VĂN HÓA

Nguyễn Huy Thiệp, thời đẹp nhất đã qua (Kỳ II)

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 13-03-2020 • Lượt xem: 2692
Nguyễn Huy Thiệp, thời đẹp nhất đã qua (Kỳ II)

Đã thành một thói quen ra Bắc, ra Hà Nội thế nào cũng hẹn hò với anh Thiệp, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Cũng như anh vào Nam, vô Sài Gòn anh nhắn cho tôi. Tôi có những kỷ niệm với anh và nhà thơ Bảo Sinh đẹp vô cùng cho đời viết. Khi gần các anh ấy được thấy kinh nghiệm sống tưng bừng, cuồn cuộn chảy. Những điều các anh ấy viết như chưa thấm tháp vào đâu cả. Cuộc đời tơi mở hơn nhiều. Mà viết lách sáng tạo chưa bao giờ dễ dàng. Như anh Thiệp nói "Văn chương là thứ gần với Đạo nhất", "Nhà văn phải cố gắng đến từng chữ..."

Nguyễn Huy Thiệp, thời đẹp nhất đã qua (Kỳ I)

Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có khả năng gọi chữ từ dưới huyệt mộ bỗng sống dậy. Ý tôi muốn nói đó là chữ xưa, chuyện cũ qua anh bỗng tươi mới, tưng bừng ngữ nghĩa. Bạn thử đọc lại những truyện ngắn "Phẩm tiết", Vàng và lửa", "Không có vua". Anh viết những truyện hư hồ, trói gô lại như một con lợn chọc tiết vào cổ", "đè ngửa ra nhét cứt vào miệng" nghe không dung tục mà lại ghê rợn thế nào! Sự tàn ác của con người là không có giới hạn. Ghê thật! Phải chăng xã hội Việt Nam hôm nay cũng là một hệ quả tất yếu của sự tàn ác, tàn phá, tàn bạo không luân lý đạo đức ấy?

Còn những truyện hiện đại anh viết cách đây ba, bốn thập kỷ đọc lại thấy mới rợi, kinh hoàng không cũ gì cả. Như "Tướng về hưu" chẳng hạn! Bác sĩ lấy thai nhi nạo thai về nuôi chó! "Đường ra trận mùa này đẹp lắm". Dửng dưng như không! Nhiều nhà phê bình móc máy cái Tâm của Nguyễn Huy Thiệp ác nên viết ra điều gì cũng ác kể ra cũng có cơ sở. Có điều một nhà văn chọn nghiệp viết mà thờ mà hành đạo

Anh Thiệp là người giỏi che giấu cảm xúc của mình. Khi đối diện với người khác, bạn không thể dò đoán biết anh nghĩ gì! Cái này không chỉ là một năng khiếu mà còn là một thủ thuật tập luyện thượng thừa. Một lần anh nói với tôi: -"Những năm tháng sống và dạy học ở miền núi, bà con dân tộc dạy cho tôi sự trung thực. Nhưng sau về Hà Nội tôi phải tập nói dối và đã nói dối được như thật!". Thật quái đản và lạ lùng!

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và họa sĩ, nhà thơ Huỳnh Lê Nhật Tấn (Ảnh: Đông Dương)

Trong một bài viết về anh Thiệp tôi từng đưa ra các nhận xét:

"Nguyễn Huy Thiệp cho đến nay, theo tôi vẫn ở vị trí số một về truyện ngắn. Vẫn chưa ai có đủ bản lĩnh và bút pháp để so sánh với anh. Những truyện như “Tướng về hưu”, “Những bài học nông thôn”, “Kiếm sắc”, “Những người thợ xẻ”, “Vàng và lửa”, “Con gái thủy thần”… vẫn rừng rực một nỗi niềm tha hóa, chán chường, u mê, điên dại.

Thì vậy, nhà văn nếu có ra sàn, có nhảy giỏi thì cũng lẫn vào muôn ngàn vũ sư vũ công khác. Còn nhảy trong văn chương mới đích thực là chính anh. Nguyễn Huy Thiệp “nhảy” hay nhất vẫn trong những truyện ngắn của mình. Sẽ khó tìm ra một cao thủ nào có thể “soán ngôi” của anh cả.

Nhảy như “Kiếm sắc”. Như “Trò chuyện của hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn”, Thiệp đã làm rùng mình nhiều người vì những bước phăng-tê-di độc đáo mà ai cũng biết, cũng nhìn thấy nhưng không thể chỉ ra được:
"Nhìn vào danh sách 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều... "vô học", tự phát mà thành danh. Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào "cảm hứng" để tùy tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả...".

Và nhảy đẹp trong nhiều tác phẩm khác nữa:

- “Chúng ta sinh ra và sống trong một không khí sát nhân”.

“Ờ trong chợ văn chương hạng đầu gấu có đầy. Chúng có thể cầm đủ loại cờ nhưng bi kịch là không ai tập hợp dưới cờ của chúng. Không ai nghe lời chúng mặc dù chúng nguy hiểm. Tôi với ông khác chúng, chúng ta đã trở nên sạch sẽ. Chúng ta đã qua cái thời lê la ngoài chợ”.

“Nghề văn chương, chính trị với cả tôn giáo - bản chất đích thực của nó là hàm hồ. Lời lẽ hàm hồ. Nghệ thuật ở chỗ làm sao buộc cho đám đông thừa nhận sự hàm hồ. Người nào làm được như thế người ấy thắng!...”

- “Cả xã hội đi xuôi, cả một nền văn học đi xuôi. Chỉ có mỗi hắn là làm ngược lại, đi ngược lại... và thế là hắn sẽ rơi vào tầm ngắm của những tay đi săn tư tưởng thực thụ…” .

Để đúc kết nghề văn là gì chỉ trong một bước nhảy:

- "Tôi đã sống như một con thú"

“Sự trung bình trong nghệ thuật đông đúc và mẫn cán đến mức đôi khi giết chết nghệ thuật”.

Và chữ nghĩa, đôi khi thật giả dối, thật oái ăm, không còn cách nào khác: “Công việc của chúng ta là một công việc bẩn thỉu nhưng cao thượng” (Khi Nguyễn Huy Thiệp nhảy đầm). 

Cà phê ngã sáu Phù Đổng Sài Gòn. Từ trái sang:  Tác giả, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhà thơ Bảo Sinh (Ảnh: Nguyệt Phạm)  

***

Cách đây mấy năm, anh hay cùng anh Nguyễn Bảo Sinh vào Sài Gòn nhàn tản như đi chơi. Nhưng thật ra không phải thế! Anh Thiệp sức khỏe không tốt, rất ngại đi xa và chỉ muốn quẩn quanh ở Hà Nội. Cái Hà Nội với đời sống thị dân bợm bãi, mất dạy và khốn nạn mà chúng ta đã đọc thấy trên mỗi trang văn của Nguyễn Huy Thiệp. Trong "Con gái thủy thần", "Tướng về hưu", "Không có vua"... và nhiều truyện khác. Vậy anh phải vào Sài Gòn làm gì? Anh đi khám bệnh tim.

Anh Thiệp có một niềm tin lạ lùng rằng chỉ có 1 bác sĩ hiều trái tim anh đang bị gì? Cần phải chữa như thế nào? Và vị cứu tinh ấy đang sống ở Sài Gòn. Đó là một điều rất kỳ lạ của một nhà văn. Anh làm đau tim rất nhiều người vì những truyện ngắn của mình để rốt cuộc bệnh tim của anh chỉ một người cứu được. Ít ra là anh đã từng nghĩ như thế! Tại sao tôi biết chuyện đó? Chỉ là một việc tình cờ....

Nguyễn Huy Thiệp trong quán cà phê Nhân - Phố cổ Hà Nội, 8.2019 (Ảnh: Nguyễn Hữu Hồng Minh) 

Một tối cách đây chừng mười năm anh Thiệp gọi cho tôi, giọng rất mệt mỏi: -"Minh ơi, tôi nhờ một việc. Minh gọi lại giúp số điện thoại mà tôi sẽ gửi này đề báo tin giúp cho là sáng mai tôi bay vào Sài Gòn! Buổi chiều tôi sẽ đến chỗ anh ấy để khám. Gần đây thỉnh thoảng tôi thấy khó thở như có cái gì chèn lên ngực...". Tôi đang ngạc nhiên vì chưa bao giờ anh nghe anh Thiệp nói về sức khỏe của mình rõ như lúc này. Anh Thiệp nói luôn: -"Tôi có vấn đề về tim Minh ạ! Tôi cũng tìm cách chữa trị nhiều nhưng hình như bệnh của tôi ông bác sĩ này hiểu rõ nhất...".

Câu chuyện tình cờ được hé lộ như vậy! Và thật, những chuyến "nhàn du" ngỡ du thú, vui chơi ấy của anh Nguyễn Huy Thiệp và anh Bảo Sinh hóa ra là hai ông bạn già một công đôi việc, vừa đi vào Sài Gòn chơi vừa đi khám bệnh với nhau. Cái chữ "nhàn du" mà tôi từng viết là không "nhàn du" chút nào ở trên được mở ra như vậy đấy! Thật xúc động khi tôi nhớ ra có thời gian hai anh cùng nhau vào chung rất nhiều lần trong năm. Một lần tôi còn mời cả hai anh đi ăn phở gà trên phố Thủ Khoa Huân mà anh Bảo Sinh khen ngon lắm! Sau lại kéo nhau về khách sạn trên đường Lý Tự Trọng nói chuyện. Một lần khác chúng tôi còn tìm được một quán cà phê thú vị ngay ngã sáu Phù Đổng giữa chiều Sài Gòn tấp nập xe cộ qua lại. Tôi không biết những kỷ niệm đẹp như thế sau này có tái hiện lại trong văn anh Thiệp không nhưng khi tôi viết dòng này về anh đã nhớ lại một thời tươi đẹp đã qua ấy...

Thủ bút, chữ ký và con dấu triện của nhà văn Nguyễn Huy Thiêp trên một tác phẩm

***

Trở lại câu chuyện ngỡ như khá tình cờ. Bắt đầu một buổi tối từ Hà Nội anh Thiệp gọi tôi, nhờ liên lạc trước với một số máy lạ. Chuẩn bị cho chuyến bay sáng mai anh sẽ vào Sài Gòn cùng với trái tim trục trặc, có vấn đề của anh ấy!...

Vừa ngưng nói chuyện với anh Thiệp, tôi bấm số gọi ngay...

(Xem tiếp phần 3)