Trái ngược với động vật, con người được giáo dục để nhận thức được những tác động của các hành động xấu từ khi còn rất nhỏ. Chúng ta gọi cảm giác này là cảm giác tội lỗi. Nhưng điều gì sẽ xảy ra với hành vi của con người nếu cảm giác tội lỗi không được rèn luyện đúng cách trong suốt thời thơ ấu?
Nhận định sau đây có thể bị cho là vơ đũa cả nắm, nhưng cũng gần đúng với hiện trạng ngày nay, khi nói rằng chúng ta đang thiếu cảm giác tội lỗi – không thấy có lỗi khi làm sai. Hoặc ít nhất là nhận thức của mọi người về điều này đã giảm mạnh theo thời gian.
CẢM GIÁC TỘI LỖI LÀ GÌ?
Nó là nhận thức cảm xúc về mức độ hành động của chúng ta. Khi chúng ta hành động sai, chúng ta sẽ trải qua sự cộng hưởng về mặt cảm xúc và trí tuệ. Nhận thức rằng hành động sai hoặc đem lại kết quả không mong đợi sẽ khiến chúng ta cảm thấy có lỗi với chính bản thân hay đối với một ai đó. Phản ứng này rất quan trọng để tránh lặp lại một số kiểu hành vi tiêu cực nhất định.
Tuy nhiên, để có được nhận thức cảm giác tội lội, chúng ta cần khổ luyện. Đặc biệt, ở giai đoạn còn nhỏ, chúng ta cần rèn luyện tiềm năng cảm xúc để cảm thấy tội lỗi mỗi khi chúng ta hành động thiếu tôn trọng với người lớn.
Sự thật là, một bộ máy cảm xúc đáp ứng được cuộc sống hiện tại không tự nhiên mà có. Nếu chúng ta nhìn vào phản ứng của động vật, thì rõ ràng là chúng hoàn toàn không hối hận về hành động của mình. Như loài chó, sau khi hăm doạ người đi đường bằng bộ mặt dữ tợn và tiếng sủa của mình, chúng dường như không cảm thấy tội lỗi. Chúng sẽ vẫn bình thản và tiếp tục "cư xử" như vậy với người tiếp theo. Ở chúng không có mối tương quan giữa trí tuệ và cảm xúc trong vấn đề bạo lực và hệ quả của bạo lực. Vì vậy, người ta cho rằng cái được gọi là “gương mặt tội lỗi” của loài chó mà chúng ta bắt gặp được thực chất là phản ứng cảm xúc trước hành vi của chủ hơn là trạng thái hối hận thật sự xuất phát từ chúng.
CẢM GIÁC TỘI LỖI HÌNH THÀNH TRONG TÂM TRÍ CON NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?
Theo dạng biểu đồ, chúng ta có thể xem tâm lý trẻ sơ sinh giống như tâm lý động vật. Khi vừa sinh ra, trẻ gặp khó khăn trong quá trình trải nghiệm và sắp xếp những đặc trưng lý trí thành quá khứ, hiện tại và tương lai. Mỗi khoảnh khắc dường như đều mới mẻ và không liên quan gì đến những khoảnh khắc khác. Với sự tồn tại hỗn loạn này, trẻ em thiếu bản năng tự bảo vệ và có xu hướng liên tục đặt cuộc sống của mình và những người khác vào tình thế nguy hiểm. Do đó, gia đình và người chăm nom luôn cần ở bên cạnh để hạn chế những hành động nguy hiểm của chúng.
Trong hệ thống xã hội loài người, người lớn đại diện là rào cản đối với sự ương bướng của trẻ sơ sinh. Họ quyết định những gì bọn trẻ được và không được làm. Nói cách khác, sự hướng dẫn và hạn chế của cha mẹ hình thành nguyên mẫu của hệ thống luật pháp, đảm bảo sự tồn tại của nhiều cá thể tôn trọng lẫn nhau trong xã hội.
Sự thiếu cảm giác tội lỗi mà chúng ta thấy ở trẻ em thường xuất phát từ phong cách dạy trẻ của bậc phụ huynh, khi quá nuông chiều hay dễ dãi với con cái, cha mẹ không đặt ra những quy tắc trong gia đình, điều này khiến trẻ “không có cơ hội sai lầm” để nhận biết đúng sai và hình dung những hình phạt đang chờ đợi. Hoặc sẽ có những quy tắc được đặt ra nhưng không được áp dụng đủ nghiêm ngặt. Khi đó, một trong hai trường hợp như sau sẽ xảy ra.
- Trẻ em được nuôi dạy trong môi trường tự do sẽ hình thành suy nghĩ rằng chúng có thể nghĩ hay làm bất cứ điều gì mà không gặp cản trở. Niềm tin này tất nhiên sẽ khiến chúng nếm mùi đau khổ vì khi trưởng thành, hiện thực bên ngoài sẽ là nơi hạn chế và phá hoại những kế hoạch của chúng. Nhưng quan trọng hơn, tiềm năng cảm xúc tội lỗi bị mất đi, trẻ em khi lớn lên tự cho mình là trung tâm, mọi thứ trong cuộc sống đều phải thực hiện theo nhu cầu của chúng.Từ đó, chúng khó có thể kết nối và hoà nhập được với mọi người xung quanh.
- Trường hợp thứ hai rất phổ biến, khi chúng ta nghĩ đến những người thường xuyên không thể hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn. Đây là một ví dụ điển hình cho việc dù không đạt được mục tiêu cũng không gây ra phản ứng cảm xúc – thất vọng hay tội lỗi. Vì việc không hoàn thành đúng thời hạn được giao không được xem là hành vi sai trái nên trải nghiệm này cứ lặp đi lặp lại vô số lần.
Từ những chia sẻ trên, chúng ta có thể tóm tắt diễn biến hình thành cảm giác tội lỗi như sau:
- Cha mẹ đặt ra các quy tắc, điều này rất quan trọng để hạn chế các hành vi của trẻ và tập cho chúng phân định được các giới hạn;
- Trẻ xem những quy tắc này là gọng kìm hạn chế thói quen của chúng, vì vậy chúng phá vỡ;
- Khi các quy tắc bị phá vỡ, trẻ bị trừng phạt và cảm nhận cảm giác tội lỗi;
- Cảm giác tội lỗi rất quan trọng để ngăn chặn những hành vi sai trái tiếp theo, rèn luyện một kỷ luật nhất định, đây là mấu chốt cuối cùng giúp trẻ cư xử tôn trọng, lễ độ khi hoà nhập với xã hội.
KẾT LUẬN
Trong tất cả những phẩm chất, “tôn trọng” là điều duy nhất có ở con người mà chúng ta cần phải nuôi dưỡng.
Việc mất đi cảm giác tội lỗi là bước đệm để ta quay lại với “chủ nghĩa vị kỷ tự nhiên” – chẳng khác nào chúng ta trở về thời Tiền sử, nơi mà bất kỳ giống loài nào cũng theo đuổi lợi ích của riêng mình mà không có một hệ thống cấp bậc hay thước đo luật pháp nào. Khi con người hành động ích kỷ, họ sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến thực tế xung quanh, không chỉ làm mất tính ổn định của cộng đồng mà còn mất cân bằng các hệ sinh thái. Vì với sức mạnh không thể kiểm soát của con người đối với thế giới tự nhiên, chúng ta phải rèn luyện để nhận thức được tác động của hành động bản thân.
Ảnh: Canva
Cuộc sống ngày càng bận rộn khiến chúng ta dễ dàng thoả hiệp với mọi thứ xung quanh và kể cả là dễ dãi trong việc nuôi dạy con cái. Tuy nhiên chúng ta cần nâng cao nhận thức về thói quen giáo dục này. Cha mẹ hoặc người chăm sóc có thể tham gia các khoá học hoặc tìm hiểu các thông tin về việc rèn luyện tâm lý trẻ sơ sinh/ trẻ nhỏ đúng cách.
Nếu chúng ta thực sự mong đợi con mình trở thành những thành viên có tính xây dựng trong cộng đồng, chúng ta phải dạy chúng cách hành động như thế nào để mang lại tầm vóc giá trị và có ảnh hưởng tích cực đến xã hội.