Duyên Dáng Việt Nam

Làm gì để phòng tránh loài kiến độc hơn rắn hổ mang?

Mẫn Nhi • 31-05-2019 • Lượt xem: 1544
Làm gì để phòng tránh loài kiến độc hơn rắn hổ mang?

TP.HCM và các tỉnh Nam bộ bắt đầu vào mùa mưa. Đây là điều kiện thuận lợi cho kiến ba khoang phát triển. Nhiều địa điểm như các chung cư, ký túc xá một số trường đại học vừa ra thông báo "cảnh giác" với kiến ba khoang.

Thông báo của Ban quản lý một chung cư trên địa bàn TP.HCM có đoạn: “Kiến ba khoang thường xuất hiện ở chung cư, có vài trường hợp kiến đốt, nhưng không bị nặng. Tuy nhiên do độc tố của loài kiến này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em… nên chung cư đưa ra khuyến cáo để cư dân phòng tránh”.

Theo đó, Ban quản lý chung cư nhắc nhở cư dân hạn chế mở rèm, mở cửa sổ vào ban đêm; mắc màn khi ngủ; vệ sinh môi trường, dọn dẹp cây cảnh quanh nơi ở; tránh đứng dưới ánh sáng đèn nơi công cộng; giũ mạnh khăn mặt, áo quần trước khi dùng…

Tương tự, ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM cũng thông báo: “Hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa mưa, thời điểm để côn trùng sinh sôi phát triển. Ký túc xá với khuôn viên rộng, xung quanh có chức bãi cỏ, hổ thước, công trình đang xây dựng là môi trường lý tưởng để côn trùng trú ẩn và phát triển, đặc biệt là kiến ba khoang”. Do đó, cần phòng tránh các dịch bệnh viêm da do tiếp xúc với côn trùng.

Kiến ba khoang có cánh (Nairobi fly) bị thu hút bởi ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng đèn huỳnh quang. Kiến ba khoang có đầu và bụng dưới màu đen, trong khi ngực và bụng lại có màu đỏ. Dù có cánh nhưng loài kiến này hiếm khi bay mà bò rất nhanh. Khi bị đe dọa, chúng sẽ cong bụng lên như bò cạp và sẵn sàng đốt.

Theo Cục Y Tế dự phòng, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.

* Các đặc điểm bị viêm da do kiến ba khoang đốt

  • Các vùng da thường bị ảnh hưởng do kiến ba khoang cắn là cổ, cánh tay và mặt. Các triệu chứng có thể không xuất hiện rõ rệt trong 12−24 giờ đầu, nhưng sau đó xung quanh vùng da bị đốt sẽ có cảm giác rát bỏng, sưng và ngứa nghiêm trọng. Thậm chí, người bị đốt có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.
  • Sau 2-3 ngày, các vùng da bị đốt sẽ đỏ dần và sưng phình ra, đồng thời xuất hiện các mụn nước nhỏ, sau đó sẽ vỡ ra và tụ lại như vết bỏng. Hầu hết các triệu chứng dần hồi phục sau 2-3 tuần. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, các vùng da do kiến ba khoang đốt có thể bị nhiễm khuẫn. Ngoài ra, vùng da tiếp xúc có thể chuyển thành các đốm đen.

* Làm gì khi bị kiến ba khoang đốt?

  • Nếu tiếp xúc với kiến ba khoang hay lỡ đè phải chúng, hãy lập tức rửa tay và vùng da tiếp xúc bằng cồn 70 độ hoặc xà phòng thật kỹ.
  • Trong trường hợp tay lỡ chạm phải chất độc của kiến ba khoang (dịch cơ thể hoặc máu kiến) tránh dụi mắt nếu không sẽ khiến cho mắt bị sưng tấy, đỏ và nhiều biến chứng khác.
  • Có thể thoa một lớp thuốc mỡ có chứa steroid dịu nhẹ lên da. Hoặc thoa thuốc DiphenHydramine (thuốc chống chất histamine) xung quanh vùng miệng vết thương do côn trùng đốt sẽ giảm sưng tấy.
  • Đi bác sĩ để được chỉ định thuốc phù hợp. Không tự ý mua thuốc điều trị zona hoặc giời leo hay tự ý bôi/đắp lá thuốc theo phương pháp dân gian làm cho vết thương bị loét, lan rộng thậm chí nhiễm trùng.

* Phòng ngừa kiến ba khoang vào mùa mưa

  • Trước khi đi ngủ, kiểm tra xem quanh giường ngủ và trần nhà có kiến ba khoang không.
  • Giăng mùng khi ngủ để tránh bị kiến ba khoang cắn.
  • Đóng các cửa ra vào và cửa sổ khi trời tối.
  • Nếu thấy bất kỳ con kiến ba khoang nào bò lên da, hãy thổi đi thay vì phủi để tránh tiếp xúc với nó. Không dùng tay để bắt, giết.
  • Cắt tỉa gọn các lùm cây quanh nhà, không tạo môi trường cho kiến ba khoang sống.