Duyên Dáng Việt Nam

Miền Bắc - Mùa săn mây

Theo heritage • 16-12-2020 • Lượt xem: 2736
Miền Bắc - Mùa săn mây

Mấy ai không bị mê hoặc bởi khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên Việt Nam, nhưng ảo diệu hơn là lúc trời đất ban tặng cho những khoảnh khắc quý giá khi núi non hòa quyện cùng mây trời. Những nơi mà núi trong mây, mây vờn núi hay biển mây bồng bềnh bao trọn tầm mắt đã trở thành đích đến của những người có thú vui “xê dịch”.

Có mùa nào được gọi tên là “mùa mây”? Có chứ, bởi mùa ấy mây đẹp lắm. Cuối thu đầu đông hay khi xuân sang là những lúc “có mây” đẹp nhất ở vùng núi phía Bắc. Sau mùa vàng óng ả lúa chín khắp đồi nương, miền núi phía Bắc đang bắt đầu vào mùa mây thôi thúc ta phải đi về phía núi non. Với địa hình rừng núi, sông suối, thung lũng đan xen, vào những thời điểm nền nhiệt ban đêm hạ thấp, ban ngày tăng cao cùng với nắng lên là lúc mây tràn về.

Mây giăng trên những dãy núi bảng lảng, hờ hững hay tạo thành biển mây rộng lớn ở những thung lũng đẹp tựa cõi tiên. Đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, từ đông sang tây, ở đâu có núi cao là ở đó có mây vờn, mây kết. Nếu chỉ có ít ngày, có thể chọn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hay Lũng Vân – nóc nhà của xứ Mường Hòa Bình để “săn mây”. Rong ruổi trên cung đường chưa tới 100km từ Hà Nội, vẫn có thể tự hào vì đã tìm được mây trắng.

Ở những cung đường xa hơn, sẽ có rất nhiều lựa chọn mà mỗi đích đến mang lại những cảm xúc riêng, để rồi vụt lên những ý định tiếp nối hành trình tìm kiếm cái đẹp giữa thiên nhiên hào sảng. Phổ biến nhất trong bản đồ “săn mây” phải kể đến Sa Pa hay Y Tý (Lào Cai), Tà Xùa (Sơn La), Sìn Hồ (Lai Châu) hay tại tứ đại đỉnh đèo là Khau Phạ (Yên Bái), Mã Pí Lèng (Hà Giang), Ô Quy Hồ (Lào Cai) và Pha Đin (Sơn La – Điện Biên). Sa Pa đã nổi danh là “thành phố trong sương” nên tới đây là để tận hưởng bức tranh núi rừng và các dân tộc thiểu số được vẽ trong màn sương và những áng mây.

Mây xa xa giăng trên dãy Hoàng Liên Sơn, mây như ùa vào cửa sổ căn nhà trông ra thung lũng Mường Hoa. Có đôi khi, lòng bồi hồi theo áng mây bay cuốn đi những lo toan đời thường. Địa danh Y Tý (huyện Bát Xát – tỉnh Lào Cai) – “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” hẳn là đã mang đủ ý nghĩa thiêng liêng khi nghĩ về núi sông nhưng nếu được một lần thả hồn vào những vườn mây nơi đây, chắc chắn ai cũng sẽ muốn quay lại. Chẳng thế mà Y Tý đã được mệnh danh là “thiên đường mây trắng” dù cung đường tới được đây không hề dễ dàng.

Từ Hà Nội lên Y Tý tầm 450km với quãng đường cuối gian nan, những khúc cua tay áo thót tim nhưng bù lại sẽ được tận hưởng cảnh quan núi non hùng vĩ, choáng ngợp và đặc sản “mây trắng” ngút ngàn. Mây la đà vờn quanh bản làng của người Hà Nhì với các ngôi nhà trình tường như những chiếc nấm.

Mây kết bồng bềnh tràn lên các sườn núi như biển mây trước mắt. Ở cõi mây ấy, ở không gian tĩnh lặng ấy, chợt xốn xang bởi sắc thổ cẩm sặc sỡ trên những chiếc váy đang rung rinh theo nhịp bước chân của những cô gái người H’Mông…

Gần hơn Y Tý, Tà Xùa (thuộc huyện Bắc Yên – tỉnh Sơn La) cách Hà Nội hơn 200km cũng là chốn có mây trắng tuyệt đẹp. Người dân ở Tà Xùa gọi nơi đây là cổng trời bởi quanh năm sương mây bao phủ. Vào những ngày “mây đẹp”, đứng trên một điểm cao, nhìn xuống là biển mây trắng xốp ảo diệu. Dù có khi chỉ xuất hiện vài phút nhưng biển mây ấy chính là khoảnh khắc kì diệu nhất trên hành trình “săn mây”.