Duyên Dáng Việt Nam

Một thị trường "sạch" cho những bên thực sự có năng lực?

Việt Tú • 28-03-2018 • Lượt xem: 837
Một thị trường "sạch" cho những bên thực sự có năng lực?

Ngoài câu chuyện một số chuyên gia bày tỏ lo ngại về chuyện gian lận thương mại của các đại lý nhập khẩu tư nhân. Nghị định 116/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ cuối năm 2017 được cho giúp thanh lọc thị trường, tạo ra một thị trường cho những bên thực sự có năng lực.

Nghị định cũng không mở rộng cho việc làm ăn chộp giật của nhiều doanh nghiệp "mua đứt bán đoạn", nhằm hướng đến việc bảo về thị trường trong nước, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Lại bảo hộ xe lắp ráp? 

Sau hơn 6 năm áp dụng Thông tư 20, hàng loạt nhà kinh doanh xe nhập khẩu quy mô nhỏ phải lần lượt đóng cửa. Thị trường ô tô chỉ còn vài chục “ông lớn” với 2 hình thức kinh doanh, gồm: Các liên doanh lắp ráp ô tô như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Mercedes-Benz Việt Nam, Ford Việt Nam, Thaco kiêm nhà nhập khẩu chính thức của các hãng xe này. Số còn lại là nhà nhập khẩu của các hãng xe Subaru, Volkswagen, BMW, Audi, Porsche... 

Hiện nay sau thời gian ngắn Nghị định 116 có hiệu lực, giới kinh doanh ô tô dự báo nhiều doanh nghiệp nhập khẩu còn lại sẽ tiếp tục “biến mất” trên sân chơi mặt hàng đặc biệt này. Những quy định trong Nghị định này tiếp tục tạo ưu thế cho một số doanh nghiệp trên thị trường ô tô. Ghi nhận thị trường cho thấy, ngay sau khi Nghị định 116 được ban hành đã tác động gần như lập tức tới thị trường xe trong nước. 

Nhiều đại lý Toyota đã phải đàm phán lại với khách hàng đã đặt các mẫu xe mới như Fortuner máy dầu số tự động, do không thể đảm bảo trước thời gian chính xác xe sẽ được thông quan. Nhiều hãng xe khác như Ford, Chevrolet, Mitsubishi có nguồn xe nhập khẩu từ Thái Lan cũng bị ảnh hưởng vì phải bổ sung thêm nhiều giấy tờ mới.

Đây cũng được cho là “rào cản” bảo hộ xe lắp ráp trong nước trước nguy cơ cạnh tranh về giá của xe nhập khẩu có mức thuế 0% từ khối ASEAN. Xe lắp ráp trong nước sẽ chủ động được thời gian ra mắt sản phẩm, kế hoạch sản xuất và đẩy bớt hàng tồn; bên cạnh đó, cũng chưa vội giảm giá quá sâu vì thị trường đang giảm bớt đối thủ cạnh tranh, ít nhất kéo dài đến giữa năm 2018.

Trong khi đó, xe nhập khẩu do những vướng mắc mới phát sinh sẽ không thể chủ động được kế hoạch và cũng như chưa thể xác định được thời điểm nào có thể thông quan. Điều đáng chú ý, các hãng ô tô luôn phải đảm bảo lợi nhuận, vì vậy mọi chi phí phát sinh từ Nghị định 116 sẽ phải tính vào giá xe và đương nhiên khách hàng là người chịu hết những chi phí đó và giấc mơ mua xe giá rẻ vẫn chưa có câu trả lời trong thời gian tới.

Cơ hội không chia đều cho tất cả

Bên cạnh đó, còn là câu chuyện của 2 nhóm nhập khẩu xe với những lợi ích khác nhau, giữa một bên là các nhà nhập khẩu chính hãng và các nhà nhập khẩu tư nhân. Ngay từ Thông tư 20, quy định trong văn bản có phần lợi thế thuộc về phía một số doanh nghiệp nhất định, và ở đây là các nhà nhập khẩu chính hãng, hoạt động chuyên nghiệp, quy mô và tổ chức bài bản.

Khi Nghị định 116 được ký và có hiệu lực từ cuối năm 2017, sự trao quyền đã rõ ràng hơn. Nghị định này gần như không còn đường lách cho các doanh nghiệp nhập khẩu tư nhân. Quy định có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, nếu doanh nghiệp nhập khẩu ôtô tư nhân không có khả năng xây dựng, hoàn toàn có thể đi thuê. Nhưng với văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi là bất khả thi. Từ trước đến nay, những giấy tờ này chỉ được cấp cho các nhà nhập khẩu chính hãng.

Cơ hội không chia đều cho tất cả, lãnh đạo của một hãng xe nhập khẩu chính hãng tại Việt Nam đồng ý như vậy. "Chọn một bên ít về số lượng, nhưng đóng thuế một năm hàng nghìn tỷ và tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm, hay một bên nhiều về số lượng, nhưng đóng thuế không bằng một phần nhỏ dù đã cộng dồn tất cả. Đây là chưa kể đến vấn đề gian lận thương mại hay làm thất thu thuế của nhà nước", vị lãnh đạo nói.

Khe cửa nhỏ khả thi cho các nhà nhập khẩu ôtô tư nhân tồn tại, có chăng là tài sản di chuyển hoặc quà biếu. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng điều này rất khó, nếu có thì nguồn cung cũng rất ít, vì khi chính phủ muốn siết chặt, việc tìm cửa lách gần như vô vọng. Một chiếc xe về Việt Nam theo đường quà biếu tặng chỉ giới hạn 1 xe/người/năm. Hơn nữa, khi chiếc xe về Việt Nam, nếu muốn bán, người nhận phải đăng ký biển số, đóng phí trước bạ, cộng thêm lợi nhuận doanh nghiệp, dẫn đến giá bán tăng thêm 20%, một bất lợi rất rõ ràng.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Việc Nghị định 116 được cho là xiết chặt các điều kiện về sản xuất, lắp ráp ô tô với mục tiêu giúp cho chiến lược phát triển ô tô của Việt Nam có những bước đi căn cơ hơn, làm nâng cao vị thế của ngành ô tô trong nước mà cũng là nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đáp ứng đồng thời hai điều kiện nói trên khiến những doanh nghiệp đã và đang có kinh nghiệm cũng như tiềm lực mạnh cũng phải tìm kiếm các nhà sản xuất uy tín ở nước ngoài để làm đối tác, không chọn những nhà sản xuất hay thương hiệu ô tô ít có tiếng tăm ở nước ngoài để nhập khẩu.

Về phía người tiêu dùng, việc siết chặt điều kiện với doanh nghiệp lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô thuần túy cũng là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng trong việc sử dụng một sản phẩm liên quan đến an toàn, tính mạng của nhiều người như ô tô. “Nếu nới lỏng điều kiện nhập khẩu, không bắt buộc nhà nhập khẩu phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc bảo hành, bảo dưỡng cũng như không bắt buộc nhà sản xuất nước ngoài phải cam kết trách nhiệm triệu hồi ô tô khi bị phát hiện lỗi, khiến người tiêu dùng có nguy cơ bỏ rơi khi gặp sự cố là điều khó chấp nhận được”, một chuyên gia kinh tế cho biết.

Tóm lại, quy định mới này được cho là không phải cứ có tiền là nhập khẩu ô tô về để bán tràn lan một cách vô tội vạ, sau đó người tiêu dùng gánh chịu hậu quả, mà phải có sự sàng lọc đầu vào, và chịu trách nhiệm trong toàn bộ đời sống sản phẩm nhập khẩu, nên chỉ có doanh nghiệp mạnh, làm ăn uy tín mới đủ điều kiện nhập khẩu ô tô.

Tóm tắt 3 ý chính của Nghị định 116/2017/NĐ-CP

  1. Trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng: Cam kết bảo hành tối thiểu 03 năm (hoặc 100.000km). Doanh nghiệp có trách nhiệm phải công bố thông tin về thời hạn bảo hành, nội dung và điều kiện bảo hành, địa chỉ cơ sở bảo dưỡng, bảo hành đủ năng lực theo quy định.
  1. Trách nhiệm triệu hồi và thu hồi xe ô tô thải bỏ: Doanh nghiệp nhập khẩu phải triệu hồi xe lỗi theo quy định của pháp luật; Thực hiện việc thu hồi xe thải bỏ, hết niên hạn sử dụng…Doanh nghiệp phải có văn bản xác nhận được quyền thay mặt hãng ở nước ngoài thực hiện việc triệu hồi xe tại Việt Nam.
  1. Trách nhiệm đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường:
  • Phải cung cấp cho các cơ quan quản lý chất lượng các loại giấy tờ sau: Bản sao Giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại xe ô tô nhập khẩu cấp bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; Bản chính Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ở nước ngoài; Tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô đó…
  • Kiểm tra theo quy định với từng lô xe về cảng (kiểm tra khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật).