Còn tiếp)

Sài Gòn, Tòa soạn DDVN 1.9.2020

Nguyễn Hữu Hồng Minh