VĂN HÓA

Minh họa hệ thực vật - Sự hòa quyện hoàn hảo giữa khoa học và nghệ thuật

Diễm Chi • 16-07-2023 • Lượt xem: 2100
Minh họa hệ thực vật - Sự hòa quyện hoàn hảo giữa khoa học và nghệ thuật

Botanical Art (Nghệ thuật minh họa hệ thực vật) là một loại hình nghệ thuật tập trung vào việc vẽ các loài thực vật. Tuy nhiên, để tạo nên một bức tranh chi tiết và chính xác thì người nghệ sĩ cần phải vận dụng giữa kỹ năng quan sát khoa học và khả năng nghệ thuật của mình.

Xem thêm:

Bí mật về những bức tranh nổi tiếng

Một quá trình hình thành và phát triển

Có thể nói, nghệ thuật minh họa hệ thực vật đã xuất hiện từ hàng thế kỷ trước cùng những người họa sĩ với niềm đam mê được khắc họa một cách sinh động về các loài thực vật ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ban đầu, mục đích chân chính của loại hình nghệ thuật này chính là tạo ra những bức tranh minh họa chính xác về các loài thực vật, giúp các nhà khoa học có thể nhận diện, phân loại và nghiên cứu một cách dễ dàng.

Ngược dòng thời gian trở về quá khứ, những bức tranh minh họa hệ thực vật đầu tiên được tìm thấy trong nền văn hóa cổ đại của Ai Cập, Hy Lạp và La Mã. Hình ảnh về các loài cây, hoa và quả được tái hiện một cách chi tiết trên các bức tường đá. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, mục đích của việc miêu tả các loài thực vật không chỉ vì lý do nghệ thuật mà còn vì một số lý do thuộc tín ngưỡng và tôn giáo của người dân.

Trong thời kỳ Trung Cổ, nghệ thuật minh họa hệ thực vật phát triển chủ yếu trong hai lĩnh vực là y học và thảo dược. Những quyển sách bao gồm những bức vẽ về các loại cây thuốc và dược liệu đã giúp những người thầy thuốc có thể nhận biết và sử dụng chúng một cách chính xác.

Ở thời kỳ Trung Cổ, việc minh họa các loài thực vật cũng có sự phát triển một cách đáng kể trong các quyển sách y học và thảo dược. Thông qua những hình ảnh minh họa, các thầy thuốc trong giai đoạn này có thể định danh, phân loại và xác nhận giá trị dược liệu của từng loài, từ đó, dùng cho mục đích chữa bệnh.

Có thể nói, giai đoạn Phục Hưng ở Châu Âu là một thời kỳ có sự phát triển bùng nổ trong lĩnh vực nghệ thuật, thơ ca và kiến trúc. Và nghệ thuật minh họa hệ thực vật cũng không phải là sự ngoại lệ. Những bộ sưu tập và những quyển sách minh họa thực vật cũng xuất hiện càng ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu của độc giả. 

Các nhà nghiên cứu và họa sĩ nổi tiếng có thể kể đến trong thời kỳ Phục Hưng ở Châu Âu là Leonhart Fuchs, Hieronymus Bock và John Gerard.

Cùng với sự phát triển công nghệ in và màu nước trong giai đoạn từ Thế kỉ XVIII - XIX, các họa sĩ Pierre-Joseph Redouté, Maria Sibylla Merian và Ernst Haeckel đã tạo ra nhiều bức tranh minh họa tuyệt vời. Việc tái bản và lưu truyền các bức tranh minh họa hệ thực vật bởi sự phát triển của kỹ thuật cũng diễn ra phổ biến hơn trong giai đoạn này. 

Thế kỉ XX - XXI, nghệ thuật minh họa hệ thực vật tiếp tục phát triển và có sự bùng nổ nhờ những thành tựu về sự tiến bộ khoa học, công nghệ và phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, sự quan tâm môi trường và các hệ sinh thái xung quanh đã giúp cho loại hình này có nhiều đóng góp đáng kể vào lĩnh vực nghiên cứu và bảo tồn loài.

Những khác biệt tạo sự nổi bật 

Nếu các loại hình nghệ thuật khác đề cao sự sáng tạo trong mỗi bức vẽ thì nghệ thuật minh họa hệ thực vật lại đề cao sự chính xác và chi tiết. Chính vì vậy, để hoàn thành tác phẩm một cách tỉ mỉ, bên cạnh các kỹ năng về hội họa, người họa sĩ phải nắm vững kiến thức và có sự hiểu biết nhất định về các cấu trúc, hình dạng, màu sắc và tính chất của mỗi loài thực vật. 

Hơn thế, từ thời xa xưa, nghệ thuật minh họa hệ thực vật đã đi kèm với các mục đích về y học, khoa học và giáo dục, việc đó cũng kéo dài cho đến hiện tại. Các tác phẩm minh họa thực vật sẽ thường được sử dụng trong giải dạy, nghiên cứu và bảo tồn. Tuy vậy, loại hình nghệ thuật này vẫn luôn mang đến sự mãn nhãn cho người xem bởi sự chân thật của nó. 

Những tác phẩm minh họa thực vật thường có sự phối hợp hài hòa giữa màu sắc, cấu trúc và cảm xúc, từ đó tạo được sự hút mắt đối với người xem. Các tác phẩm này khi được lựa chọn để trưng tại một cuộc triển lãm sẽ thường thu hút được sự chú ý của nhiều người và giới mộ điệu.

Ẩn sâu bên trong mỗi tác phẩm, người xem thường cảm nhận được một nét đẹp cổ điển của bức tranh bởi lịch sử hình thành lâu đời của loại hình nghệ thuật này. Người đến xem triển lãm loại hình nghệ thuật này cũng không chỉ đơn giản là vì sự xinh đẹp, bở lẽ, sâu bên trong đó là thông điệp về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Nghệ thuật minh họa hệ thực vật thể hiện sự quan tâm đặc biệt về vẻ đẹp của từng loài, tuy khác biệt, nhưng chúng luôn có sự quyến rũ và có nét đẹp của riêng mình, tương tự với loại hình nghệ thuật này.

Những đóng góp quan trọng cho khoa học

Sau mỗi cuộc triển lãm về các tác phẩm được khắc họa bằng nghệ thuật minh họa hệ thực vật, người xem lại khám phá thêm một điều mới về các loài thực vật. Có thể nói, sự phát triển của loại hình nghệ thuật này đã đóng góp một phần đáng kể vào sự phát triển và bảo tồn các loài thực vật. Cụ thể, dựa vào các tác phẩm, nhà nghiên cứu có thể phân loại và nhận diện được các loài thực vật, đặc biệt là trong các hướng dẫn thực vật học và sách tham khảo. 

Bên cạnh đó, những bức tranh được tái hiện một cách chi tiết và chính xác cũng cho phép các nhà khoa học xác định được cấu trúc, hình dạng và tính chất của những loài mới xuất hiện. Phối hợp với các hoạt động giảng dạy, những kiến thức này ngày càng dễ dàng được nhiều người biết đến bởi sự tái hiện trực quan và sinh động.

Một trong những đóng góp quan trọng của loại hình nghệ thuật này chính là góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái. 

Cùng với sự phát triển của các nền công nghiệp ở thời điểm hiện tại, một số loài thực vật có thể rơi vào tình trạng khan hiếm ở mức đáng báo động. Nhờ sự truyền tải một cách sinh động, nghệ thuật minh họa hệ thực vật góp phần lan tỏa thông điệp, tăng cường ý thức về sự đa dạng và giá trị của thực vật trong tự nhiên, đồng thời đẩy mạnh công tác bảo tồn môi trường và các nỗ lực bảo vệ các loài thực vật quý hiếm.

Nhìn chung, nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật và khoa học, nghệ thuật minh họa hệ thực vật không chỉ mang đến sự mãn nhãn, mà còn có ảnh hưởng đáng kể đối với sự phát triển của khoa học.

Một số tác phẩm nổi tiếng

Tác phẩm “The Banksia and Waratah" của họa sĩ Celia Rosser: Celia Rosser là một nghệ sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực minh họa hệ thực vật, bức tranh "The Banksia and Waratah" là một tác phẩm nổi bật của Celia Rosser với những chi tiết chính xác về cấu trúc và hình dạng của loài thực vật này.

"Flora Japonica" của Masumi Yamanaka: Masumi Yamanaka là một nghệ sĩ nghiên cứu về nghệ thuật minh họa hệ thực vật người Nhật Bản, tác phẩm "Flora Japonica" là một bộ sưu tập các bức tranh thực vật chi tiết và chân thực, tập trung vào các loài thực vật đặc trưng của Nhật Bản.

 Tác phẩm "The Tulip" được thực hiện bởi họa sĩ Fiona Strickland: Fiona Strickland là một họa sĩ nổi tiếng với tài năng trong việc vẽ các loài hoa. Bức tranh "The Tulip" của cô thể hiện một bông hoa tulip với sự cân bằng hoàn hảo giữa màu sắc và chi tiết.