Duyên Dáng Việt Nam

Indonesia nhận 1,2 triệu liều vắc xin Trung Quốc khi số ca mắc và chết do COVID-19 cao nhất Đông Nam Á

DDVN • 07-12-2020 • Lượt xem: 430
Indonesia nhận 1,2 triệu liều vắc xin Trung Quốc khi số ca mắc và chết do COVID-19 cao nhất Đông Nam Á

Tổng thống Joko Widodo cho biết Indonesia đã nhận lô hàng vắc xin COVID-19 đầu tiên từ Trung Quốc hôm 6.12 khi chính phủ nước này chuẩn bị triển khai chương trình tiêm chủng hàng loạt.

Ông Joko Widodo cho biết trong cuộc họp trực tuyến rằng Indonesia đã nhận được 1,2 triệu liều vắc xin COVID-19 mang tên CoronaVac từ Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sinovac Biotech của Trung Quốc. Đây là loại vắc xin mà Indonesia đã thử nghiệm từ tháng 8.

Ông Doãn Vệ Đông, Chủ tịch Sinovac Biotech cho biết công ty này đã thử nghiệm 7 phương pháp tiêm chủng khác nhau, cuối cùng nhận thấy hướng nghiên cứu vắc xin bất hoạt là tốt nhất. Ông này khoe vắc xin CoronaVac có thể "chống lại tất cả chủng vi rút SARS-Cov-2 trên thế giới" và Sinovac đủ sức sản xuất 300 triệu liều mỗi năm, đến đầu năm 2021 có đủ vắc xin tiêm chủng đại trà cho người dân.

Tổng thống Joko Widodo cho hay Chính phủ Indonesia có kế hoạch nhận thêm 1,8 triệu liều vắc xin COVID-19 vào đầu tháng 1.2021.

Các thử nghiệm giai đoạn cuối của CoronaVac cũng đang được tiến hành ở Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, với kết quả tạm thời về hiệu quả từ Brazil dự kiến có ​​vào giữa tháng 12.

Indonesia dự kiến ​​trong tháng này sẽ nhận được các lô hàng nguyên liệu để sản xuất 15 triệu liều vắc xin COVID-19 và thêm nguyên liệu cho 30 triệu liều vào tháng 1.2021, Tổng thống Joko Widodo cho biết.

Ông Joko Widodo nói vắc xin này vẫn cần được đánh giá bởi Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) trong khi chính quyền của ông tiếp tục chuẩn bị cho việc phân phối trên toàn quần đảo rộng lớn với 270 triệu dân.

Chúng tôi đã chuẩn bị hàng tháng trời thông qua các cuộc mô phỏng ở một số tỉnh và tôi chắc chắn rằng một khi chúng tôi quyết định có thể bắt đầu tiêm chủng thì mọi thứ sẽ sẵn sàng”, Tổng thống Indonesia khẳng định.

Tổng thống Joko Widodo nói  Indonesia đã nhận lô hàng vắc xin COVID-19 đầu tiên từ Trung Quốc - ảnh: Reuters

Số ca nhiễm coronavirus hàng ngày của Indonesia tăng nhanh trong những tuần gần đây. Hiện Indonesia ghi nhận 575.796 ca mắc COVID-19 với 17.740 người tử vong, cao nhất Đông Nam Á.

Hôm 6.12, vụ việc rúng động xảy ra ở Indonesia khi Cơ quan chống tham nhũng bắt giữ Bộ trưởng các vấn đề xã hội - Juliari Batubara và 4 người khác vì bị cáo buộc đút túi 1,03 triệu USD khi được giao nhiệm vụ phát hàng cứu trợ COVID-19 cho dân nghèo.

Trước đó, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố các quan chức đã ăn chặn và bòn rút công quỹ sẽ bị trừng trị. Ông Juliari Batubara là bộ trưởng thứ hai của Indonesia bị bắt vì cáo buộc tham nhũng trong thời gian chưa đầy 1 tháng qua.

Tổng thống Brazil chặn mua vắc xin Sinovac Biotech, nói không tiêm

Hôm 20.10, Tổng thống Jair Bolsonaro nói Brazil sẽ không mua vắc xin Trung Quốc. Lời này được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ Y tế Brazil tuyên bố đưa vắc xin COVID-19 do Sinovac Biotech sản xuất vào chương trình tiêm chủng quốc gia.

"Chắc chắn là chúng tôi sẽ không mua vắc xin Trung Quốc", ông Bolsonaro viết trên mạng xã hội để trả lời một người bày tỏ quan điểm thúc giục ông không mua vắc xin của Sinovac.

"Người dân Brazil không phải là chuột lang thí nghiệm cho bất kỳ ai... Đó là lý do tại sao tôi quyết định không mua vắc xin của Trung Quốc", Tổng thống Jair Bolsonaro lý giải.

Ông Bolsonaro viết điều này sau khi đối mặt áp lực từ các chính trị gia ủng hộ đường lối cứng rắn chống lại vắc xin CoronaVac.

Trong buổi họp báo sau đó, Tổng thống Bolsonaro tuyên bố đã hủy hợp đồng do Bộ trưởng Y tế - Eduardo Pazuello công bố hôm 19.10 để mua 46 triệu liều vắc xin CoronaVac, phục vụ chương trình tiêm chủng cho người dân dự kiến từ tháng 1.2021.

Dưới thời Tổng thống Bolsonaro, Brazil có mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc và ông mỉa mai CoronaVac là “vắc xin từ nước khác".

Thay vào đó, ông Bolsonaro xúc tiến kế hoạch mua vắc xin do hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford của Anh phát triển.

Tối 26.11, Tổng thống Jair Bolsonaro cho biết sẽ không tiêm vắc xin COVID-19. Trong tuyên bố được phát trực tiếp trên nhiều nền tảng truyền thông xã hội, nhà lãnh đạo cánh hữu nói thêm rằng Quốc hội không có khả năng yêu cầu người Brazil tiêm vắc xin.

Brazil có số ca tử vong do coronavirus cao thứ hai trên thế giới sau Mỹ và ông Jair Bolsonaro trong nhiều tháng đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch tương tự Trump dù từng nhiễm coronavirus vào tháng 7.

Hiện Brazil ghi nhận 6.577.177 triệu ca mắc COVID-19 với hơn 176.641 người chết.

“Tôi đang nói với bạn, tôi sẽ không tiêm nó. Đó là quyền của tôi”, ông Jair Bolsonaro nói.

Jair Bolsonaro cũng bày tỏ sự hoài nghi về hiệu quả của việc đeo khẩu trang trong chương trình phát sóng, ngụ ý rằng có rất ít bằng chứng thuyết phục về khẩu trang trong việc ngăn chặn sự lây truyền coronavirus.

Tổng thống Jair Bolsonaro đã nhiều lần nói rằng người Brazil sẽ không bắt buộc phải tiêm phòng khi vắc xin COVID-19 được phổ biến rộng rãi. Vào tháng 10, ông đùa cợt trên Twitter rằng chỉ cần tiêm phòng cho con chó của mình.

Tổng thống Jair Bolsonaro nói tiêm vắc xin COVID-19 hay không là quyền cá nhân ông và người Brazil

Hôm 23.11, AstraZeneca cho biết vắc xin của họ có thể đạt hiệu quả khoảng 90% trong ngăn ngừa COVID-19 mà không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Theo dữ liệu từ các thử nghiệm giai đoạn cuối ở Anh và Brazil, vắc xin do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển có hiệu quả 90% trong việc ngăn ngừa COVID-19 khi tiêm nửa liều, sau đó là tiêm một liều đầy đủ cách nhau ít nhất 1 tháng.

Không có ảnh hưởng nghiêm trọng nào do vắc xin COVID-19 này. Vắc xin được dung nạp tốt trên cả hai lần tiêm.

Pascal Soriot, Giám đốc điều hành của Astra, tuyên bố: “Tính hiệu quả và an toàn của vắc xin này xác nhận rằng nó sẽ có hiệu quả cao chống lại COVID-19 và sẽ có tác động tức thì đến tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng này”.

AstraZeneca sẽ có 200 triệu liều vào cuối năm 2020, với 700 triệu liều sẵn sàng trên toàn cầu vào cuối quý 1/2021.

Hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 của vắc xin phụ thuộc vào liều lượng và chỉ còn 62% khi tiêm hai liều đầy đủ cách nhau 1 tháng. Thế nhưng, các nhà khoa học nói không nên coi đây là bằng chứng cho thấy nó sẽ kém hiệu quả hơn so với vắc xin của Pfizer và Moderna, có thể ngăn ngừa trên 94% trường hợp theo dữ liệu tạm thời từ các thử nghiệm giai đoạn cuối của họ.

Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca có thể được phân phối dễ dàng hơn vì được giữ ở nhiệt độ tủ lạnh, không như vắc xin của Pfizer và Moderna phải được bảo quản đông lạnh. Điều đó sẽ làm cho vắc xin AstraZeneca dễ dàng hơn trong việc vận chuyển và lưu trữ trên toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

(Theo MTG)