VĂN HÓA

"Lạ lùng và thú vị": Tác phẩm điêu khắc thực phẩm Nhật Bản được trưng bày tại London.

Hải Ly • 21-09-2024 • Lượt xem: 2517
"Lạ lùng và thú vị": Tác phẩm điêu khắc thực phẩm Nhật Bản được trưng bày tại London.

Kibinago là một loài cá nhỏ thuộc dòng cá trích, với đặc trưng là những dải bạc màu trắng chạy dọc theo thân. Loại cá này là thành phần chính tạo nên món kibinago sashimi -  đặc sản nổi tiếng tại Kagoshima, một tỉnh có nguồn nước ấm phía Nam Nhật Bản. Điều khiến nó trở thành món ăn “độc quyền” ở đây chính là món Kibinago sashimi sẽ thật ngon và tươi, cảm nhận rõ hương vị nhất khi cá trích được bắt và chế biến tại chỗ, chứ không qua bất cứ một khâu vận chuyển hay cấp đông nào. Ngoài thưởng thức món ăn này ở Kagoshima, bạn cũng có thể gặp nó trong thực đơn tại Kensington, London.

Những con cá tươi ngon, óng ánh được phi lê và cuộn tròn như một tấm giáp xích. (Nguồn: Internet)

Một phiên bản Kibinago sashimi đặc biệt sẽ được trưng bày tại trung tâm văn hóa Japan House thông qua triển lãm mang tên “Looks Delicious!”. Đây là triển lãm sampuru (từ chữ “sample” - hàng mẫu) đầu tiên tại Vương quốc Anh, trưng bày những bản sao thực phẩm chân thực nhất thay cho thực đơn in truyền thống, được sử dụng tại Nhật Bản.

Người phụ trách chương trình, ông Simon Wright, cũng là giám đốc lập trình tại Japan House, cho biết: “Bất kỳ ai từng đến Nhật Bản đều sẽ nhìn thấy những bản sao đồ ăn ở bên ngoài quầy trưng bày của nhà hàng và sẽ không thể không thích thú với điều đó. Đây là điều không thể thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Vì vậy, cơ hội được nhìn thấy chúng là rất hiếm: chưa từng có một cuộc triển lãm nào như thế này ở Anh, và có lẽ cũng chưa từng có một cuộc triển lãm nào được tạo ra theo cách này ở Nhật Bản.”

Ông Takizo Iwasaki và mô hình món ăn được chế tạo đầu tiên.

Cha đẻ của loại hình mới lạ này tên là Takizo Iwasaki, ông là một doanh nhân đến từ thị trấn Gujo Hachiman, bắt đầu làm sampuru cho các nhà hàng vào đầu những năm 1930. Lúc đó, các nhà hàng mọc lên như nấm và nhiều nơi bắt đầu bán các món ăn lấy cảm hứng từ phương Tây, được gọi là yoshoku, nhưng không được nhiều người biết đến. Ý tưởng của ông Iwasaki là mô phỏng lại những món ăn bằng sáp để mọi người có thể nhìn thấy những gì họ sẽ ăn. Mô hình kinhdoanh này của ông vẫn đóng vai trò quan trọng trong ngànhsampuru nói chung ngày nay.

Món ăn đầu tiên ông làm là cơm trứng cuộn Nhật Bản. Các tiệm bách hoá và nhà hàng đã áp dụng những mô hình này, chúng được gọi là mô hình thức ăn và sử dụng cho đến tận ngày nay, với hầu hết chất liệu từ nhựa PVC, được trưng bày giống như cách mà thực đơn truyền thống được sử dụng để đưa thông tin món ăn đến thực khách ở các nền văn hoá khác.

Menu sampuru được trưng bày trước các cửahàng.(Nguồn: Internet)

Phố Kappabashi Dogugai ở Tokyo, nổi tiếng với tên gọi khác là thị trấn Nhà Bếp (Kitchen Town), chuyên bán sampuru cho các nhà hàng ở thủ đô. Mặc dù việc tạo ra các loại mô hình trái cây, rau củ quả và các loại thực phẩm trang trí khác không phải là ngành đặc thù tại Nhật Bản, sampuru được xem là một hình thức nghệ thuật ở đây. Như Wright giải thích thì những thứ này được làm thủ công bằng cách sử dụng các khuôn mẫu khác nhau để kết hợp tạo thành những món ăn. “Công việc này hoàn toàn không sử dụng máy móc, mỗi một mô hình đều được làm riêng theo yêu cầu.”

Tổng giám đốc của Japan House, ông Sam Thorne cho biết: “Sampuru rất thú vị và khác biệt, nó là một loại tác phẩm điêu khắc siêu thực thu nhỏ - một nghệ thuật đánh lừa thị giác trong không gian ba chiều. Một khía cạnh thú vị khi xem một thầy thợ chế tác chúng, được ghi lại một cách tuyệt vời trong phim tài liệu Tokyo-Ga năm 1985 của Wim Wenders, bạn sẽ thấy quá trình này rất giống với nấu ăn thật sự: các nguyên liệu riêng lẻ được thái lát, kết hợp, sắp xếp, bày biện.”

Sự kết hợp các nguyên liệu như một món ăn thật sự. (Nguồn: Internet)

Ayumi Kuwata học nghề tại Nhật Bản và điều hành xưởng Smile Labo với hình thức kinh doanh mô hình tương tự tại Canterbury- nước Anh. Tại đây, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi tự làm đồ ăn thu nhỏ như kem sundaes, bánh rán và các món ăn khác. Kuwata chia sẻ: Những kỹ năng và vật liệu của cô hoàn toàn khác với những người thợ thủ công sampuru chính gốc: “Bạn không thể thấy những mô hình thực phẩm nào bên ngoài nước Nhật, vì chúng rất đắt, và những người thợ lành nghề chỉ có ở Nhật Bản mà thôi.”

Giá của sampuru chất lượng cao đến mức hầu hết các cửa hàng Nhật Bản chỉ thuê thay vì mua. Mặc dù một du khách đến cửa hàng Ganso của công ty Iwasaki có thể mua một bát súp hành tây kiểu Pháp phiên bản sampuru với giá 100 bảng Anh (tương đương khoảng 3.250.000 VNĐ) để làm quà lưu niệm, nhưng giá của một món đồ để trưng bày trong các nhà hàng có thể lên đến hàng nghìn bảng Anh.

Vẽ khuôn bắp cải Hakusai. (Nguồn: Internet)

Để chuẩn bị cho “Looks Delicious!”, công tyIwasaki được giao trọng trách tạo 47 sampuru, mỗi một món đại diện cho một tỉnh của Nhật Bản, nhằm quảng bá đặc sản vùng miền, giúp “thực khách” hiểu thêm về lịch sử văn hoá của ẩm thực Nhật Bản. Trong số các món ăn sẽ có goya chanpuru – món mướp đắng xào kiểu Okinawa và hải sản kiểu Hokkaido. Triển lãm cũng giải thích các mô hình thực phẩm đã trở thành một phần không thể thiếu trong ngành giáo dục dinh dưỡng ở Nhật Bản như thế nào.

Ông Wright cho biết ông đặc biệt thích những mónsampuru này. “Thứ tôi thích nhất là bộ sưu tập minh hoạ các thành phần cần thiết để tạo nên một chế độ ăn uống cân bằng hằng ngày cho người bị tiểu đường và cho thấy được lượng muối, đường hoặc chất béo có trong một số loại thực phẩm phổ biến.”

Jake Hobson, chủ của cửa hàng Niwaki tại Anh Quốc – chuyên nhập khẩu thiết bị làm vườn và nhà bếp từ Nhật Bản, sử dụng sampuru để trưng bày thay thế các sản phẩm thật tại cửa hàng. Ông tình cờ gặp các mô hình thực phẩm lần khi đang sống ở Nhật vào những năm 90, đầu tiên với tư cách là một nhà điêu khắc, và sau đó là một người làm vườn. Hobson cho rằng kỹ năng chế tạo đặc biệt này là một ví dụ điển hình về nghề thủ công Nhật Bản: “Họ có khả năng tạo ra thứ gì đó nhằm cải thiện bản gốc. Nó cũng giống trong lĩnh vực làm vườn của tôi, nơi mà bạn phải cố gắng tạo hình thật đẹp và phù hợp với từng loại cây. Giống như bạn xem truyện tranh hay hoạt hình vậy. Họ đang cố tạo ra những điều ngày một tốt hơn theo cách của họ – những chi tiết tinh xảo trong các mô hình sampuru là một minh chứng.”

Sampuru được làm rất tinh xảo và có giá thành rất cao. (Nguồn: Internet)

Ông Wright nhấn mạnh rằng sampuru cũng có mục đích thương mại mạnh mẽ, đó là lý do tại sao chúng ta dễ dàng tìm thấy loại hình này ở các trung tâm sản xuất như Osaka và Tokyo. Ông cũng cho rằng sampuru thể hiện một giá trị cố hữu trong văn hoá Nhật Bản. “Tỉ mỉ đến từng chi tiết, tay nghề thủ công điêu luyện, độ chuẩn xác đến từng milimet, tất cả đều là những nét đặc trưng về ngành sản xuất nói chung tại Nhật Bản, và chúng cũng không hề mất đi trong ngành sản xuất mô hình bản sao thực phẩm này. Thậm chí những sampuru còn có phần hấp dẫn hơn cả bản gốc, bản thân chúng kích thích vị giác của thực khách và khiến họ muốn ăn chúng hơn.”