Duyên Dáng Việt Nam

Khám phá các lễ hội văn hóa nổi bật và thú vị tại Hàn Quốc

Quyên Hà • 12-07-2020 • Lượt xem: 1198
Khám phá các lễ hội văn hóa nổi bật và thú vị tại Hàn Quốc

Văn hóa vùng miền giàu truyền thống của Hàn Quốc được biểu hiện rõ nhất qua các lễ hội địa phương. Những du khách đam mê khám phá mong muốn tìm hiểu rõ hơn về văn hóa Hàn Quốc sẽ có cơ hội trải nghiệm cuộc sống bản địa đích thực khi tham gi những lễ hội này. Hãy cùng khám phá 7 lễ hội nổi tiếng và độc đáo nhất của “Xứ sở kim-chi”. 

Seoul Dance Festival - Lễ hội khiêu vũ Seoul

Thời gian: Ngày 17.10 – 20.11 hàng năm

Địa điểm: Nhà hát nghệ thuật Arko, Trung tâm nghệ thuật Sangmyung và một số địa điểm khác tại Seoul.

Website: koreadanceassociation.org

http://koreanheritage.kr/resource/issue/49/article/140/img1.jpgMột nghệ sĩ múa dân gian trong tiết mục biểu diễn của mình. Nguồn: Korean Heritage.

Lễ hội khiêu vũ Seoul bắt đầu được tổ chức từ năm 1979 dưới tên Lễ hội khiêu vũ Hàn Quốc, là sự kiện khiêu vũ lớn nhất Xứ sở kim chi. Đây được xem là cuộc gặp gỡ thường niên của tất cả các nghệ sĩ múa, biên đạo múa và đạo diễn nghệ thuật, cũng là cơ hội cho họ thể hiện óc sáng tạo nghệ thuật. Sự kiện được tổ chức nhằm thu hút sự chú ý của công chúng đối với nghệ thuật khiêu vũ và đem đến công chúng cơ hội thưởng thức đa dạng các loại hình khiêu vũ như các điệu múa truyền thống Hàn Quốc, nhảy hiện đại, múa ba-lê, tất cả trong một không gian chung.

Năm nay, lễ hội mở màn với một chương trình gồm 2 phần mang tên “Tâm trí không vướng bận”. Phần đầu tiên mang tên “Nhạc trưởng tài ba” có sự tham gia của những nghệ sĩ khiêu vũ kỳ cựu, là những tên tuổi có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của môn nghệ thuật này. Phần thứ hai, “Ngôi sao khiêu vũ” là màn trình diễn kết hợp của những nghệ sĩ ngôi sao trong làng khiêu vũ. Một chương trình khác mang tên “Nhà hát của những kiệt tác” giới thiệu những màn trình diễn được Hiệp hội khiêu vũ Hàn Quốc khẳng định là những “kiệt tác nghệ thuật”. Một chuỗi hoạt động khác mang tên Chumpan được dành riêng cho những màn biểu diễn của những dancer nhiệt huyết mọi lứa tuổi đến từ mọi vùng miền. Ngoài ra còn cuộc thi dành riêng cho các nhóm nhảy. Một trong những hoạt động nổi bật tại Lễ hội khiêu vũ Seoul là sự kiện mở đầu mang tên “4 con thiên nga”. Đây là một sự kiện cộng đồng nơi bất cứ nhóm nhảy 4 người nào cũng có thể tham gia với bài biểu diễn của riêng họ. Ban tổ chức không đặt ra bất cứ giới hạn nào về thể loại hay hình thức biểu diễn. Cho đến nay, Lễ hội khiêu vũ Seoul đã tổ chức đến lần thứ 41 và vẫn nhận được sự quan tâm đông đảo của du khách trong và ngoài nước.

Chào mừng đến với Joseon

Thời gian: Ngày 30.4 – 28.6

Địa điểm: Làng dân gian Hàn Quốc, Tỉnh Gyeonggi-do.

Website: www.koreanfolk.co.kr

http://koreanheritage.kr/resource/issue/49/article/140/img2.jpgCác diễn viên mặc trang phục cổ trang biển diễn tại Làng dân gian Hàn Quốc. Nguồn: Korean Heritage.

Làng dân gian Hàn Quốc được xây dựng nhằm giới thiệu văn hóa dân gian truyền thống tới khách du lịch trong và ngoài nước. Ngôi làng xây dựng phỏng theo những ngôi nhà cổ thời đại Joseon, lấy mẫu từ những ngôi nhà cổ từ khắp đất nước. Cuộc sống hàng ngày của người dân thời kỳ Joseon được tái hiện dựa trên những nghiên cứu và tham khảo lịch sử. Trong không gian đậm chất lịch sử, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người dân Triều đại Joseon với những hoạt động đóng vai thú vị. Trong nhiều hoạt động du lịch được tổ chức bởi Làng dân gian, các diễn viên sẽ mặc đồ cổ trang, đóng vai người dân Joseon. Trong sự tham gia hào hứng của du khách, một trong những hoạt động được ưa thích nhất có tên “Chào mừng đến với Joseon” đã được tổ chức lại vào năm 2020. Chủ đề của “Chào mừng đến với Joseon” năm này là cuộc thi leo lên các bậc thang xã hội. Du khách tham gia có thể nâng cấp địa vị xã hội của mình từ Bình dân đến Lưỡng Ban hay Quý tộc và cao nhất là Hoàng Đế. Ngoài “Chào mừng đến với Joseon”, Làng dân gian Hàn Quốc cũng tổ chức nhiều chương trình cho phép du khách trải nghiệm cuộc sống dưới Triều đại nổi tiếng Joseon với nhiều hoạt động độc đáo.

DMZ Art Festa – Lễ hội nghệ thuật DMZ

Thời gian: Ngày 13-17.8

Địa điểm: Khu vực Bảo Tàng Con người Yanggu Đảo Hanbandoseom, hòn đảo nhân tạo mô phỏng Bán đảo Triều Tiên, Tỉnh Gwangwon-do.

Website: dmzpop.com

http://koreanheritage.kr/resource/issue/49/article/140/img3.jpgMột tiết mục biểu diễn truyền thống trên đảo Hanbandoseom. Nguồn: Korean Heritage.

Cuộc nội chiến trên Bán đảo Triều Tiên chấm dứt vào năm 1953 với một hiệp ước đình chiến và đường ranh giới phân chia đất nước thành Bắc Hàn và Nam Hàn xuất hiện. Khu vực 2km hai bên đường ranh giới này được đặt tên là Khu phi quân sự (DMZ). Quân đội, vũ khí và các cơ sở quân sự hoàn toàn bị cấm trong khu vực này kèm theo luật hạn chế đi lại. Chính nhờ việc hạn chế các hoạt động của con người mà khu phi quân sự bảo toàn được sự đa dạng sinh học cũng như gìn giữ được môi trường sống quý giá cho nhiều loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Khu vực này đã được thế giới công nhận đóng góp giá trị lớn trong việc nghiên cứu và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.

Các nghệ sĩ và cộng đồng cùng nhau tổ chức lễ hội tôn vinh DMZ như một biểu tượng hòa bình. Đây là năm thứ 3 Lễ hội Nghệ thuật DMZ được tổ chức để kỷ niệm Oplympics Mùa đông Pyeongchang 2018. Lễ hội nghệ thuật năm nay với chủ đề “Ký ức không quên” được tổ chức tại Yanggu, Tỉnh Gangwon-do, giới thiệu đến du khách các chương trình đa dạng như trình diễn ánh sáng, biểu diễn máy bay không người lái và trình diễn ánh sáng la-de. Ngoài ra còn có các màn biểu diễn trên sân khấu thể hiện nỗi đau lịch sử mà Khu phi quân sự từng trải qua, cũng như các tập phim tài liệu nói về DMZ và các lễ hội từng được tổ chức. Bên cạnh những hoạt động giải trí, DMZ Art Festa mang đến cơ hội ra mắt cho các nghệ sĩ mới và cũng là cơ hội cho đông đảo nghệ sĩ mở rộng đối tượng khán giả của mình. Với những du khách yêu thích những di tích lịch sử, biểu diễn nghệ thuật và yêu hòa bình, DMZ Art Festa là một lễ hội rất đáng tham gia.

Lễ hội văn hóa Baekje

Thời gian: Ngày 26.9 – 4.10

Địa điểm: Nhiều địa điểm xung quanh Gongju và Buyeo, Tỉnh Chungcheongnam-do.

Website: www.baekje.org

http://koreanheritage.kr/resource/issue/49/article/140/img4.jpgTriển lãm nghệ thuật đương đại tại Lễ hội văn hóa Baekjie. Nguồn: Korean Heritage.

Baekje là một vương quốc cổ trên lãnh thổ Hàn Quốc ngày nay, tồn tại vào khoảng năm 18 trước công nguyên, tại vị trí của thủ đô Seoul ngày nay. Trong nửa sau của 678 năm lịch sử tồn tại của vương quốc này, vị vua cai trị đã di chuyển thủ đô của nó đến địa điểm là Gongju ngày nay, và sau đó là Buyeo. Văn hóa Baekje được ca ngợi là nền văn hóa tinh túy và rực rỡ, là nền tảng cho sự phát triển của văn hóa Đông Á cổ đại. Xuất phát từ nguồn gốc văn hóa lịch sử này, chính quyền Gongju và Buyeo bắt đầu tổ chức Lễ hội văn hóa đầu tiên năm 1955. Năm 2015, lễ hội được ghi nhận là Di sản Thế giới và do đó đã được mở rộng hơn. Năm nay kỷ niệm lần thứ 66 Lễ hội văn hóa được tổ chức.

Slogan năm nay của Lễ hội văn hóa là “Baekje, cội nguồn Văn hóa Hàn Quốc”. Nghi thức khai mạc và bế mạc sẽ được tổ chức lần lượt tại Gongju và Buyeo. Hoạt động mở đầu là một nghi lễ hiến tế dâng lên tổ tiên người Baekje, được trình diễn bởi các diễn viên trong trang phục cổ trang Hàn với những màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống như diễn kịch, âm nhạc, nhảy múa kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại. Tiếp theo là các buổi triển lãm những tác phẩm nghệ thuật đương đại thể hiện tay nghề tinh xảo của nghệ thuật thủ công Baekje. Ngoài ra, các chương trình trải nghiệm văn hóa, ẩm thực truyền thống cũng được tổ chức. Du khách mọi lứa tuổi đến với lễ hội sẽ được du hành ngược thời gian, qua 1500 năm lịch sử để được đắm mình trong cội nguồn văn hóa Baekje.

Lễ hội Miryang Arirang

Thời gian: 24-27.9

Địa điểm: Vọng lâu Yeongnamnu và bên bờ sông Miryanggang, tỉnh Gyeongsangnam-do

Website: www.arirang.or.kr

http://koreanheritage.kr/resource/issue/49/article/140/img5.jpgMột màn biểu diễn ca múa với bài ca Miryang Arirang của các nghệ nhân trong trang phục cổ trang. Nguồn: Korean Heritage.

Được UNESCO ghi nhận là Di sản phi vật thể vào năm 2012, Arirang là một bài ca dân gian truyền thống của Hàn Quốc với điệp khúc lặp lại ca từ “arirang”. Ước tính có tới 3600 bài hát dân gian trong 60 thể loại âm nhạc dân gian được đặt tên là Arirang. Không nghi ngờ gì nữa, đó là bài ca dân gian phổ biến nhất Hàn Quốc, nhưng mỗi phiên bản của nó lại thể hiện được nét đặc trưng địa phương độc đáo và sự đa dạng địa lý của Hàn Quốc.

Miryang Arirang là bài ca dân gian bắt nguồn từ thành phố Miryang phía đông nam của Xứ sở kim chi. Phiên bản Arirang này được truyền cảm hứng từ truyền thuyết về nàng Arang, con gái của Vị quan thủ phủ Miryang. Một tên quan cấp dưới đem lòng yêu con gái ông, đã lừa nàng ra ngoài gặp mình tại Vọng lâu Yeongnamru để tỏ tình. Khi bị Arirang từ chối tình cảm, hắn đã trở nên thù hận mà giết chết nàng.

Để tưởng nhớ Arang, Lễ hội Miryang Arirang được tổ chức ngay tại Vọng lâu Yeongnamnu và bên bờ sông Miryanggang, bối cảnh của truyền thuyết. Năm nay lễ hội được tổ chức với slogan “Giai điệu Arirang vang vọng tới tương lai”. Bài ca Miryang Arirang năm nay được hòa âm bởi cộng đồng các dân tộc Hàn Quốc trong và ngoài nước. Đại diện của các dân tộc thiểu số Hàn Quốc sinh sống tại nước ngoài cũng được mời tham dự và biểu diễn với cả tiết mục độc lập và tập thể, hòa chung giai điệu với các dân tộc khác. Hội trường Arang vốn là trung tâm của lễ hội cũng được mở rộng để tạo không gian cho nhiều chương trình trải nghiệm, các màn biểu diễn và triển lãm phục vụ du khách mọi lứa tuổi. Ngoài ra, du khách tham dự lễ hội có thể trải nghiệm những màn biểu diễn nghệ thuật trên các du thuyền dọc sông Miryanggang.

Liên hoan phim Di sản phi vật thể quốc tế

Thời gian: Ngày 11-13.9

Địa điểm: Trung tâm Di sản phi vật thể quốc gia, tỉnh Jeollabuk-do

Website: iiff.iha.go.kr

http://koreanheritage.kr/resource/issue/49/article/140/img6.jpgMột buổi chiếu phim nghệ thuật đương đại tại liên hoan phim. Nguồn: Korean Heritage. 

Thông tin đại chúng đã và vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong nhiệm vụ nâng cao hiểu biết của công chúng về di sản văn hóa phi vật thể. Trong các phương tiện truyền thông này, truyền thông hình ảnh có thể coi là phương tiện hiệu quả nhất trong việc truyền tải nét đẹp tinh tế của các di sản phi vật thể qua các kỹ thuật quay phim, kể chuyện và biên tập hình ảnh. Liên hoan phim Di sản phi vật thể quốc tế đã ứng dụng khả năng truyền tải này để thu hút sự quan tâm của công chúng tới nền văn hóa đa dạng của văn minh loài người.

Liên hoan phim di sản phi vật thể quốc tế mang trọng trách đem đến những cái nhìn mới về di sản phi vật thể, thuyết phục công chúng trân trọng những giá trị lịch sử của nó từ góc nhìn hiện đại. Các tác phẩm phim tài liệu và viễn tưởng xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới được chọn lọc và giới thiệu trong liên hoan phim, tới những khán giả mới, khiến giá trị của chúng được nâng cao hơn. Liên hoan phim là một cơ hội làm sống dậy những tác phẩm cũ. Đây là lần thứ 7 Liên hoan được tổ chức, mang đến cho khán giả hơn 20 bộ phim dài tập từ các quốc gia khác nhau, đa dạng thể loại từ phim tài liệu đến phim truyền hình, cả những phim cũ và phim mới ứng dụng công nghệ thực tế ảo. Ngoài phim ảnh, người tham dự còn được tham gia các hoạt động giải trí đa dạng như trải nghiệm làm đồ thủ công, các trò chơi dân gian và các trò thực tế ảo.

Cuộc thi Marathon du lịch quốc tế đảo Jeju

Thời gian: Ngày 6.9

Địa điểm: Cung đường ven biển Jongdal, bắt đầu từ Sân vận động Gujwa, đảo Jeju.

Website: jejumarathon.com

http://koreanheritage.kr/resource/issue/49/article/140/img7.jpgKhoảng 4000 vận động viên tham dự cuộc thi chạy marathon trên cung đường ven biển Jongdal.

Cuộc thi Marathon Du lịch Quốc tế Đảo Jeju là một sự kiện thể thao đa quốc gia có sự tham gia hàng năm của hơn 4000 vận động viên marathon đến từ 30 quốc gia trên thế giới. Bắt đầu từ năm 1995, đây là lần thứ 25 cuộc thi được tổ chức. Mỗi năm, sự kiện lại được mở rộng hơn, trở thành sự kiện thể thao cộng đồng với các cuộc thi marathon và hoạt động giải trí bên lề.

Các hoạt động năm nay gồm có: thi chạy marathon, bán marathon, đường đua 5km, 10km và cả “Chạy Marathon với thú cưng”, cuộc thi trong đó những người chủ có thể chạy cùng các chú chó thú cưng của mình. Sự kiện còn có sự tham gia của Lee Bong-ju, vận động viên huy chương bạc của Olympics Mùa hè Atlanta 1996, với các buổi nói chuyện về lợi ích và niềm vui của môn thể thao chạy bộ. Bên cạnh đó còn có một gian hàng độc lập, phục vụ món sò điệp trứ danh thu lượm bằng tay bởi các thợ lặn nữ đảo Jeju. Văn hóa và lịch sử của các thợ lặn nữ đảo Jeju đã được công nhận là Di sản phi vật thể UNESCO vào năm 2016. Khách du lịch cũng sẽ được trải nghiệm các tour du lịch khám phá đặc sản địa phương cũng như phương pháp nhuộm thủ công với nguyên liệu thiên nhiên của riêng đảo Jeju. 

Những người chiến thắng trong các cuộc thi chạy sẽ có cơ hội tham sự miễn phí các cuộc thi marathon khác được tổ chức tại Nhật Bản, Nga và Việt Nam. Bất cứ ai  yêu thích môn thể thao này đều có thể nộp đơn tham dự qua trang web chính thức của nhà tổ chức, hạn chót là ngày 7 tháng 8.

Từ khóa: Hàn Quốc, Lễ hội dân gian, di sản phi vật thể, văn hóa truyền thống, nghề thủ công, văn hóa dân gian.

Theo Korean Heritage