Ẩm thực, hiểu nôm na là ăn uống (đồ ăn và thức uống) để phục vụ nhu cầu cơ bản và quan trọng nhất của con người. Ẩm thực gắn liền văn hóa, lịch sử, địa lý, phong tục, khẩu vị từng dân tộc.
Mỗi dân tộc đều có thế giới ẩm thực riêng. Việt Nam có 54 dân tộc anh em nên ẩm thực Việt là cả một “vũ trụ” đồ ăn - thức uống với nguyên lý “Âm dương phối triển” và “Ngũ hành tương sinh”.
Nhiều chuyên gia ẩm thực thế giới nhận định: “Ẩm thực Việt phong phú, giàu có thuộc top đầu thế giới”. Philip Kotler, cha đẻ Marketing hiện đại từng khuyên “Việt Nam hãy là nhà bếp của thế giới”. Yan Can Cook, đầu bếp lừng danh thế giới cũng từng mong ước: "Tôi sẽ chọn một tô phở to và đẹp là món ăn cuối cùng nếu từ giã cuộc đời".
Ẩm thực Việt Nam rất phong phú và gắn liền với văn hóa của từng vùng, miền
Với ngành du lịch, ẩm thực là yếu tố vô cùng quan trọng, góp phần quyết định hiệu quả kinh doanh và là thế mạnh của du lịch Việt Nam. Điều này, gần đây mới được công nhận qua việc thành lập các tổ chức của đầu bếp và ẩm thực mà trong đó, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam và Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn là minh chứng, tiên phong quảng bá ẩm thực Việt. Các cơ quan báo chí, truyền thông cũng đều có chuyên mục về ẩm thực.
Nhiều sự kiện ẩm thực đã được tổ chức, nhiều kỷ lục quốc gia về món ăn được công nhận. Ẩm thực Việt ngày càng tự tin, vững bước ra thế giới. Sắp tới đây, lễ hội “Rạng danh Văn hóa ẩm thực Việt” do Hiệp hội Du lịch TP.HCM, Chi hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn cùng Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam sẽ tổ chức tại Dinh Độc Lập từ ngày 20 - 22.10.2023, nhân ngày Đầu bếp Thế giới (20.10.2004).
Ban tổ chức lễ hội đã làm việc hết sức, nối kết các địa phương để chọn 126 món ngon của 63 tỉnh thành và ra mắt Bản đồ ẩm thực Việt giai đoạn 2 với vô số món ăn vùng miền. Trước đó, Bản đồ ẩm thực Việt giai đoạn 1 đã trình làng 63 món đặc trưng của 63 tỉnh thành và được đón nhận nhiệt liệt.
Lễ hội lần này sẽ vinh danh các đầu bếp, nghệ nhân ẩm thực Việt qua nhiều thế hệ. Họ là những người đã dành hết tâm huyết, nhiệt thành cho việc nâng tầm ẩm thực Việt. Họ không ngừng sáng tạo, chế biến thêm nhiều món ngon và lạ, tham gia dự thi quốc tế với nhiều giải thưởng danh giá trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Với họ, ẩm thực Việt Nam là nguồn đam mê và cảm hứng vô tận, được hành nghề bằng tất cả niềm tin yêu như một thứ tôn giáo nghề nghiệp.
Một Chef, nghệ nhân đang tạo hình với món ăn Việt
Lễ hội lần này có sự tham gia của Hiệp hội Đầu bếp Thế giới và sẽ có thêm nhiều kỷ lục quốc gia, thế giới được xác lập. Nhiều du khách nước ngoài hiện đã đã xếp lịch đến lễ hội để “mục sở thị”, ăn thử và khám phá vũ trụ ẩm thực Việt Nam. Ban tổ chức đã kết nối với hàng trăm doanh nghiệp du lịch, từ lữ hành đến khách sạn, nhà hàng; các điểm đến tới các dịch vụ lưu niệm… với hơn 100 gian hàng trong nước và quốc tế.
Ngày 20.10 cũng là kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ VN (1930 - 2023). Lễ hội sẽ vinh danh những “Đầu bếp nữ tài năng” của ẩm thực Việt. Ngoài việc khám phá và thưởng thức món ngon, lễ hội còn nhiều hoạt động khác như biểu diễn ẩm thực sân khấu, hướng dẫn và dạy nấu ăn, ca nhạc tạp kỹ; các chương trình khuyến mại du lịch, ẩm thực…
Dinh Độc Lập là nhân chứng lịch sử, nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước bao gồm cả chính trị lẫn văn hóa, kinh tế. Lễ hội “Rạng danh văn hóa ẩm thực Việt” cũng nằm trong dòng chảy của dân tộc, là một phần tất yếu của ngành du lịch TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Lễ hội chỉ là bước khởi đầu của kế hoạch Rạng danh văn hóa ẩm thực Việt. Hy vọng sắp tới sẽ có các lễ hội về từng loại thức uống, từng món ngon vùng miền, món ngon sưu tầm trong dân…
Tuy nhiên, để ẩm thực Việt hòa nhập với thế giới sâu rộng và rạng danh hơn, cần “Gợi đục khơi trong”, xóa bỏ nhiều món ăn như tiết canh, thịt chó mèo; cấm săn bắt động vật hoang dã; các thói quen ăn - nhậu tràn lan… và cần có những tạp chí ẩm thực Việt xứng tầm.
Theo Nguyễn Đức Huy/1thegioi.vn