ĐỜI SỐNG

Món ngon chốn lạ

Khuê Việt Trường • 26-09-2022 • Lượt xem: 1116
Món ngon chốn lạ

Ẩm thực là một phần rất quan trọng trong các cuộc hành trình du lịch. Các đơn vị tổ chức tour luôn nghiên cứu nhằm dung hòa khẩu vị của người Việt với món ăn của các nơi mà họ đưa du khách đến. 

Vì thế, ở các nước Châu Á như Lào, Campuchia và cả Thái Lan, Singapore chẳng hạn, khách thường được đưa đến ăn một buổi ở quán ăn Việt do chính những người Việt mở ra, hoặc là quán của người Trung Quốc nấu ăn phù hợp với khẩu vị của người Việt.

Ngay cả trong nước, sự dịch chuyển vùng miền cũng đã thay đổi khẩu vị ẩm thực của mọi người. Bởi nguồn nguyên liệu đặc trưng của mỗi nơi mỗi khác, ẩm thực mỗi nơi mỗi khác. Du lịch để bước vào thể giới ẩm thực riêng của miền đất mình tới cũng là một phần tạo nên sự thú vị của chuyến đi. Bỏ qua chuyện một bộ phận nhỏ vẫn thích những món ăn giống như ở nhà nấu, việc tận hưởng các món ăn riêng biệt vùng miền sẽ tạo cho bạn cảm giác không thể nào quên trong cuộc hành trình. Như có những chuyến đi về các khu vực Tây Bắc, biết ý khách, một số hướng dẫn viên đã mang theo nước mắm để bổ sung cho bữa ăn, bởi thường nước mắm ở vùng cao không ngon, và chủ đạo của món chấm là muối tiêu hoặc bột canh.

Bữa con ở bản Pắc Ngòi (Cao Bằng)

Giữa các tỉnh miền Trung nói chung ẩm thực ít khác biệt, các tỉnh miền Nam tương đối giống nhau trong cách chế biến đơn giản, nhưng sự cầu kỳ có thể ở Huế chẳng hạn. những cũng tạo ra đặc sản vùng miền. Huế có cây vả làm nên những món ăn chỉ ở Huế mới có. Vả là một loại cây họ sung, thường được dùng để ăn sống như rau sống, hoặc luộc lên trộn thịt heo làm gỏi và có cả vả muối… Đây là món ăn không thể thiếu trong cuộc hành trình đến Huế.

Những món ăn Huế quen thuộc như bánh bột lọc, bánh bèo và cả bún bò Huế cách chế biến rất tinh tế. Bánh bèo chẳng hạn, hấp nóng với chiếc bánh mỏng, bỏ bên trên một tóp mỡ và ít nhân tôm, bánh còn nóng ăn với nước mắm chế biến ngon, trong nước mắm có lát ớt cao sản xanh cay the. Là đến Quảng Ngãi sẽ thú vị với món Don, thật ra chỉ là nước nấu ra từ con Don nhỏ xíu, màu nước gợn xanh, bóp bánh tráng vào trộn với nước mà ăn. Bạn cũng sẽ thú vị khi đến Đà Nẵng được mời món ăn thịt heo luộc hai đầu cuốn bánh tráng, hoặc lạc lối đến Hội An ăn món Cao Lầu…Lên núi Cấm (Châu Đốc) đặc sản là bánh xèo ăn với rau rừng, đến Tây Ninh không thể bỏ qua món bánh tráng phơi sương cuốn thịt heo hoặc bánh canh Trảng Bàng.

Bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc

Những cuộc hành trình miền Nam sẽ gặp những món ăn mang dấu ấn thời khẩn hoang. Món ăn miền Nam không cầu kỳ, đôi khi chỉ là con cua còn tươi, còn cá mới vớt lên nướng trên lửa than hoặc lửa rơm chấm muối hoặc mắm ngon mà ăn. Là con cá linh vào mùa nước nổi từ Biển Hồ trôi về, khi đó rợp ven sông là bông điên điển vàng nở rộ. Cá linh nấu lẩu mắm với bông điên điển, bánh xèo bông điển điển, hay đôi khi chỉ là con cá lóc nướng rơm, điên điển xào tép. Món phở ở miền Nam cũng chẳng cầu kỳ, chỉ là phở xương nhưng rất được mọi người ưa thích.

Cá Chạch chiên giòn
Cá Lóc nướng trui
Điên điển xào tép

Mỗi vùng miền có những lợi thế khác nhau, vì thế ẩm thực khác biệt. Bạn đi Hà Giang sẽ “khó ăn” bởi cách chế biến, buổi sáng đi chợ Đồng Văn sẽ gặp món xôi bảy màu, hoặc các loại bánh nấu nhiều bột, và thắng cố nấu trong chảo tôm khách ăn thì múc ra tô (Thắng cố là đặc sản với lẩu cá hồi, lẩu cá tầm ở các quán ăn ở Sa Pa). Ở Hà Giang có món canh nấu bằng bắp nẩy mầm, nấu kiểu người địa phương.

Đi Cao Bằng, chúng tôi được ăn cá suối chiên giòn, đặc sản khác là rau bò khai hoặc thịt nướng với lá mật. Món bánh cuốn khác với miền xuôi, đó là để nguyên quả trứng gà lên chiếc bánh, vẫn còn lòng đào, bọc lại rồi thả vào chén mắm.

Những món ăn vùng miền khó mà kể cho xiết trong các cuộc hành trình. Đến một vùng đất, ăn món ăn của người dân địa phương, là những trải nghiệm vô cùng thú vị.