Duyên Dáng Việt Nam

Lòng vòng con đường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Tự Phong • 22-12-2020 • Lượt xem: 1134
Lòng vòng con đường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất nhất thế giới, vì thế, đây là thị trường tiêu thụ nông sản lớn và Việt Nam luôn có lợi thế vì có chung đường biên giới dài nên hàng năm một lượng lớn nông sản đã được xuất sang đây bằng chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Với nhiều người, Trung Quốc là thị trường dễ tính nhưng thực tế để xuất được sang đây, doanh nghiệp Việt cũng gặp không ít khó khăn khi sản phẩm qua nhiều khâu trung gian khác nhau.

Tại hội thảo "Chuyển đổi số và liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp", được tổ chức trong khuôn khổ diễn đàn Mekong Connect 2020 tổ chức tại Đồng Tháp, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã tiết lộ một thông tin khiến không ít người giật mình.

Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty cổ phần Bagico, nông sản do người dân Việt Nam trồng đến tay người tiêu dùng Trung Quốc phải qua 13 khâu trung gian. Cụ thể, từ người sản xuất Việt Nam đến người tiêu dùng của Trung Quốc phải qua rất nhiều khâu trung gian và ở mỗi khâu trung gian đều có người làm chủ và họ sẽ tính toán giá bán, khấu trừ lợi nhuận để đưa ra giá mua phù hợp....

Dù vậy nhưng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản phải chấp nhận vì không còn cách nào khác vào thời điểm này Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản chủ yếu của Việt Nam trong nhiều năm qua như mặt hàng rau, của quả luôn chiếm gần 70% tổng giá trị xuất khẩu hàng năm của toàn ngành.

Ngoài ra, còn có những sản phẩm luôn chiếm vị trí xuất khẩu gần như tuyệt đối như khoai mỳ/sắn khi chiếm trên 80-90% giá trị xuất khẩu vào thị trường này. Ngoài những mặt hàng nói trên còn có mặt hàng gạo, hạt điều, thanh long… đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường này và một khi doanh nghiệp gặp khó khăn khi xuất sang Trung Quốc, ngay lập tức, thị trường nội địa giảm giá mạnh.

Ví dụ, với một lý do nào đó, Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu thanh long, ngay lập tức, loại trái cây này tràn ngập trên vỉa hè TPHCM với giá 10.000 đồng/3kg hay câu chuyện giải cứu chuối ở Đồng Nai, giải cứu dưa hấu ở miền Trung trong những năm qua là một dẫn chứng.

Để khắc phục được tình trạng trên, theo Chủ tịch Công ty Bagico, phải có sự chuyển đổi số trong nông nghiệp, đầu tiên là bắt đầu từ người dân bằng việc số hóa từng nông dân, từng mét đất, tức là người dân số phải sử dụng những công cụ hỗ trợ đơn giản và dễ hiểu nhất thông qua điện thoại. Ngoài ra, các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ phải liên kết theo chuỗi...

Tuy nhiên, để chuyển đối số trong nông nghiệp không phải là điều dễ dàng trong những năm tới, vì thế, câu chuyện nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn qua nhiều khâu trung gian vẫn là bài toán chưa có lời giải và doanh nghiệp phải sống chung với nói như một phần tất yếu của vấn đề này.