Duyên Dáng Việt Nam

Lang thang cùng mây trắng trời xanh (tiếp theo)

Thoại Vy • 10-08-2018 • Lượt xem: 1318
Lang thang cùng mây trắng trời xanh (tiếp theo)

Hình ảnh “trường thiên” thường đi với “cô vân” trong cổ thi như một cặp phạm trù đối xứng mà hài hòa. Có mây lẻ, trời xanh thì mới có cái tôi sừng sững cô độc của thi nhân Lý Bạch trong “Độc tọa Kính Đình san” (Ngồi một mình trên núi Kính Đình): “Chúng điểu cao phi tận – Cô vân độc khứ nhàn…”

Trong khi đó, thi sĩ Huy Cận gánh cả nỗi lòng cố hương, mà thốt ra nghe nhẹ bẫng: “Lớp lớp mây cao đùn núi bạc – Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa” (Tràng giang). Mây cao vời vợi, không phải mây sa sầm điêu linh giáp mặt đất ngoài biên ải “Tái thượng phong vân tiếp địa âm” (Thu hứng – Đỗ Phủ) báo hiệu điềm chẳng lành của loạn ly bi thảm. Cũng chẳng u buồn xa vắng như mấy câu thơ của Vương Bột xưa “Lạc hà dữ cô lộ tề phi – Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc” (Tạm dịch: Ráng chiều cùng bay với cánh cò cô lẻ - Nước mùa thu trong xanh, hòa cùng màu trời xanh mênh mang một sắc).

Hình ảnh “trường thiên” thường đi với “cô vân” trong cổ thi như một cặp phạm trù đối xứng mà hài hòa. Có mây lẻ, trời xanh thì mới có cái tôi sừng sững cô độc của thi nhân Lý Bạch trong “Độc tọa Kính Đình san” (Ngồi một mình trên núi Kính Đình): “Chúng điểu cao phi tận – Cô vân độc khứ nhàn…” (Tạm dịch: Bầy chim bay cao mất hút – Mây lẻ bay nhàn tản bơ vơ / đơn độc).

Cái kiểu vẩn vơ, nhàn tản mà không hề thư thái nên khi chiêm nghiệm, soi vào sự tương quan bất biến giữa vũ trụ - thiên nhiên miên viễn mà cuộc đời con người thì nhỏ bé, hữu hạn bao giờ cũng gieo vào lòng ta nỗi niềm của Huy Cận “mang mang thiên cổ sầu”.

“Ngàn năm mây trắng vẫn còn bay nhởn nhơ” (“Bạch vân thiên tải không du du”, trích “Hoàng Hạc lâu”– Thôi Hiệu) nên mối sầu thiên cổ hoài đeo đẳng lòng người. Tiễn bạn đi xa phải có “mây trắng” mới đượm màu ly biệt. Nếu không có “bạch vân” như chén ly bôi thì thử hỏi Lý Bạch xưa có đành lòng quay gót trở về cố quận: “Bạch vân xứ xứ trường tùy quân” (Trích “Bạch vân ca tống Lưu thập lục quy sơn” – Bài ca mây trắng tiễn anh Lưu mười sáu về núi”).

Bạn quy ẩn, ta chỉ còn cách nhờ mây trắng dõi theo! Không có một từ nào là nhớ nhung, lưu luyến mà sao vẫn cảm nhận cả một trời bịn rịn đăm đắm đến mỏi mòn mắt trông. Nên chẳng lạ gì khi chỉ cần một “nhãn tự” (duy kiến) mà cả dòng Trường Giang cuồn cuộn chảy cũng không ngăn nỗi tấm chân tình ta dành cho bạn: “Cô phàm viễn ảnh bích không tận – Duy kiến Trường giang thiên tế lưu” (“Bóng cánh buồm lẻ loi xa lẫn trong khoảng không xanh biếc – Chỉ thấy dòng Trường giang mải miết chảy bên trời” – Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng - Lý Bạch).

Một đằng là tiễn bạn về núi, một nẻo là tống biệt về nơi phồn hoa đô hội. Nỗi lòng nào cũng chân thành, tình bạn nào cũng keo sơn. Nhưng đọc kĩ sẽ thấy tiễn bạn “quy sơn” thì không vướng bận dây dưa, mà đưa tiễn đến nơi “Yên hoa” thì lòng lại nặng trĩu?!. Có thể vì nơi đô hội vốn phù hoa và đầy cám dỗ nên chỉ e bạn sa chân sẩy bước. Còn về núi là yên ổn, theo quan niệm xưa.

Chẳng sợ ai hãm hại, lại là nơi để di dưỡng tinh thần. Cho nên lỡ “tối tác” vài câu thơ mà không có tri âm đọc và cảm, thì thôi ta yên tâm về núi cũ để "Trị vết thương lòng”: “Nhị cú tam niên đắc – Nhất ngâm song lệ lưu – Tri âm như bất thưởng – Quy ngọa cố sơn thu” (Thơ Giả Đảo, bản dịch Trần Trọng San : Hai câu (thơ) làm mất ba năm – Một ngâm lã chã hai hàng lệ rơi- Tri âm nếu chẳng đoái hoài – Trở về núi cũ, nằm dài với thu). Kỳ công chưa !?. Có thể yên lòng về núi vì nơi đó rất gần với trời xanh. Mà trời xanh - mây trắng thì vô cùng trong trẻo, cao khiết. Tất nhiên, trừ khi có mây đen vần vũ. Xin khép lại bài viết này cũng bằng mấy câu thơ của người xưa theo thể ngũ ngôn Đường luật, cứ tự diễn dịch theo ý mình:

“Thử địa nhất vi biệt 
Cô bồng vạn lí chinh 
Phù vân du tử ý –
Lạc nhật cố nhân tình”

(Tống hữu nhân – Lý Thái Bạch)