VĂN HÓA

Minh họa Truyện Kiều dưới cái nhìn minh triết Việt

Văn Sáu • 30-07-2020 • Lượt xem: 842
Minh họa Truyện Kiều dưới cái nhìn minh triết Việt

Trong thời đại 4.0, chúng ta có nhiều cách tiếp cận thông tin để giải đáp những thắc mắc cũ hoặc đưa ra những giả thuyết mới về những góc khuất trong lịch sử “Truyện Kiều” để mỗi người tự suy ngẫm về lịch sử và văn hóa dân tộc Việt.

Kiệt tác Truyện Kiều với 411 câu thơ sử dụng các con số. Đâu là ý nghĩa biểu đạt ước lệ của các con số đó? Tìm hiểu cách sử dụng con số của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” dưới cách nhìn minh triết Việt là đề tài mới mẻ, thú vị và cần thiết trong việc nghiên cứu, giảng dạy.

Vào ngày 1.8.2020 Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace sẽ tổ chức cuộc hội thảo Minh họa Truyện Kiều dưới cách nhìn minh triết Việt nhân kỉ niệm 200 năm ngày mất của danh nhân văn hóa thế giới - đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765 - 1820). Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả: nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn, nhà nghiên cứu Lê Nghị và họa sĩ - nhà giáo Nguyễn Tuấn Sơn.  

Hội thảo còn có sự tham gia của nghệ sĩ đàn nguyệt Tạ Xuân Quỳnh, vũ công Phan Văn Chức. Nghệ sĩ Tạ Xuân Quỳnh tốt nghiệp khoa Nhạc cụ truyền thống – Nhạc viện Hà Nội (2015), đoạt Cup Vàng Tiếng đàn nguyệt Thăng Long (2018). Nghệ sĩ Phan Văn Chức đoạt giải nhất Singapore mở rộng (2015), là huấn luyện viên Quốc gia và trọng tài Quốc gia Dancesport. Hỗ trợ cố vấn và biên tập nội dung gồm các nhà nghiên cứu Lại Quảng Nam, nhà Hán Nôm Lâm Thanh Sơn, cô giáo Đỗ Thu Hà, học sinh Đường Lê Tuệ Minh, Nguyễn Khánh Vân

Tại buổi hội thảo này khán thích giả sẽ được xem và nghe giới thiệu về cuốn sách Kiều bản Kinh Ngự dụng của nhà in Công Thiện Đường và  triển lãm tranh minh họa truyện Kiều của Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn.

Cũng trong chương trình này, các diễn giả sẽ trình bày và làm rõ hơn những giá trị của Truyện Kiều.

Hội thảo diễn ra từ 9 giờ sáng ngày 1.8.2020 tại Hội trường Viện Pháp – L’Espace, số 24 Tràng Tiền, Hà Nội, triển lãm sẽ kéo dài đến hết tháng 8.

Họa sĩ - nhà giáo Nguyễn Tuấn Sơn tốt nghiệp trường Cao đẳng Nhạc Họa TW, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, sáng lập xưởng Hội họa và thiết kế đồ họa Picas Sơn, là tổ trưởng môn Mỹ thuật của trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành – Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1999, ông bắt đầu sáng tác tranh lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều”. Sau đó một năm, triển lãm tranh cá nhân của ông được tổ chức tại Hà Nội.

Các tác phẩm của Sơn "Kiều" không chỉ minh họa tác phẩm Truyện Kiều mà là vẽ theo xúc cảm, cảm hứng, những nét vẽ trừu tượng khiến người xem tranh phải soi kỹ nhiều lần, khám phá từng đường nét của bức họa và không ngừng tưởng tượng.

Cách hiểu của Nguyễn Tuấn Sơn về Truyện Kiều qua các bức tranh của anh là một nhận thức mới, hiện đại, tránh được những áp đặt trong quá khứ (như các thiên kiến về Thúy Kiều - một kỹ nữ, Hoạn Thư - người đàn bà độc ác, ghen tuông, Thúc Sinh - kẻ trác táng, hèn nhát, Kim Trọng - gã thư sinh vô dụng, Đạm Tiên - hồn ma đáng sợ…). Các bức tranh của anh đem lại cho người thưởng lãm những giá trị nhân văn mới từ góc nhìn hội họa, khiến họ thay đổi ít nhiều cách nghĩ quen thuộc về các nhân vật trong Truyện Kiều, nhìn ngắm họ từ nhiều khuôn mặt của cuộc đời, thêm những nỗi cảm thông với những thân phận bị cuộc đời hắt hủi, đày đọa.

Tranh Sơn "Kiều" là sự kết hợp giữa hội họa phương Tây và những giá trị mỹ thuật dân tộc. Chúng ta thấy ẩn hiện trong những nét màu rất mạnh và rất sắc của anh là những đường nét của điêu khắc đình làng, của mỹ thuật chùa chiền và màu sắc của các lễ hội; thấp thoáng đâu đó hình dáng của các nhân vật trong các vở chèo, vở tuồng truyền thống…