Duyên Dáng Việt Nam

Lo ngại kẹt xe và khó cứu hộ nếu thành phố mở 'siêu' phố đi bộ

Đan • 06-10-2018 • Lượt xem: 1349
Lo ngại kẹt xe và khó cứu hộ nếu thành phố mở 'siêu' phố đi bộ

Một số bất cập đã được các chuyên gia chỉ ra nếu khu đi bộ ở trung tâm Sài Gòn được quyết định mở rộng theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM. 

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM vừa đề xuất xây dựng đường Lê Lợi (quận 1) kết hợp khu vực vòng xoay trước chợ Bến Thành thành quảng trường đi bộ.

Không gian đi bộ cũng được đề nghị mở rộng sang hướng Đông (phía sau Nhà hát thành phố) thành khu vực buôn bán quá cảnh, hình thành thêm trục đi bộ phủ xanh kéo dài từ khu Ba Son đến quảng trường trước chợ Bến Thành và Công viên 23/9.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị bày tỏ lo ngại, khuyên thành phố chỉ nên xây dựng các khu đi bộ nhỏ để dễ quản lý. Khác với đường Nguyễn Huệ đa phần là công ty, khách sạn, đường Lê Lợi có hàng nghìn nhà dân hai bên. Nếu biến nơi đây thành phố đi bộ sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ. 

Theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, thành phố tạo thêm không gian đi bộ cho người dân là tốt, song biến trục đường Lê Lợi thành phố đi bộ như mô hình đường Nguyễn Huệ lại là vấn đề cần tính toán kỹ lưỡng: "Đường Nguyễn Huệ nhỏ hơn, chỉ giao cắt các đường nhỏ dạng xương cá nên không ảnh hưởng nhiều đến giao thông. Trong khi trục Lê Lợi có hai đường lớn là Pasteur và Nam Kỳ Khởi Nghĩa băng qua, chắc chắn sẽ gây trở ngại trong việc đi lại của người dân".

Khi trục Lê Lợi bị biến thành phố đi bộ, khu trung tâm TP HCM sẽ bị cắt làm đôi. Các loại xe phải đi vòng đến hết đường này mới quay lại được.

Ý tưởng quy hoạch các tuyến phố đi bộ liên hoàn (màu xanh lá) ở trung tâm TP HCM

Nếu thành phố không có hệ thống đường vành đai tốt sẽ rất lúng túng khi xảy ra sự cố: xe cứu hỏa không có đường chạy vào, người bên trong không có đường chạy ra... 

Theo các chuyên gia cần tính toán các mặt: giao thông, giao tiếp, nhu cầu phục vụ những người đi bộ, các công trình cần có lợi hơn cho sự phát triển của thành phố.