ĐỜI SỐNG

Không cần đến văn phòng, top 5 công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà

Minh Trung • 01-09-2022 • Lượt xem: 360
Không cần đến văn phòng, top 5 công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà

Cách đây 10 năm, nếu nói đến khái niệm làm việc tại nhà (work from home) hay làm việc tự do (freelance) hẳn sẽ rất xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, mọi thứ đã đổi khác sau khi làn sóng Covid-19 đến với nhân loại. Sau đại dịch, nhiều công ty bắt đầu chấp nhận cho nhân viên của mình làm việc tại nhà mà không cần phải đến công ty.

Vì sao nhân viên không muốn đến công ty để làm việc? 

Trải qua Covid-19, nhiều nhân viên nhận ra rằng, họ không nhất thiết phải đến công ty đối với công việc mà mình đang làm. Bên cạnh đó, họ muốn dành thời gian nhiều hơn cho bản thân và gia đình, cũng như né tránh các đụng độ không cần thiết với đồng nghiệp tại nơi làm việc. Trong cuộc khảo sát trên 25000 người được thực hiện bởi McKinsey, 87% muốn làm việc từ xa và dành trung bình 3 ngày/tuần để làm việc tại nhà. 

Sự thật, không phải công ty nào cũng đồng ý với yêu cầu đến từ nhân viên. Họ đã phải sa thải nhiều nhân viên vì cả hai bên đều không tìm được tiếng nói chung. Những tưởng sau Covid-19, vấn đề việc làm sẽ được quan tâm nhưng diễn tiến đã đi ngược lại hoàn toàn với suy nghĩ của mọi người. Chưa bao giờ các nước phương Tây và Mỹ đối diện với tỉ lệ thất nghiệp cao đến vậy. Nguyên nhân đến từ “cuộc đại khủng hoảng nghỉ việc” (the great resignation). Theo đó, người lao động cảm thấy không hài lòng với đồng lương của họ khi mà lạm phát tăng cao do các gói cứu trợ của chính phủ, sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng từ môi trường của công ty nhưng không được quan tâm, họ muốn dành thời gian cho bản thân và gia đình thay vì phải cống hiến 1/3 quãng đời cho công ty mà phải đánh đổi quá nhiều thứ. 

Cuộc đại khủng hoảng nghỉ việc là hồi chuông cho một số công ty phải thay đổi phương thức làm việc nhằm phù hợp với người lao động, tiếp tục tăng trưởng và tránh được nguy cơ chảy máu chất xám. Thế nhưng đối với nhân viên, không dễ để họ có một công việc có thể làm ở bất cứ đâu, 95% công việc đều yêu cầu bạn phải ở tại một khu vực nào đó để hoàn thành một cách tốt nhất (nghiên cứu từ FlexJobs). 

Top 5 công ty chấp nhận văn hóa làm việc tại nhà 

Bất chấp những hạn chế từ văn hóa làm việc tại nhà (như phụ thuộc vào đường truyền internet cá nhân, thời gian khó thống nhất, giảm gắn kết giữa các thành viên), nhiều công ty vẫn chấp nhận để nhân viên của mình được làm việc tại nhà, miễn là họ vẫn đảm bảo được hiệu suất và tiến độ mà doanh nghiệp đề ra. Không thể không kể đến những lợi ích mà công ty có được nếu chấp nhận phương thức làm việc tự do của nhân viên (như tiết kiệm chi phí thuê văn phòng và những tiện ích đi kèm, hạn chế bầu không khí căng thẳng, hư hao thiết bị làm việc). Đó cũng là một trong những lí do để một số công ty chấp nhận cho nhân viên làm việc tại nhà. 

Theo đánh giá từ FlexJobs, họ đã đưa ra top 5 công ty có tỉ lệ công việc cao nhất để khách hàng có thể làm việc tại nhà. Đánh giá này dựa trên dữ liệu cá nhân mà website này thu thập từ những công ty đa quốc gia liên quan tới các mẫu tin tuyển dụng được đăng từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2022. Dưới đây là top 5 công ty có số lượng công việc làm tại nhà nhiều nhất theo dữ liệu từ FlexJobs.
- Protocol Labs
- Wikimedia Foundation
- StudySmarter
- Toptal
- Achieve Test Prep
Trước đây, các công ty chỉ thuê các freelancer với những công việc ngắn hạn và nhanh gọn. Tuy nhiên, với su hướng đổi mới hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẽ phải linh hoạt về phương thức và văn hóa làm việc để nhân viên có thể làm việc tại nhà, đáp ứng nguyện vọng của người lao động (trích lời của Sara Sutton, người sáng lập và CEO tại FlexJobs). Song song đó, những cuộc khảo sát đưa đến kết quả, nhiều người thích phong cách sống kiểu “dân du mục kỹ thuật số” (những người phân chia thời gian của họ giữa làm việc từ xa và đi du lịch, tận hưởng cuộc sống). 

Chuẩn bị tốt nhất cho văn hóa work from hom 

Số lượng việc làm cho những ai muốn làm việc tại nhà sẽ tăng lên, đồng nghĩa người lao động sẽ cạnh tranh gay gắt hơn. Đây là nhận định của Toni Frana, nhà tư vấn hướng nghiệp của FlexJobs. Vậy người lao động cần làm gì để trở nên “nặng kí” trong mắt nhà tuyển dụng? 

Đầu tiên là trang bị những kĩ năng cứng (hard skills). Khi làm việc qua internet, việc sử dụng thành thạo các phần mềm họp trực tuyến (như Zoom, Meeting, Microsoft Teams) là một lợi thế. Bên cạnh đó, chuyên nghiệp trong cách sử dụng các công cụ phục vụ cho công việc nói chung (như Google Suite, Office 365) sẽ giúp bạn hòa nhập nhanh chóng trong môi trường làm việc online. 

Thứ hai, theo FlexJobs, một số ngành nghề được đăng tuyển nhiều nhất là tiếp thị, quản lý dự án, chăm sóc khách hàng, quản lý truyền thông xã hội, trợ lý điều hành, lập trình giao diện website. Từ đó, người lao động có thể trang bị một số kĩ năng mềm (như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, quản lí thời gian) để có cơ hội phù hợp với các vị trí mà các công ty đang tìm kiếm. 
Với sự phát triển của internet, tin vui là bạn có thể học tất cả các kĩ năng cứng và kĩ năng mềm chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh. Thứ ngăn cản bạn duy nhất là tính kỉ luật và tính cam kết của bản thân bạn. 

Ngày nay, văn hóa làm việc tại nhà ngày càng phổ biến với nhiều lao động. Để linh hoạt và thích ứng với thời đại, mỗi cá nhân có thể tự trang bị những kĩ năng, kiến thức để cưỡi lên con sóng của thời đại, không bị bỏ lại phía sau.