Mỗi năm tới dịp tết Đoan Ngọ, làng bánh ú tro có tuổi đời gần 50 năm trên con đường Phạm Thế Hiển (quận 8, TP.HCM) lại rực lửa và nhộn nhịp người mua kẻ bán.
Chị Mai Hạnh đã làm nghề gói bánh ú tro 14 năm nay chia sẻ: "Bánh ú tro chỉ được làm vào dịp tết Đoan Ngọ. Cách năm ngày trước tết chúng tôi đã bắt tay vào việc làm nhân và gói bánh. Để kịp số lượng bánh bán ra phải thức từ 2-3 giờ sáng, làm miệt mài cho tới tối. Cứ một xâu là 60 cái cột vào với nhau để đem đi luộc”
Công đoạn đầu tiên để làm ra một chiếc bánh ú tro là ngâm gạo nếp với nước tro trong khoảng hai ngày. Tiếp đó là làm nhân, đây cũng là khâu tốn nhiều thời gian nhất. Nhân thì dùng đậu xanh ngâm nước rồi trộn đường và nấu chín. Sau đó vo tròn, trong nhân có thể bỏ thêm bí đỏ, hoặc mứt bí đao, hoặc sầu riêng để tăng thêm mùi vị cho bánh.
Để làm bánh ú tro cần những lá tre bản to, lá xanh và thường được lấy từ Tây Ninh. Mỗi một mùa ít nhất 100 ký lá được sử dụng. “Muốn bánh ngon, buộc phải dùng lá tre thì hương vị bánh mới đạt độ ngon, lá phải rửa sạch để không làm ảnh hưởng nhân bánh”, chị Hạnh cho biết.
Chị Hạnh cho biết một ngày trung bình mỗi người làm được từ 3-4 khiêng bánh. Cứ một khiêng là 20 xâu, tương đương 1.200 cái. Mỗi dịp này, một gia đình làm ra khoảng 20 khiêng bánh ú tro để bán ra thị trường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi chục bánh ú tro nhân đậu xanh, sầu riêng hoặc bí đỏ có giá từ 60.000- 80.000 đồng, bánh không nhân có giá dao động từ 40.000-50.000 tùy kích cỡ.
Bà Năm (60 tuổi)- một người đã nhiều năm gắn bó với nghề làm thuê - gói bánh ú tro cho biết hầu hết những người làm bánh ú lá tro đều có nghề khác nhau nhưng cứ mỗi dịp tết Đoan Ngọ họ lại về làm bánh này để bán. Cũng theo bà, mỗi ngày tùy theo số lượng bánh của mình làm ra mà chủ sẽ trả tiền, trung bình khoảng 500 ngàn/ngày.
Chú Vũ (ngụ tại phường 5, quận 8) cho biết nghề gói bánh ú tro dường như đã thành truyền thống của gia đình. Cứ mỗi mùa tết Đoan Ngọ, chú lại tạm dừng công việc buôn bán hoa quả ở chợ để về nấu bánh. Chú cho hay, bánh cần từ 3- 3,5 tiếng để đạt độ chín, sau khi chín phải nhúng qua nước sạch và đem đi bán.
“Bánh làm đến đâu sẽ có người đến mua lẻ hoặc sỉ đến đó. Tùy theo mình chụm lửa nhiều hay ít, mỗi lần nấu khoảng 5 khiêng. Và nấu từ sáng đến tối. Gia đình tôi làm bánh từ ngày 30 âm tới trưa 5-5 âm lịch”, chú Vũ chia sẻ.