Duyên Dáng Việt Nam

Làng nghề ‘tỏa hương’ lâu đời nhất TP.HCM

Thiên Dung • 06-04-2020 • Lượt xem: 3189
Làng nghề ‘tỏa hương’ lâu đời nhất TP.HCM

Thắp nhang là tập tục văn hóa lâu đời của người Việt, thể hiện lòng tôn kính ông bà tổ tiên hay để cầu may mắn, bình an trong cuộc sống. Ít ai biết, giữa lòng TP.HCM hiện đại náo nhiệt vẫn còn đó một làng nghề nhang gần trăm năm tuổi, nơi đưa những nén nhang “tỏa hương” khắp thành phố và khu vực lân cận. 

Tin, bài liên quan:

Độc đáo làng nghề may áo dài hơn 1000 năm tuổi

Bộ ảnh làng nghề đúc đồng cuối cùng ở Sài Gòn
 

Làng nghề lâu đời, hiếm có
Làng nhang Lê Minh Xuân ngụ tại xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh, được xem là làng nghề lâu đời nhất TP.HCM với thâm niên hơn 80 năm và là một trong những cơ sở sản xuất nhang lớn nhất khu vực Nam bộ. 

Thắp nhang là một tập tục văn hóa tâm linh lâu đời của người Việt

Nơi đây trước kia là căn cứ Láng Le - Bàu Cò, sau năm 1975 trở thành khu kinh tế mới với nông trường trồng mía và thơm (dứa). Khi cư dân khắp nơi tụ về, mang theo nghề làm nhang và dần lan tỏa thành một làng nghề độc đáo, hiếm có giữa Sài Gòn phồn hoa. 
Không ai khẳng định được làng nhang Lê Minh Xuân có từ khi nào, chỉ biết nghề nhang do người Hoa di cư đến Việt Nam mang theo. Ban đầu, những người làm nhang tập trung tại khu Chợ Lớn (quận 5, quận 6), sau đó, họ phải di dời ra vùng ven thành phố, dọc theo kênh Xáng (H.Bình Chánh) để có không gian sản xuất. 

Đến làng nhang Lê Minh Xuân, dễ dàng thấy những bó tăm nhang sau khi nhuộm, phơi đầy đường

Nghề se nhang ở xã Lê Minh Xuân sản xuất quanh năm, nhưng náo nhiệt, tất bật nhất là những ngày giáp Tết Nguyên đán và các tháng âm lịch có ngày lễ lớn như rằm tháng Giêng, rằm tháng 7. Vào những dịp cao điểm, các hộ huy động tất cả các thành viên trong gia đình sản xuất hăng say từ sáng đến tối để kịp giao hàng.
Trung bình mỗi ngày, các cơ sở nhang sản xuất được 3.000 – 4.000 thiên nhang (1000 cây/thiên). Cơ sở nhỏ hơn thì công suất từ 100 - 500 thiên, mỗi thiên có giá từ 30-40 nghìn đồng tùy loại. Từ đây, những nén nhang theo chân thương lái đi khắp các tỉnh, thành.

Nén nhang “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”
Nhang của làng nghề Lê Minh Xuân có mùi thơm dễ chịu, tốc độ cháy chậm và không gây hại đến sức khỏe nên rất được khách hàng ưa chuộng. Để làm ra một nén nhang phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên, phải làm chân nhang, nhuộm đỏ một phần tăm rồi phơi dưới nắng gắt. Nếu bị ẩm, chân nhang sẽ mốc, không đạt yêu cầu. Tiếp đó là nghiền bột, trộn bột nhang, se nhang, phơi khô và đóng gói.

Để làm được 1 que nhang, phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ

Trước kia, nguyên liệu làm nhang chủ yếu là mùn cưa nhuyễn trộn với nước nhớt từ vỏ cây bời lời (một loại cây rừng) để tạo độ dẻo, kết dính. Tùy vào công thức gia truyền của mỗi gia đình mà bột nhang có thể thêm hương liệu như trầm, quế để tạo hương thơm. Sau đó, các thợ dùng bàn lăn se thủ công từng cây nhang. 
Hiện nghề làm nhang được cải tiến hơn rất nhiều. Bột không còn trộn dẻo nữa mà nhúng chân nhang đang ướt vào bột khô rồi lăn. Nguyên liệu cũng không phải chế biến mà có nơi cung cấp.

Nhờ thiết bị, máy móc mà việc làm nhang đỡ vất vả hơn

Các loại máy trộn, máy ép, sấy, máy phóng nhang, máy lừa tăm… không chỉ giúp cây nhang đều, đẹp hơn mà còn giảm đáng kể sức lao động, tăng năng suất và cải thiện thu nhập người dân.  
Riêng công đoạn phơi nhang trên các vỉ tre, tưởng dễ dàng nhưng cũng “nhiêu khê” không kém vì phải trông vào thời tiết. Nếu trời mưa mà không thu vào kịp, bột nhang sẽ bị rã, hư cả mẻ nhang, còn nếu nắng không to, nhang dễ bị xuống màu, nhợt nhạt, không bắt mắt. Sau khi giao cho các đại lý, nhang mới được tẩm hương và gắn nhãn hiệu theo yêu cầu của khách hàng.


Lưu giữ văn hóa làng nghề giữa đô thị sôi động nhất nước

Những ngày nắng gắt, việc phơi nhang rất thuận lợi, nhang có màu vàng đẹp

Đa phần người dân làng nhang Lê Minh Xuân đều xem đây là nghề mưu sinh chính, cha truyền con nối. Một số hộ làm nhang thâm niên như ông Trương Hữu Thanh (60 tuổi), ông Huỳnh Văn Tính (51 tuổi) hay bà Lê Thị Quá đều nối nghiệp cha mẹ dù không biết gia đình khởi nguồn nghề làm nhang từ khi nào. 

Nhang được bó thành từng bó, phơi cho thật khô mới dễ đốt

Tuy nhiên, cũng có không ít gia đình xem việc làm nhang như cách kiếm thêm thu nhập lúc rảnh rỗi. Công việc làm nhang không quá nặng nhọc, nhưng đòi hỏi sự kiên trì. Thường phải làm nghề từ 4-5 tháng, người se nhang mới có thể lấy lại vốn đầu tư.

Nhang của làng Lê Minh Xuân được ưa chuộng bởi có mùi thơm dễ chịu, cháy chậm và không gây hại sức khỏe

Nhưng cũng chính nghề làm nhang này đã giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định, phát triển cuộc sống. Năm 2014, làng nhang Lê Minh Xuân với hơn 150 hộ sản xuất, được TP.HCM công nhận là làng nghề truyền thống, triển khai bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các làng nghề.

Trải qua nhiều thăng trầm, hiện, làng nghề nhang Lê Minh Xuân vẫn lưu giữ được nét đẹp văn hóa của cha ông và được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến mới thu hút để phát triển du lịch làng nghề trong thời gian tới. 

Hình ảnh: Tổng hợp