Duyên Dáng Việt Nam

Lễ hội lồng đèn Hội An

Quyên Hà • 21-09-2020 • Lượt xem: 2901
Lễ hội lồng đèn Hội An

Bạn đã từng hay chưa từng đến Hội An? Dù câu trả lời là gì, sau mùa Covid này, hãy thử một lần khám phá Hội An một lần nữa vào đêm 14 hàng tháng.

 

Vào đêm này, tất cả ánh đèn điện vốn thắp sáng nên một Hội An rực rỡ vào ban đêm, sẽ được tắt hết, nhường lại cho ánh sáng ảo diệu tỏa ra từ hàng ngàn chiếc đèn lồng muôn màu.

Vẻ đẹp cổ kính đầy thơ mộng

Phố cổ Hội An, một trong những khu phố lâu đời nhất Việt Nam, tiếp đón hàng triệu khách du lịch mỗi năm từ khắp mọi miền tổ quốc và khách nước ngoài từ các quốc gia trên thế giới. Tất cả đổ xô tới đây để chiêm ngưỡng thành phố trăm tuổi được gìn giữ gần như nguyên vẹn qua bao thế kỷ, với lối kiến trúc cổ kính bao phủ bởi màu vàng chủ đạo.

Du khách đến đây sẽ thấy mình như lạc vào thế giới khác, bao quanh bởi hàng ngàn chiếc đèn lồng rực rỡ đủ mọi sắc màu hình dáng. Đèn lồng hình bí, hình trám, đèn củ tỏi và đèn giả kéo quân trong màu vàng, màu đỏ, xanh da trời, xanh lá cây, tím.

Những chiếc đèn giăng khắp trời, từ dãy phố này qua dãy phố khác, mỗi cửa hàng lại chọn cho mình một cách treo đèn khác nhau, chờ đến khi mặt trời lặn, tất cả sẽ được thắp sáng tạo nên một Hội An đầy ảo diệu.

Lịch sử và ý nghĩa của những chiếc Lồng đèn

Vào khoảng thế kỷ 16 – 17, Hội An từng là một trong những thương cảng sầm uất nhất của Đông Nam Á, là điểm cập bến của bao thế hệ thương nhân người Hoa. Chính những thương nhân này đã mang theo những chiếc đèn lồng đầu tiên và mang theo cả tục lệ treo đèn lồng trước nhà vào Hội An.

Thời xa xưa, người Việt Nam thường thắp sáng đèn dầu trước cửa nhà khi trời tối, cầu mong may mắn và hạnh phúc cho cả gia đình và làng xóm. Sau này, đèn lồng đã thay thế cho đèn dầu để mang theo ước nguyện đó.

Vào ngày 14 hàng tháng, từ khi màn đêm buông xuống tới khoảng 9 – 10h đêm thành phố sẽ tổ chức lễ hội Lồng đèn. Khoảng thời gian kéo dài 3 đến 4 tiếng, đủ cho du khách có trải nghiệm đa dạng khi khám phá phố cổ vào những đêm đặc biệt này.

Bên cạnh việc đèn điện sẽ được tắt hết, nhường chỗ cho ánh sáng mờ ảo của đèn lồng thì hoạt động thả đèn hoa đăng trên sống Thu Bồn cũng sẽ cho bạn những kỷ niệm không thể nào quên. Hàng ngàn chiếc đèn trôi sông hình hoa sen đầy màu sắc này tượng trưng cho hàng ngàn điều ước của du khách.

Ngoài những ước nguyện, đèn hoa đăng còn là một cách tưởng nhớ những người thân đã khuất. Mỗi chiếc đèn đều mang một điều ước và hi vọng trong mình.

Thưởng thức truyền thống mùa lễ hội

Nếu đến thăm Hội An vào đúng dịp Trung Thu, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức múa lân trong khung cảnh cổ tích của hàng ngàn chiếc đèn lồng. Vào mùa trung thu, người dân địa phương còn treo bên dưới đèn lồng những bó hoa thể hiện tình yêu gia đình, sự đoàn viên, lòng biết ơn và hiếu thảo.

Vào đêm rằm Trung thu, các bé cũng sẽ đi rước đèn và hát những bài hát truyền thống mùa lễ hội, tạo thêm cảnh tượng lung linh và không khí nhộn nhịp cho phố cổ. Ngoài ra, bạn cũng sẽ có dịp chứng kiến những trò chơi truyền thống tại Hội An, là một phần văn hóa đặc sắc nơi đây.

Trong khu vực dọc sông Thu Bồn sẽ tổ chức những trò chơi địa phương như Bài Chòi, một trò chơi dân gian của miền trung. Các hoạt động đều được tổ chức ngoài đường phố để du khách có thể tham gia.

Nếu bạn muốn tham gia vào trò chơi bài Chòi, bạn sẽ nhận được một tấm thẻ và chờ cho đến khi trò chơi kết thúc. Khi bài hát kết thúc, người quản trò sẽ đọc to số của người chiến thắng.

Trong suốt thời gian trò chơi diễn ra, người quản trò sẽ hát các bài hát truyền thống minh họa theo từng hoạt động của trò chơi. Trong không khí Trung Thu Hội An, giai điệu truyền thống của Bài Chòi vang vọng trong khung cảnh lung linh của những chiếc đèn lồng rực rỡ tạo nên bầu không khí đầy mộng mơ.

Mang một chút Hội An về nhà

Kết thúc chuyến đi với cảm giác lưu luyến không dứt cho thành phố xinh đẹp này? Bạn luôn có thể mang về nhà một chút Hội An, một món quà lưu niệm xinh xắn hay vài chiếc đèn lồng để treo trước cửa nhà những ước nguyện của mình.

Thú vị hơn, sao bạn không thử đến thăm những làng nghề truyền thống tại đây, quan sát cách một chiếc đèn lồng được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân và tự tay làm cho mình một chiếc.

Theo những người lớn tuổi tại Hội An, ông tổ của nghề làm lồng đèn Hội An là Xã Đường, là một nghệ nhân chế tác đầu lân và lồng đèn cho các đêm hội, các cuộc thi đấu xảo và thi đèn kéo quân. Kỹ thuật chế tác lồng đèn được truyền qua nhiều thế hệ, cải tiến chiếc lồng đèn ngày càng đa dạng mẫu mã và phong phú về chất liệu.

Đèn lồng Hội An không chỉ là hiện thân của tâm hồn và đôi bàn tay người nghệ nhân, mà còn là linh hồn của một nền văn hóa hàng tram năm tuổi. Đừng chờ đợi thêm nữa, qua mùa dịch này, hãy xách vali lên để chìm đắm trong không khí truyền thống của Lễ hội Lồng đèn Hội An bạn nhé.