Duyên Dáng Việt Nam

Mẹ Mỹ dạy con gái 5 tuổi sống nên là chính mình

Kim Phượng • 03-08-2020 • Lượt xem: 544
Mẹ Mỹ dạy con gái 5 tuổi sống nên là chính mình

Trong một bài viết trên mạng xã hội, người mẹ Mỹ Toni Hammer đã gửi tới con gái 5 tuổi của mình 13 điều nhắn nhủ. Cô mong con “làm chính mình”, tự tạo trải nghiệm cho bản thân, biết cách bộc lộ cảm xúc và dũng cảm nói ra chủ kiến cá nhân.

Bài viết của Toni Hammer được nhiều cư dân mạng theo dõi, chia sẻ và bình luận. Dưới đây là bản lược dịch cụ thể những lời nhắn gửi tới con của người mẹ Mỹ.

1.Khi người khác va vào con, con không cần phải xin lỗi.

2. Đừng nói:“Xin lỗi, cháu là một người rắc rối”. Con không phải là một người rắc rối, con là một đứa trẻ có suy nghĩ và cảm nhận của riêng mình, và đáng được người khác tôn trọng.

3. Khi con không muốn ra ngoài với một người đàn ông, con không cần phải tìm lý do để từ chối, chỉ cần trả lời đơn giản là: “Không, cảm ơn” là được, bởi con không nợ bất cứ ai một lời giải thích.

4. Khi ăn uống trước mặt người khác, không cần nghĩ quá nhiều. Nếu như con đói, hãy cứ ăn đi. Hãy ăn bất cứ món gì con thích. Nếu thích pizza, hãy gọi pizza, không nên vì có người khác ở đó mà đổi sang món salad.

5. Không nên vì muốn làm hài lòng người khác mà luôn để tóc dài.

6. Nếu con không thích mặc một bộ đồ nào đó, con có thể không mặc.

7. Không nên vì không có bạn mà cả ngày không bước chân ra khỏi nhà. Con có thể tự đi một mình, vì bản thân mà tạo ra những trải nghiệm thuộc về chính con.

8. Không nên kìm nén nước mắt. Khóc sẽ giải phóng những cảm xc bên trong lòng con chứ không phải là biểu hiện của sự yếu đuối. Đó là bản tính của con người.

9. Không nên vì yêu cầu của người khác mà cố gắng gượng cười.

10. Đừng lo lắng hay e ngại khi con cười lớn trước những câu nói đùa của chính con.

11. Không nên vì lịch sự mà việc gì cũng nói “được”. Con có thể nói “không”, bởi đó là cuộc đời của bản thân con chứ không phải cuộc đời của người khác.

12. Không nên che giấu suy nghĩ của mình, hãy dũng cảm nói ra, tiếng nói của con sẽ được lắng nghe.

13. Không nên vì “làm chính mình” mà phải xin lỗi người khác. Hãy trở thành một người dũng cảm, không sợ hãi và xinh đẹp, đường đường chính chính, đĩnh đạc làm chính mình theo cách tốt nhất.

day con
Bức thư gửi con gái 5 tuổi được đăng trên Instagram - Nguồn: phunu.news

Bức thư trên thể hiện lời nhắn nhủ của người mẹ dành cho con gái mình. Cô mong con mình có thể "làm chính mình", yêu thương và tôn trọng bản thân nhiều hơn, mặc kệ ánh nhìn của mọi người, vì đây là "cuộc đời của bản thân con chứ không phải cuộc đời của người khác". 

Một số người đọc bức thư của người mẹ đã bày tỏ ý kiến của mình như sau:

Từ nhỏ chúng ta đã luôn phải học cách làm thế nào để từ bỏ cảm xúc cá nhân, thích ứng với xã hội. Tôi thực sự hy vọng có người dạy tôi những điều trên”, một tài khoản trên mạng xã hội viết.

Có thể nói đây là một hình mẫu phụ huynh quy phạm, biết cách dạy con nhất”, một tài khoản khác lên tiếng.

Mặt khác, vài bạn đọc người Việt cũng thể hiện cách nhìn nhận của mình dưới đây:

 “Mỗi đất nước có một bản sắc văn hoá riêng, tính cách và lối sống cũng khác nhau. Do vậy không nên áp đặt cách dạy con của mẹ Mỹ cho mẹ Việt Nam.", tài khoản Van Anh Uong bình luận.

 “Một số cái thì đúng là nên dạy được, nhưng một số cái đang dạy cái tôi của đứa con quá lớn và điều đó dẫn đến việc đứa con sẽ ngang bướng, hống hách. Việt Nam chứ không phải ở phương Tây, mỗi nơi có mỗi văn hóa, đừng áp đặt văn hóa nước khác vào nước mình xong rồi lại mất đi bản sắc vốn có của người phương Đông.”, tài khoản Nguyễn Thị Liên Phương bày tỏ.

Bức thư gửi con của Toni Hammer nhận được hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Một bên là ủng hộ cách dạy con độc lập, tự trọng và có chủ kiến như người mẹ Mỹ. Một bên lại đang cân nhắc sự phù hợp của việc dạy con của cô đối với văn hóa Á Đông.

Văn hóa Á Đông vốn coi trọng khuôn phép, lễ giáo và tính cộng đồng. Ở Việt Nam, cha mẹ dạy con lớn lên phải biết tôn ti trật tự; ngoan ngoãn và lễ phép với người lớn; anh em nhường nhịn lẫn nhau; phải biết hi sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của tập thể. Điều này giúp con có sự gắn kết với gia đình, người thân ngay từ tấm bé nhưng lại tiết chế và kìm hãm cảm xúc, ý muốn của con trẻ.

Đa phần con trở nên ít mạnh dạn, hay dựa dẫm vào gia đình vì được bảo bọc quá nhiều từ cha mẹ. Khi đi học xa nhà hay tham gia vào một hoạt động nào đó, trẻ thiếu chính kiến, ít vốn sống và không thường giao tiếp với người khác nên rất dễ nhút nhát, phạm sai lầm.

Trong khi đó, người phương Tây lại coi trọng chủ nghĩa cá nhân, đề cao năng lực và vai trò của cá nhân trong sự phát triển của xã hội. Cuộc sống du mục xa xưa khiến họ tôn thờ cuộc sống độc lập, phóng khoáng, tự mình làm chủ cuộc sống của mình. Họ quan niệm gia đình chỉ là nơi xúc tác để con bộc lộ thiên hướng cá nhân chứ không phải kiểm soát và kiềm nén sự phát triển tự nhiên của con trẻ. Tuy nhiên, cách dạy con của người phương Tây ít nhiều mang tính vị kỷ, không nghĩ đến người khác nên mối quan hệ với cộng đồng thường mờ nhạt và ít gắn bó.

Cách dạy con của cha mẹ ở phương Đông và phương Tây có những điểm hay riêng. Quan trọng là các bậc cha mẹ phải biết cách chọn lọc và dung hòa với văn hóa bản địa để có một phong cách dạy con cởi mở và phù hợp hơn cho sự phát triển của trẻ.