Duyên Dáng Việt Nam

'Khát' phim truyền hình về giới trẻ

DDVN • 28-10-2021 • Lượt xem: 417
'Khát' phim truyền hình về giới trẻ

Trong khi những phim làm về giới trẻ dễ dàng tìm thấy trên màn ảnh rộng thì ở màn ảnh nhỏ, chân dung người trẻ ít được các nhà làm phim chọn khai thác.

Những vụ tai nạn thảm khốc trên phim trường

Bộ phim 11 tháng 5 ngày sắp đi đến hồi kết trong sự tiếc nuối của nhiều khán giả, bởi khá lâu rồi mới có một phim truyền hình mang đến một màu sắc trẻ trung, tươi mới và đáng yêu như vậy. Câu chuyện phim xoay quanh đời sống tình cảm, công việc của bốn bạn trẻ Đăng - Nhi - Long - Anh gợi nhớ về một thời thanh xuân đã qua của rất nhiều người, nên dễ dàng chạm đến cảm xúc khán giả. Những vấn đề quen thuộc trong cuộc sống người trẻ như nợ tiền trọ, bán hàng online, yêu đơn phương, bị phụ tình, mang thai ngoài ý muốn, bạn thân khác giới, bỏ nhà ra đi vì mâu thuẫn với người lớn… được phim đề cập bằng lối kể sáng tạo, bi - hài đan xen làm người xem hứng thú theo dõi. Bên cạnh kịch bản gần gũi thì dàn diễn viên đẹp, trang phục hợp mốt, những khung hình lung linh và phần nhạc phim thời thượng cũng góp phần tạo nên chất trẻ cho bộ phim. 

Trước 11 tháng 5 ngày, cũng hiếm hoi màn ảnh nhỏ mới có một bộ phim đầy tiếng cười trong trẻo dễ thương làm về giới trẻ là Nhà trọ Balanha (2020). Tương tự 11 tháng 5 ngày, Nhà trọ Balanha cũng khai thác những vấn đề của người trẻ hiện đại như nỗi lo cơm áo gạo tiền, chuyện lập nghiệp, lựa chọn giữa tình yêu và công việc…


Phim 11 tháng 5 ngày tạo ra cơn sốt trên màn ảnh nhỏ vì mang đầy hơi thở thanh xuân

Phim có cách kể mới mẻ, có phần phá cách khi xây dựng nhiều tình huống “lố”, không ngại khắc họa mặt tốt lẫn mặt xấu của nhân vật. Tuy vậy, hướng khai thác này lại tạo ra hiệu ứng tích cực từ phía người xem vì chân thật, vui nhộn. Có thể nói 11 tháng 5 ngày và Nhà trọ Balanha đều đã tiếp cận thành công đời sống giới trẻ và để lại dấu ấn đậm nét cho dòng phim truyền hình về tuổi thanh xuân trong thời gian vừa qua. Sự ăn khách của hai phim này càng làm tăng thêm “cơn khát” những bộ phim về giới trẻ trên màn ảnh nhỏ, bởi hiện nay các khung giờ phát phim rất nhiều nhưng hầu hết là phim đề tài gia đình, nặng nề bi kịch, mâu thuẫn. 

Sắp tới đây, dự kiến tháng 11, VTV sẽ trình làng thêm một bộ phim Tháng năm rực rỡ sắc màu. Đây là sản phẩm mới của đạo diễn Vũ Minh Trí sau phim Mùa hoa tìm lại, với sự tham gia của các diễn viên Trọng Lân, Tô Dũng, Mạnh Lân… Tháng năm rực rỡ sắc màu cũng sẽ mở màn cho khung giờ phát sóng mới trên VTV3 từ 20g - 20g30 từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Hy vọng cú hích của 11 tháng 5 ngày sẽ tạo đà cho các nhà làm phim hào hứng hơn trong việc khai thác chủ đề giới trẻ thời hiện đại, hạ nhiệt dần “cơn khát” của khán giả về dòng phim này. 

Ăn khách nhưng không dễ khai thác

Nhìn lại những bộ phim truyền hình để lại dấu ấn mạnh trong lòng khán giả từ trước đến nay, phim lấy chủ đề về cuộc sống sinh viên, người trẻ chiếm số lượng không ít. Cả phía Bắc và phía Nam đều có những tác phẩm in đậm trong trí nhớ người xem như Xin hãy tin em, Phía trước là bầu trời, Hướng nghiệp, Ký túc xá, Cổng mặt trời, Gọi giấc mơ về, Bỗng dưng muốn khóc. Từ sau thập niên 2010 trở đi, những bộ phim phía Nam làm về giới trẻ không còn đại diện nào nổi bật, trong khi đó, các nhà làm phim phía Bắc tiếp tục có một số phim gây sốt như Cầu vồng tình yêu, Tuổi thanh xuân, Zippo, mù tạt và em.


Hướng nghiệp, bộ phim về giới trẻ được nhiều người xem yêu thích

Có thể thấy hầu như phim nào chọn người trẻ làm nhân vật trung tâm cũng dễ tạo ra sức hút với người xem, vì những câu chuyện xoay quanh giới này luôn ngập tràn năng lượng, sự tươi mới. Kể về người trẻ cũng là cái cớ để các nhà làm phim dễ dàng đưa vào những yếu tố câu khách, như dàn diễn viên trai xinh gái đẹp, trang phục thời trang, bối cảnh “nịnh” mắt.

Chủ đề được nhiều người yêu thích, có sẵn các yếu tố cơ bản để câu khách, thế nhưng phim về tuổi trẻ, thời thanh xuân trên màn ảnh nhỏ lại không nở rộ như người xem mong mỏi. Phim truyền hình mười năm trở lại đây đã phát triển vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng. Bằng chứng là nhiều phim thay phiên nhau gây sốt, nhưng chủ đạo vẫn là phim về cuộc sống hôn nhân gia đình.

Tình yêu, tuổi trẻ, cuộc sống đều là những vấn đề mà ai cũng trải qua nhưng để viết hay về chúng không dễ. Biên kịch Lại Phương Thảo (tác giả phim 11 tháng 5 ngày) chia sẻ: “Mỗi một đề tài, ở một lứa tuổi khác nhau, ta sẽ có cảm nhận khác nhau. Đề tài phim thanh xuân là một đề tài luôn hấp dẫn và nhận được sự quan tâm của khán giả. Tôi 20 tuổi suy nghĩ về thanh xuân sẽ khác tôi lúc 30, 40, 50 tuổi, nên rất khó để nói ở lứa tuổi nào, viết phim thanh xuân sẽ hay nhất, bởi thanh xuân là một ý niệm trong tâm hồn mỗi người, không nằm ở tuổi tác. Phim 11 tháng 5 ngày hướng tới đối tượng chính là khán giả trẻ, bởi vậy tôi cũng có tìm hiểu, theo sát với thực tế đời sống của các bạn trẻ, để nội dung cũng như lời thoại sẽ gần nhất với tâm lý của khán giả trẻ”. 

Khi tuổi tác không phải là trở ngại như lời người trong cuộc, thì vấn đề còn lại chỉ là vốn sống, kinh nghiệm, năng lực của người viết, để biết biến những gì nắm bắt thành chất liệu đưa vào phim, tạo ra tình huống thuyết phục, xây dựng nhân vật đúng tâm lý giới trẻ, kể cả dám mạnh dạn phá vỡ khuôn mẫu nhân vật truyền thống. 

Không như phim chiếu rạp, đối tượng khán giả chính của phim truyền hình không phải là giới trẻ, nhưng phim về giới trẻ vẫn luôn được chú ý, vì người xem nào không từng có tuổi trẻ, không muốn tìm kiếm nguồn năng lượng tích cực, chút ngọt ngào của thanh xuân. Đó là những lợi thế sẵn có của phim về giới trẻ, quan trọng là các nhà làm phim có biết cách khai thác để làm mới chủ đề này hay không. 

Theo Hương Nhu/Phunuonline.com.vn