ĐỜI SỐNG

Lưu ý khi dùng đồ hộp để tránh ngộ độc botulinum

Thơ Ly • 02-06-2023 • Lượt xem: 926
Lưu ý khi dùng đồ hộp để tránh ngộ độc botulinum

Thực phẩm đóng hộp luôn tiềm ẩn những nguy cơ ngộ độc vô cùng nguy hiểm. Để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn cần thật lưu ý khi dùng những thực phẩm đóng hộp.

Tin bài khác:
Những điều cần biết về rối loạn tiêu hóa khi đi du lịch biển
Ăn uống bất thường - Sai lầm trong kiểm soát cân nặng

Những ngày qua, những vụ ngộ độc botulinum sau khi dùng thực phẩm đóng hộp liên tục xảy ra khiến nhiều người lo lắng. Các chuyên gia đã cảnh báo, ai cũng có thể trở thành nạn nhân của ngộ độc botulinum vì loại vi khuẩn này rất phổ biến. Những loại thực phẩm đóng hộp, lên men tiềm ẩn nhiều nguy cơ chứa độc tố botulinum. Thế nên khi sử dụng những loại thức ăn này, bạn cần lưu ý những điều sau đây.

Không dùng đồ đóng hộp hết hạn sử dụng, không nguyên vẹn

Trước khi được tung ra thị trường, các thực phẩm đóng hộp phải tuân thủ quy trình rất nghiêm ngặt để tránh sự lây nhiễm của vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng tuyệt đối an toàn khi đến tay người sử dụng. Trước tiên, bạn cần kiểm tra hạn sử dụng và cả bao bì của chúng xem có điểm gì bất thường không. Nếu vỏ đồ hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ hay không còn nguyên vẹn thì tuyệt đối không dùng. Vì rất có thể vi khuẩn gây hại đã kịp xâm nhập vào trong.

Không nên giữ thực phẩm lên men quá lâu

Những món lên men như dưa muối, măng, cà muối,... được nhiều gia đình tự đóng gói và để trong thời gian dài để sử dụng dần. Điều này rất dễ để vi khuẩn có hại xâm nhập vào. Bởi đa số đều được đóng góp hay đậy kín bằng cách truyền thống. Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng tốt nhất không giữ thực phẩm đóng hộp quá 1 năm. Bạn cũng cần đảm bảo độ chua mặn, khi những thực phẩm này đã hết chua thì không nên ăn.

Bảo quản đúng nhiệt độ, đúng nơi

Bạn cần bảo quản thực phẩm đóng hộp ở nơi khô ráo, thoáng mát với nhiệt độ thích hợp. Tốt nhất là từ 10 đến 21 độ C, không vượt quá 30 độ C và cũng không ở trong môi trường đóng băng. Thực phẩm đóng hộp không nên tiếp xúc với độ ẩm quá mức như trên bếp hoặc bên dưới bồn rửa.

Bạn nên ăn hết thức ăn ngay sau khi mở nắp. Thực phẩm sau khi khui không nên tiếp tục bảo quản trong hộp sắt mà cần được đun lại. Sau đó, chuyển phần thức ăn ấy vào hộp nhựa hoặc hộp thủy tinh kín khi rồi bỏ vào tủ lạnh. Bạn có thể sử dụng phần thực phẩm này trong vòng 2 - 3 ngày tới. 

Cảnh giác với thực phẩm đóng hộp kém an toàn

Chúng ta cũng cần hết sức cảnh giác với những loại thực phẩm, đồ ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không có giấy phép hay nguồn gốc thức ăn rõ ràng. Bạn chỉ nên chọn mua những đồ hộp có đủ nhãn, ghi đầy đủ thông tin như xuất xứ hàng hoá, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, …

Với người có bệnh lý nền

Với những ai có bệnh lý nền, cần phải đọc thông tin về hàm lượng muối trên vỏ hộp. Khi nghi ngờ bản thân bị ngộ độc thực phẩm dù là nguyên nhân gì cũng cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.