ĐỜI SỐNG

Món ăn từ nội tạng động vật: Ai không nên ăn và ăn bao nhiêu là đủ?

Thơ Ly • 02-12-2023 • Lượt xem: 1268
Món ăn từ nội tạng động vật: Ai không nên ăn và ăn bao nhiêu là đủ?

Đồ ăn từ nội tạng là món “khoái khẩu” của rất nhiều người. Tuy giàu chất dinh dưỡng nhưng nội tạng động vật lại không phải là một loại thực phẩm lành mạnh đối với một vài đối tượng và việc ăn những bộ phận này cũng tồn tại những rủi ro nhất định. 
 

Nội tạng động vật gồm các cơ quan như tim, phổi, gan, dạ dày, bầu dục, ruột,... có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau và được thêm vào chế độ ăn uống hằng ngày của nhiều gia đình. Các loại động vật thường được dùng làm thức ăn cũng rất đa dạng, phải kể đến như bò, gà, lợn, cừu, dê…

Theo số lượng thống kê từ Viện dinh dưỡng Quốc gia, nội tạng động vật chứa hàm lượng dinh dưỡng khá cao, khoảng từ 100-150 calo/ 100 gram. Trừ não và tủy ra, các loại nội tạng khác từ động vật đều có hàm lượng protein từ khoảng 16-22% trọng lượng. Hàm lượng chất béo từ nội tạng động vật nằm ở mức 5 cho đến 7% nhưng trong đó đa phần là chất béo bão hòa với lượng cholesterol rất cao.

Nhiều người ăn nội tạng từ động vật, đặc biệt là gan như một cách để phòng ngừa bệnh thiếu máu, mù màu và còi xương. Bởi lẽ, trong một số bộ phận (tiêu biểu như gan) cung cấp nhiều vitamin A và D, đặc biệt là hàm lượng sắt vô cùng dồi dào. Hàm lượng natri trong tim lại khá thấp, bù lại cung cấp rất nhiều sắt. Óc chứa nhiều niacin, phosphorus, B12 và vitamin C. Trong huyết động vật cũng có chứa nhiều chất dinh dưỡng, điển hình như protein, sắt và các loại vitamin.

Nhìn chung, đa số những món ăn làm từ nội tạng đều có hàm lượng chất đạm và chất béo tương đối cao. Tim, gan và thận động vật là nguồn cung cấp sắt, chống thiếu máu rất tốt ở trẻ em, phụ nữ mang thai và phụ nữ ở lứa tuổi sinh nở. Bên cạnh đó, những bộ phận này cũng chứa hàm lượng vitamin A cao, có lợi cho mắt, giúp trẻ em tăng cường sức đề kháng và tăng trưởng tốt hơn.

Không chỉ cung cấp nhiều dinh dưỡng, nội tạng động vật còn giúp chúng ta có cảm giác no lâu hơn. Nhiều người yêu thích việc tập luyện còn thường xuyên bổ sung thức ăn từ nội tạng động vật để có thể duy trì khối lượng cơ bắp của cơ thể.

Dù có nhiều lợi ích dinh dưỡng là vậy, tuy nhiên nội tạng động vật cũng có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu cứ ăn vô tội vạ. Nhiều người có quan niệm “ăn gì bổ nấy” nhưng đây là quan điểm không hề có cơ sở khoa học. Bác sĩ Nguyễn Xuân Ninh khuyến cáo: "Dù nội tạng tốt với một số đối tượng kể trên, nhưng lại không tốt với một số đối tượng do có nhiều cholesterol. Những người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa: tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gút, bệnh thận, người thừa cân - béo phì, người bị bệnh tim mạch thì không nên ăn nội tạng động vật”.

Vì trong nội tạng động vật có chứa nhiều đạm, axit bão hòa, cholesterol nên khi hấp thụ quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc những bệnh lý về thành mạch, xơ cứng thành mạch và cao huyết áp. Việc dung nạp quá nhiều thực phẩm từ nội tạng động vật sẽ dẫn đến dư thừa cholesterol, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Nội tạng động vật cũng không được khuyến cáo đối với những ai là người cao tuổi, béo phì, có bệnh tim mạch, tiêu hóa và gout. Phụ nữ có thai cũng cần thận trọng khi ăn các loại nội tạng mặc dù đây là nguồn cung cấp tốt vitamin A.

Một nghiên cứu cho biết, trẻ có nguy hơn bị dị tật cao hơn đến 80% khi các bà mẹ hấp thụ nhiều hơn 10.000 IU vitamin mỗi ngày. Do đó, phụ nữ mang thai cần thực sự thận trọng đối với những nguồn thực phẩm cung cấp nhiều vitamin A như nội tạng.

Ngoài ra, còn một lưu ý vô cùng quan trọng khác khi sử dụng nguồn thực phẩm là nội tạng động vật. Bạn cần chọn nội tạng còn tươi, có nguồn gốc rõ ràng và không bị bệnh. Gần đây, các sản phẩm từ nội tạng động vật không rõ nguồn gốc và giấy tờ liên tục đưa ra thị trường và đã bị cơ quan chức năng nhiều lần thu giữ. Nếu sử dụng những loại thực phẩm đầy rủi ro này, nguy cơ bị ngộ độc và các bệnh lý khác là vô cùng cao.

Theo các chuyên gia, một người lớn chỉ nên ăn nội tạng động vật từ 2 đến 3 bữa 1 tuần. Mỗi lần chỉ nạp khoảng 50 đến 70 gam. Đối với trẻ em, chỉ nên ăn từ 1-2 bữa/ tuần, tương đương 30-50 gam mỗi lần.

Khâu sơ chế nội tạng cũng vô cùng quan trọng. Trước khi chế biến, bạn cần rửa qua bằng muối và trần nước sôi. Đặc biệt khi chế biến lòng heo, bạn cần chú ý khâu làm sạch bởi nếu chế biến một cách cẩu thả, nguy cơ nhiễm các vi khuẩn, ký sinh trùng, giun sán từ vật chủ là rất cao. Bên cạnh đó, một số động vật còn có chứa vi khuẩn E.Coli và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn. Do đó, bạn không nên ăn tái nội tạng động vật. Tốt hơn hết là nên chế biến kết hợp cùng với các loại thực phẩm khác để đảm bảo rằng chất dinh dưỡng luôn được cân bằng.

Kết hợp nội tạng với các loại thực phẩm khác vô cùng đơn giản và rất dễ thực hiện. Chẳng hạn như bạn có thể chế biến nội tạng cùng cần tây, bắp cải hay tỏi tây. Những loại thực phẩm này có thể tiết chế sự hấp thụ cholesterol vào cơ thể. Bên cạnh đó, cách chế biến này cũng giúp thực phẩm bổ sung cho nhau về dinh dưỡng, giúp cơ thể chúng ta khỏe mạnh hơn.