Duyên Dáng Việt Nam

Mạng xã hội đã ‘lập trình’ chúng ta như thế nào?

Hòa Bảo • 16-08-2020 • Lượt xem: 1635
Mạng xã hội đã ‘lập trình’ chúng ta như thế nào?

Mạng Internet biến chúng ta thành những chú chuột thí nghiệm để lấy được "những viên đồ ăn dạng nén" nuôi dưỡng trí tuệ.

Tháng 7.2006, Twitter ra mắt cộng đồng mạng thế giới. Đến tháng 9.2006, Facebook bổ sung thêm News Feed. Nhưng cả hai vẫn chưa mấy phổ biến nếu bạn nhìn vào danh sách 10 trang web phổ biến nhất năm, những công cụ tìm kiếm vẫn thống trị danh sách này lúc bấy giờ:

1. Yahoo

2. Time Warner (AOL)

3. Microsoft

4. Google

5. eBay

6. Fox

7. Amazon

8. Ask

9. Walmart

10. Viacom

Chỉ có 2 trong 10 trang web trên không tập trung vào công cụ tìm kiếm là Fox và Viacom. Vào năm 2006, mọi người lên Internet vì muốn tìm kiếm điều gì đó. Thậm chí nếu ta mở rộng danh sách ra 20 trang web đứng đầu thì chỉ có thêm một trang “giải trí” xuất hiện là Disney. Những trang web giải trí chỉ chiếm 3 trên 20, và không có một trang truyền thông xã hội nào cả!

Giờ thì hãy so sánh danh sách trên với bảng xếp hạng năm 2017 nhé:

1. Google

2. YouTube

3. Facebook

4. Wikipedia

5. Yahoo!

6. Reddit

7. Amazon

8. Twitter

9. Windows Live

10. Instagram

Có thể thấy, Google vươn lên dẫn đầu danh sách, nhưng 6 trong 10 trang phổ biến nhất hiện nay lại liên quan đến các trang mạng xã hội và giải trí.

Trong khi Internet năm 2006 được sử dụng để tìm kiếm thông tin cụ thể thì vào năm 2017, nó lại được sử dụng nhiều hơn để xem những thứ được soạn ra để chiêu đãi bạn. Bạn không vào Facebook, Reddit, Twitter, hay Instagram vì muốn tìm điều gì đó, mà là muốn xem những gì chúng tìm được cho bạn.

Hiện nay, ta không còn đăng nhập vào Internet như đi vào thư viện công cộng để tìm một cuốn sách ta muốn và nghiền ngẫm nó trong một góc yên tĩnh nữa, mà giống như một chuyến tham quan Las Vegas hơn, nơi ta bị cuốn vào thế giới giải trí mà không cần phải bỏ ra chút nỗ lực tìm kiếm nào.

Đó là một sự thay đổi tinh vi, và hầu hết chúng ta đều không nhận biết được chúng đang diễn ra như thế nào, nhưng theo một số cách chúng lại đang tàn phá tâm trí của chúng ta. Những cách này không thể dễ dàng nhận thấy trong đời sống thường ngày, nhưng nếu ta lùi lại để xem xét, chúng lại trở nên rõ ràng một cách hiển nhiên!

Khả năng tập trung

Rõ ràng nhất có thể thấy chính là tác động của Internet đến khả năng tập trung của chúng ta. Bạn có thể ngồi đọc sách trong một tiếng đồng hồ mà không phải kiểm tra các thông tin trên mạng xã hội hay email không? Bạn có thể đọc hết cả bài viết này mà không chuyển sang một tab hay cửa sổ khác ít nhất một lần không? Còn trong công việc, liệu bạn có thể tâp trung làm việc trong hàng tiếng đồng hồ mà không phải kiểm tra tin tức, email, hoặc những thông tin trên mạng xã hội? Hay bạn chuyển qua chuyển lại hàng tá lần trong một phút?

Internet luôn biết cách thu hút người dùng với những lựa chọn hấp dẫn nhất, những tiêu đề câu view và hình ảnh bắt mắt. Hầu hết các sản phẩm truyền thông, quảng cáo đều có hình ảnh đơn giản nhưng kích thích về màu sắc, các clip quảng cáo diễn ra trong thời gian ngắn với các chi tiết chuyển động liên tục nhằm thu hút sự chú ý của người xem.

Bạn có thể ngồi đọc sách trong một tiếng đồng hồ mà không phải kiểm tra các thông tin trên mạng xã hội hay email không? Ảnh: UNSPLASH / ROMAN-KRAFT

Bạn hãy thử hỏi bất cứ ai trên 50 tuổi hiện đang dùng Internet thường xuyên xem, mình dám chắc là phần lớn sẽ thừa nhận rằng họ có thể tập trung đọc sách dễ dàng hơn lúc còn trẻ, trước khi cuộc sống bị “xâm chiếm” bởi những thú tiêu khiển không cần nỗ lực này.

Ông Nicholas Carr đã giải thích trong The Shallows: “… khi ta trực tuyến (online), ta bước vào một môi trường thúc đẩy việc đọc lướt, suy nghĩ nhanh và phân tán, và sự học hỏi ở mức độ nông, sơ sài”.

Bạn có thể tìm đến những nơi “yên tĩnh” trên Internet như một trang blog chuyên sâu để nghiền ngẫm, đắm chìm vào nội dung như cách bạn đọc một cuốn sách. Tuy nhiên, đó không phải là cách mọi người thường lựa chọn khi sử dụng mạng internet. Mà chính là:

“Mạng Internet … biến chúng ta thành những chú chuột thí nghiệm liên tục nhấn vào thanh đòn bẩy để lấy được những viên đồ ăn dạng nén nuôi dưỡng trí tuệ và xã hội.”

Đúng vậy, thật dễ dàng để có thể lĩnh hội tri thức từ việc đọc lướt qua danh sách “5 điều bạn nên thực hiện trước 6 giờ sáng” trên trang Business Insider hơn là tiếp thu chúng bằng cách ngồi đọc một cuốn Godel Escher Bach dày cộm.

Theo thời gian, cùng với việc tiêu thụ loại “thực phẩm” từ truyền thông “thức ăn nhanh” kia thay vì “vật lộn” với một cuốn sách dày cộm, khả năng tập trung của bạn sẽ bị phai mòn đi nếu không được luyện tập.

Nghiện

Một vấn đề khác của mạng Internet chính là thông tin kém chất lượng, “lá cải”, thông tin giả.

Khi hầu hết những thông tin bạn nhận được đưa đến thông qua News Feed, bạn trở nên lệ thuộc vào những gì mà Facebook thấy là đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực thông qua các lượt thích, bình luận, và lượng thời gian mọi người bỏ ra trên trang web bạn được cho xem.

Facebook chẳng quan tâm đến việc thông tin có giá trị, hợp lý, hoặc hữu ích hay không đâu, mà chính là tính giải trí, để bạn sẽ tiếp tục trở lại Facebook và nhấn vào các dòng quảng cáo.

Tại sao chúng ta lại thấy rất nhiều người cầm điện thoại trên tay trong lúc đang ngồi cùng nhau tại nhà hàng? Ảnh: UNSPLASH / KEVIA-TAN

Nhưng vấn đề vẫn chưa dừng lại ở việc thông tin và tin tức kém chất lượng. Tại sao chúng ta lại thấy rất nhiều người cầm điện thoại trên tay trong lúc đang ngồi cùng nhau tại nhà hàng? Nghiện là một cách giải thích, cũng như do đã nói chuyện trực tuyến mọi lúc rồi nên chúng ta không còn gì để nói khi mặt đối mặt với nhau, hay một khả năng thứ ba là con người hiện nay đang trở nên quá nhàm chán.

Khi bạn có cả thế giới số được thiết kế kỹ lưỡng cho việc giải trí trong túi quần thì tại sao còn phải nói chuyện với một người rốt cuộc cũng chỉ muốn bàn về điều họ thấy trên Internet nữa?

Khi bạn có thể dành cuộc đời của mình cho những cuộc vui miễn phí trên các con phố Las Vegas thì việc vào thư viện sẽ trở thành một lựa chọn khó khăn,

Đó có thể là vấn đề tiềm ẩn và nguy hiểm nhất phát sinh từ việc chuyển từ tìm kiếm sang truyền thông. Mỗi giờ đồng hồ bạn bỏ ra trên Facebook, Instagram, Reddit, hay các phương tiện cung cấp sản phẩm giải trí khác, bạn sẽ mất đi một ít khả năng ra ngoài và tự tìm niềm vui. Và càng tiến gần đến hình thức giải trí “Las Vegas” này, khả năng tự tìm niềm vui sẽ càng bị tổn hại, và bạn lại càng dấn sâu hơn vào con đường nghiện ngập.

Nếu bạn tự nhận thấy những việc như đọc sách, đi dạo, thưởng thức bữa tối, đắm mình trong hòa nhạc, hay bất cứ hình thức giải trí nào “cổ điển hơn” là nhàm chán, thì đó là một dấu hiệu rõ ràng rằng những thụ thể dẫn truyền thần kinh của bạn đã bị Internet huấn luyện.

Những hình thức giải trí cổ điển không nhàm chán, chúng chỉ nhàm chán so với mức độ kích thích mà bạn đã quen mà thôi!

Ảnh hưởng đến trẻ con

Việc con bạn cầm điện thoại tưởng chừng như vô hại, nhưng nếu đó là cầm hàng giờ liền mỗi ngày thì sao? Lúc này, tác hại sẽ không ngờ đấy, đặc biệt đối với chính con em chúng ta.

Tất cả những tác động tiêu cực nêu trên mà mạng xã hội ảnh hưởng đến con trẻ có thể được so sánh với chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Thử lấy một ví dụ nhé. Khi một đứa trẻ dành thời gian rảnh “dán mắt” vào màn hình chiếc iPad mà bố mẹ chúng đưa để làm chúng yên lặng, thì việc lắng nghe bài giảng của một giáo viên lớp ba sẽ trở nên nhàm chán một cách khủng khiếp. Tôi nghĩ rằng, trong thời đại ngày nay, bạn sẽ khó có thể tìm được nhiều đứa trẻ không lớn lên cùng TV và máy tính nhưng lại mất đi khả năng tập trung.

Mạng xã hội đang ngấm ngầm ảnh hưởng đến khả năng tập trung của con trẻ. Ảnh: UNSPLASH / LUDOVIC-TOINEL

Và tôi nên nói rằng những ứng dụng “giáo dục” cũng không khá hơn: chúng vẫn được thiết kế để thu hút lũ trẻ, khiến chúng không chuyển sang những ứng dụng giáo dục khác, điều đó có nghĩa là, bạn có thể đoán ra rồi đấy, màu sắc tươi sáng, hành động tốc độ cao, sự chuyển màn hình, và bất kỳ kích thích nào nó có thể sử dụng để khiến lũ trẻ bị thu hút (và do vậy khiến khả năng tập trung vào các giáo viên trở nên yếu đi).

Có thể nói, hành vi mặc định của số đông là ngày càng sa lầy vào giải trí, vào News Feed, vào việc chúng ta có được những thông tin được chọn và dọn sẵn ra đĩa. Đó là căn bệnh nghiện: chúng ta dấn thân vào nó, nó sẽ càng mạnh lên, và chúng ta càng ít nhận ra được sự tác động của nó lên cuộc sống của chúng ta.

Nhưng chúng ta vẫn được quyền lựa chọn số lượng hấp thu, và không có lý do gì để bạn không chuyển về tìm kiếm thông tin, thay vì để chúng đổ lên người bạn.

(Theo Nateliason)