Duyên Dáng Việt Nam

Khi nào thì nên đưa trẻ đi xét nghiệm sán lợn?

Thanh Thảo • 18-03-2019 • Lượt xem: 11732
Khi nào thì nên đưa trẻ đi xét nghiệm sán lợn?

Chỉ trong vòng 3 ngày, 2 bệnh viện tại Hà Nội là BV Bệnh Nhiệt đới TƯ và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ đã tiếp nhận khoảng 1.600 trẻ đến từ Bắc Ninh đến thăm khám và xét nghiệm sán lợn.

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc phụ huynh học sinh phát hiện thực phẩm bẩn là thịt lợn gạo được dùng để chế biến thức ăn cho trẻ tại trường tiểu học Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh), đặc biệt sau đó 1 số trẻ đi xét nghiệm đã cho kết quả dương tính với sán lợn.

Sự việc này đã làm nhiều bậc phụ huynh dấy lên mối quan tâm, lo lắng về sán lợn. BS. Trương Hữu Khanh, BV Nhi đồng I, Tp. Hồ Chí Minh đã có lời khuyên hữu ích giúp các phụ huynh hiểu rõ hơn về giun sán.

Theo BS. Khanh, giun sán có mặt rất nhiều trong môi trường, trong đất, trong rau không sạch, trong phân, nước miếng của động vật cho nên vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường rất quan trọng. Để phòng ngừa, cần ăn sạch, uống sạch, rửa tay và xổ giun định kỳ.

Hình minh họa

Giun sán có nhóm ký sinh trên người, ký sinh trên động vật khác. Nếu giun sán ký sinh trên người vào cơ thể qua đường tiêu hóa hay qua da cũng sẽ di chuyển vào ruột nguời để thải ra môi trường nhằm "nhân giống". Còn nếu loại giun sán ký sinh trên động vật khác khi "lỡ" đi vào người có thể đi lạc lên cơ quan khác nhưng tình huống này rất hiếm, sợ nhất là lên não, còn thường là lên da.

Với câu hỏi: “Có nên xét nghiệm máu tìm xem có nhiễm giun sán không?”, BS. Khanh cho hay: Đa số khi giun sán vào cơ thể người sau một thời gian có thể tự thải ra nhưng xét nghiệm vẫn dương tính rất lâu. Cho nên dù xét nghiệm dương tính nhưng trong người không có, không còn giun sán nào cả.

Đồng thời, xét nghiệm giun sán rất dễ nhầm, vì nhiễm giun sán này đã hết lâu rồi nhưng lại xét ra giun sán khác; nhiễm giun sán người nhưng xét nghiệm ra giun sán chó mèo, sán lợn.

”Chỉ bệnh nhân có dấu hiệu ký sinh trùng xuất hiện ở da (nổi sần, nổi cục trên da), dấu hiệu ở não như co giật, hôn mê, yếu liệt chi... và bác sĩ điều trị nghi ngờ do ký sinh trùng "chạy nhầm đường" mới cho chỉ định. Trẻ nhỏ hay người lớn không có triệu chứng gì thì xét nghiệm sẽ làm rối thêm", BS. Khanh khuyến cáo.

Bên cạnh đó, nếu nghi ngờ ăn phải gì đó mà có thể nhiễm giun sán thì cứ uống thuốc xổ giun. Với giun sán thông thường albendazol, mebendazol, pyrentel; Nghi sán lợn thì dùng Praziquantel hay albendazol.

BS Khanh cho hay: "Nếu không có triệu chứng gì thì không cần xét nghiệm, chỉ cần uống thuốc xổ giun cũng rất lành. Lưu ý, nên sổ giun cho cả thú cưng. Cần nhớ, ăn sạch, uống sạch và rửa tay luôn có lợi".